Hơi nước bị hút lên cao, cho phép hydro trong H2O thoát vào không gian, khiến nước trên sao Hỏa dần cạn kiệt.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu hình ảnh của tàu thăm dò sao Hỏa Marsa của NASA trong suốt hơn một thập kỷ để điều tra thành phần của các cơn bão bụi thường xuyên xuất hiện trên Hành tinh đỏ.
Trong một trận bão bụi khổng lồ vào năm 2006 và 2007, các dấu hiệu hơi nước đã được tìm thấy ở độ cao bất thường trong bầu khí quyển, gần 80 km. Đồng tác giả của nghiên cứu, Nicholas Heavens, một nhà thiên văn học thuộc Đại học Hampton ở Virginia cho biết, hơi nước bề mặt đã bị cuốn vào những cơn bão bụi có vận tốc khủng khiếp, di chuyển theo chiều thẳng đứng - trên các dòng đối lưu tương tự như những đám mây bão trên trái đất.
Ở độ cao trên 50km, ánh sáng cực tím từ mặt trời dễ dàng thâm nhập vào không khí mỏng của Hành tinh Đỏ và phá vỡ liên kết hoá học giữa hydro và oxy. Lúc này, hydro tự do di chuyển vào không gian, liên kết với oxy tạo nước bị phá vỡ hoàn toàn.
Heavens nói: "Vì nó quá nhẹ nên hydro sẽ bị mất tương đối dễ dàng trên sao Hỏa. Sự mất hydro cũng có thể xảy ra trên trái đất, nhưng chúng ta có quá nhiều nước nên đây không phải là vấn đề lớn."
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng sao Hỏa đã từng được bao phủ bởi một đại dương, và nó đã mất đi phần lớn lượng nước thông qua quá trình thoát hydro. Nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên xác định bão bụi như là một cơ chế để giúp khí Hydro thoát ra. Heavens nói rằng ảnh hưởng tổng thể của tất cả các cơn bão bụi có thể chiếm khoảng 10% lượng hyđrô hiện tại của sao Hỏa.
Xem thêm: