Khó cho công ty phần mềm vừa và nhỏ

Khủng hoảng tài chính bắt đầu gây những tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực gia công.

Nhưng không phải chỉ có những tác động mang tính khách quan, các DNVVN trong lĩnh vực phần mềm cũng phải đối mặt với những khó khăn nội tại của một ngành công nghiệp còn rất non trẻ và nhỏ bé.

Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (VINASA), năm 2007 cả nước có trên 750 doanh nghiệp, với khoảng 35.000 nhân lực, hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, mang lại doanh số của ngành phần mềm và dịch vụ khoảng 500 triệu USD. Trong đó, doanh số đến từ gia công phần mềm chiếm khoảng 180 triệu USD và có trên 150 công ty phần mềm tham gia vào mảng thị trường này (trung bình mỗi công ty có khoảng 100 - 150 lập trình viên).

Tuy nhiên, số công ty phần mềm có từ 1.000 nhân lực phần mềm trở lên - quy mô lớn với ta nhưng rất nhỏ bé so với các công ty phần mềm khác của Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines có hàng chục ngàn nhân viên - cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, như FPT Software, TMA, CSC... Những công ty có tốc độ tăng trưởng rất nhanh như Global CyberSoft, CMC Soft, NCS, Tinh Vân, Luvina... cũng chưa đạt tới ngưỡng nhân lực này. Không những thế, khoảng cách về quy mô và tiềm lực giữa các công ty phần mềm cũng vô cùng lớn. Theo khảo sát của Hội Tin học TP. HCM tại 30 doanh nghiệp phần mềm hàng đầu của thành phố này, tổng doanh thu của 5 doanh nghiệp hàng đầu là 890 tỷ đồng (trong tổng doanh thu của cả 30 doanh nghiệp là 1.400 tỷ đồng) trong năm 2007. Chênh lệch (về doanh số) giữa công ty hàng đầu và công ty cuối danh sách lên đến... 958 lần!

Rõ ràng, các DNVVN trong lĩnh vực phần mềm chỉ chiếm ưu thế duy nhất về số lượng (đông). Trong khi đó, họ đang phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, thách thức, mà hàng đầu là sự cạnh tranh về nguồn nhân lực chất lượng cao. Tất cả những doanh nghiệp phần mềm lớn tại Việt Nam đều kêu rằng rất khó tìm được những vị trí nhân sự cao cấp đảm bảo có đủ cả các kỹ năng về công nghệ, quản lý, giao tiếp và tiếng Anh, và thách thức lớn nhất với họ là thu hút và giữ được nhân tài, thì những DNVVN còn khó khăn đến đâu!

Khó về gây dựng và phát triển được đội ngũ nhân lực phần mềm mạnh đối với các DNVVN cũng chủ yếu là bởi tiềm lực về tài chính và khả năng phát triển thị trường của các doanh nghiệp này rất hạn chế. Những cái khó này đã khiến các DNVVN không dễ xây dựng được các hệ thống, quy trình quản lý chất lượng, hệ thống bảo mật, tất yếu dẫn đến những "nhiệm vụ bất khả thi" để mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu.

Triết lý gây dựng ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam từ những đầu tàu là các công ty phần mềm lớn là một triết lý không sai. Nhưng rõ ràng, để một ngành công nghiệp phần mềm phát triển mạnh mẽ, bền vững và thực sự có thương hiệu trên thị trường thế giới thì cũng không thể quên vai trò và tiềm lực của đông đảo các DNVVN. Để hỗ trợ và thúc đẩy lực lượng này phát triển, không thể thiếu vai trò của các Hội, hiệp hội doanh nghiệp (mà vai trò này hiện nay đang rất yếu), cũng như vai trò tạo "lồng ấp" và làm "bà đỡ" của Nhà nước (vai trò này hiện nay cũng chưa thực sự rõ nét). Đã đến lúc cần có một tư duy mới và hành động mới để gây dựng và thúc đẩy phát triển các DNVVN trong lĩnh vực phần mềm.

Thứ Hai, 27/10/2008 13:54
31 👨 352
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp