Hợp nhất truyền thông doanh nghiệp

Trước đây các doanh nghiệp cứ nghĩ trang bị càng nhiều “đồ chơi”, nào là ĐTDĐ, PDA, MTXT... cho sếp và nhân viên thì càng tốt. Nhưng thật ra không phải vậy”, ông Phan Thanh Sơn, giám đốc kỹ thuật của Cisco Systems Vietnam (Cisco) nói: “Theo nghiên cứu của Sage Research, một công nhân tri thức trung bình sử dụng trên 6 thiết bị CNTT-VT. Tuy nhiên khi có quá nhiều công cụ và phương tiện tương tác bao quanh như vậy, người ta rất khó giữ liên lạc giữa các phương tiện khác nhau một cách có tổ chức và hiệu quả; dần dần chúng trở thành một mớ bòng bong”.

Theo một nghiên cứu do Forrester Consulting (Mỹ) thực hiện cho Cisco vào tháng 8/2005, trong nhiều doanh nghiệp và tổ chức ngày nay, số lượng nhân viên làm việc di động nhiều hơn cố định. Điều này khiến việc liên lạc với những người đang hoạt động bên ngoài doanh nghiệp khó khăn hơn, thậm chí gây ùn tắc công việc trong những thời điểm mang tính quyết định. Việc ùn tắc này sẽ ảnh hưởng xấu đến các kết quả đầu ra: trễ tiến độ công việc, trì hoãn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường (time to market), mất mối làm ăn, bị phạt vi phạm hợp đồng...

Tuy nhiên, duy trì liên lạc vẫn chưa quan trọng bằng việc kết nối công việc di động. Chẳng hạn trường hợp một giám đốc đi khỏi vùng phủ Internet, không thể vào Microsoft Net Meeting để họp từ xa mà chỉ có thể nghe qua điện thoại. Vậy làm cách nào để vào thời điểm đó, vị giám đốc ấy vừa có thể nghe thảo luận, vừa xem các file hình ảnh trình chiếu, vừa thấy cả mặt đối tác của mình? Lúc này bài toán “làm sao kết nối được?” đã được chuyển sang “làm sao kết nối có hiệu quả?”.
Ông Sơn cho biết: “Từ cuộc cách mạng hợp nhất thoại (voice) và dữ liệu (data), cuối thập kỷ 1990 tại Mỹ do Cisco tiên phong, ranh giới giữa voice và data trong một hệ thống CNTT-VT không còn nữa. Và từ sự phát triển này, Cisco đã đưa ra giải pháp Truyền Thông Hợp Nhất (TTHN) vào cuối 2005, có thể hỗ trợ giải quyết các vấn đề nêu trên”. Giải pháp này là một hệ thống CNTT-VT cho phép bất kỳ thành viên nào trong DN cũng có thể dùng phương tiện liên lạc phổ thông (ĐTDT, ĐT bàn, MTXT, PDA) để tham gia vào mạng truyền thông (họp trực tuyến, nhắn tin, email, chat...) của DN và ngược lại. Thông qua hệ thống, họ cũng biết được nhân viên khác đang hiện diện trên những kênh liên lạc nào để liên lạc.

Ông Christopher S.W.Khang, phó chủ tịch tập đoàn Cisco, phụ trách khu vực châu Á

"Mạng Thông Tin Thông Minh IIN (Intelligent Information Network) được xem là tầm nhìn của Cisco trong việc phát triển công nghệ mạng. Dựa trên quan điểm đó, Cisco đưa ra kiến trúc mạng thế hệ mới trên nền IP (IP NGN) dành cho các nhà cung cấp dịch vụ và SONA (Service Oriented Network Achitecture) dành cho các đơn vị ứng dụng thuộc khối tổ chức, doanh nghiệp. Trên nền SONA này, Cisco đưa ra nhiều giải pháp ngành dọc đến từng đối tượng khác nhau như chính phủ, ngân hàng – tài chính, giáo dục... Quan điểm của Cisco là làm sao để mạng trở thành một thành phần tích cực trong hoạt động của DN mà SONA sẽ là một kiến trúc hạ tầng để DN triển khai ứng dụng trên đó. Hệ thống Truyền Thông Hợp Nhất (Unified Communication - UC) là một ví dụ. Cách đây hơn 3 năm, với giải pháp IP Communication, Cisco chỉ chiếm 1% thị phần thoại cho DN. Cho đến nay, Cisco đang ở vị trí số 1 với hơn 20% thị phần.

Tuy nhiên, UC chỉ cung cấp hạ tầng nền tảng do đó Cisco đang tìm kiếm đối tác để xây dựng giải pháp chi tiết hơn cho người sử dụng trên đó. Ngoài các đối tác chiến lược