Intel cạnh tranh với ARM bằng chip smartphone mới

Chip Medfield sắp xuất xưởng của Intel sẽ là một thử nghiệm gay go về khả năng của hãng sản xuất chip này, nhằm xâm nhập thị trường smartphone và cạnh tranh với ARM.

Intel cạnh tranh với ARM bằng chip smartphone mới

Intel cho biết, các smartphone đầu tiên dùng chip Intel sẽ “lên kệ” vào đầu năm tới. Tuy nhiên, các hãng sản xuất thiết bị có thể sẽ thận trọng với chiến lược smartphone của Intel và khả năng cạnh tranh của hãng này đối với đối thủ ARM, là hãng mà các BXL của họ đang được sử dụng trong hầu hết smartphone trên thế giới, theo các nhà phân tích.

Intel đã bị trì trệ nhiều trong nỗ lực đưa chip của họ vào smartphone. Hồi tháng 1/2011, Intel cho biết smartphone chip Medfield sẽ được bán ra vào quý 2 năm nay, nhưng ở triển lãm Computex hồi tuần rồi ở Đài Bắc (Đài Loan), họ đã dời lại thời hạn này và cho biết các smartphone này sẽ được xuất xưởng vào năm tới. Việc LG cho hoãn xuất xưởng sản phẩm của họ và khó khăn trong liên kết với Nokia đã ảnh hưởng đến các cố gắng ban đầu của Intel trong việc cung cấp một loại smartphone có sử dụng chip của hãng ra thị trường.

Chip Medfield kết hợp một CPU Atom với một số nhân chuyên dùng cho các chức năng như tăng tốc đồ họa. Loại chip này sẽ thay thế Moorestown, dòng chip mà Intel đã thiết kế cho smartphone dù chip này chưa từng được sử dụng trong loại smartphone nào. LG đã giới thiệu smartphone GW990 dùng loại chip này, nhưng đã cho hoãn lại trước khi nó được đưa vào sản xuất.

Đối với các hãng sản xuất thiết bị thì việc chip Intel sử dụng trong điện thoại chưa được thử thách có thể là một ý tưởng khó chấp nhận, theo Jim McGregor, Trưởng nhóm chiến lược công nghệ của In-Stat, công ty cũng đã tham dự Computex.

Theo ông McGregor, dù Intel đang cung cấp các thiết kế hoàn chỉnh và hỗ trợ một vài công ty tuyển chọn, nhưng liệu họ có đủ sức để cạnh tranh không. Hãy xem trường hợp của Nokia. Intel đã hợp tác với hãng này 10 năm nay và họ chưa bao giờ giới thiệu một thiết bị cầm tay dùng chip Intel.

Năm ngoái, Nokia đã hợp tác với Intel để phát triển HĐH Meego, nhưng vào tháng 2/2011 họ đã từ bỏ nỗ lực đó để xây dựng một chiến lược smartphone tương lai dùng HĐH Windows Phone của Microsoft. CEO của Intel, Paul Otellini, gọi động thái thay đổi đột ngột này là một cú tát mạnh, nhưng sau đó ông cho biết rằng hành động rút lui của Nokia đã khiến hãng chip Intel tìm các hãng khác chấp nhận Medfield.

BXL của Intel thiên về hiệu năng hơn ARM, nhưng chip cho smartphone cũng còn phải có tính cạnh tranh về hiệu quả điện năng và giá cả, theo ông McGregor. BXL của ARM thường được xem là có hiệu quả về điện năng hơn BXL của Intel.

Chip của Intel theo truyền thống thường được xây dựng cho tốc độ chứ không cho hiệu quả điện năng, nhưng hãng chip này đang chú tâm hơn về mức tiêu thụ điện năng, theo Doug Freedman, nhà phân tích cao cấp về sản phẩm bán dẫn của hãng phân tích tài chính Gleacher and Co.

Ông Freedman cho biết, công ty ông đã bắt đầu nhận thấy Intel đã chấp nhận rằng cần phải thay đổi để thắng cuộc trong lĩnh vực siêu di động, và họ đang tái thiết kế máy tính cho giống với thiết bị cầm tay hơn.

Tuy nhiên, ARM có lợi thế là hầu hết phần mềm smartphone hiện nay đều được viết cho các HĐH dựa trên ARM, theo ông Freedman.

Sự nổi bật của ARM, một công ty nhỏ đã cho phép các hãng sản xuất chip sử dụng thiết kế BXL, là một trong những nhân tố khiến Intel phải thay đổi phương pháp thiết kế và sản xuất chip của họ để sản xuất được chip nhỏ hơn và có hiệu quả điện năng hơn.

Thông thường là cứ mỗi khoảng 2 năm, Intel lại cho ra một công nghệ sản xuất mới, còn được gọi là nút quy trình (process node). Các quy trình mới hơn cho phép hãng đưa thêm nhiều chi tiết bán dẫn vào một chip bằng cách làm chúng nhỏ hơn và xếp chúng gần nhau hơn, với những nút quy trình tính theo kích thước trung bình của các yếu tố nhỏ nhất trên chip.

Hiện giờ, Intel muốn tăng tốc nhịp độ đó: Medfield sẽ được sản xuất theo quy trình 32nm, và Intel sẽ bắt đầu sản xuất chip theo quy trình 22nm vào cuối năm nay. Các quy trình 14nm và 11nm tiếp theo sẽ được lần lượt giới thiệu cách nhau một khoảng thời gian dưới 2 năm, theo các viên chức của hãng.

Intel cho biết, việc này sẽ cho phép hãng tung ra các loại chip có mức tiêu thụ điện năng bằng với chip của ARM vào năm 2013.

Dù đã có tiến bộ trong công nghệ sản xuất, nhưng các nhà điều hành ngành công nghiệp cho biết là chip của Intel có thể không theo kịp trong lĩnh vực smartphone.

Vừa qua, CEO Rich Templeton của hãng Texas Instruments (TI) đã nhận xét về Intel, cho rằng vì lâu nay hãng này đã sản xuất chip máy tính tốn điện năng, nên họ có thể phải cố sản xuất chip tiêu thụ dưới 1W để có thể hoạt động trong điều kiện thực sự. TI là hãng sản xuất chip cho smartphone và máy tính bảng dùng BXL ARM.

Intel cũng đã giới thiệu bán dẫn 3D để dùng trong chip 22nm thế hệ kế tiếp, với bán dẫn có tốc độ nhanh hơn 37% và tiêu thụ điện năng chưa đến một nửa mức tiêu thụ của bán dẫn 2D trên chip 32nm hiện tại của hãng. Loại chip theo quy trình 22nm sẽ được bắt đầu sản xuất vào cuối năm nay.

Có thể chưa thấy ngay được ảnh hưởng, nhưng cuối cùng Intel có thể sẽ chiếm được một ít thị phần từ ARM với công nghệ sản xuất tốt hơn, theo Roger Kay, Chủ tịch của Endpoint Technologies Associates.

Ông Kay cho biết, khi lịch nút quy trình tăng tốc cho Atom bắt đầu có kết quả, tương lai của Intel sẽ sáng sủa hơn, và dự đoán sẽ gặt hái được nhiều hơn, sẽ ảnh hưởng đến quyền bá chủ của ARM trong lĩnh vực điện thoại.

Intel cũng đang nhận thấy sự quan trọng của các thị trường smartphone và máy tính bảng ngày càng tăng trưởng đang ảnh hưởng đến số máy tính xuất xưởng đang bị giảm sút. Hôm 6/6/2011, hãng nghiên cứu thị trường IDC đã giảm mức dự báo tăng trưởng số máy tính xuất xưởng toàn cầu của năm 2011 xuống còn 4,2% từ tỷ lệ 7,1%, lý do là vì các nền kinh tế đang bị trì trệ và ngày càng có nhiều người quan tâm hơn với máy tính bảng.

Intel là một hãng sản xuất đầy quyền năng với các nguồn tài nguyên kỹ thuật và tài chính đồ sộ, do đó họ không nên từ bỏ khỏi cuộc chạy đua smartphone này, theo ông McGregor của In-Stat.

Theo ông, điều này không có nghĩa là họ sẽ tung ra đúng sản phẩm vào đúng thời điểm, theo quan điểm cạnh tranh. Họ đã từng nhiều lần ngắm vào thị trường đồ họa và kết quả là luôn thất bại. Liệu lần này có phải là một trường hợp tương tự như thế không, nhưng Medfield chắc chắn sẽ là một thử nghiệm có tính quyết định.

Thứ Sáu, 10/06/2011 12:12
31 👨 168
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp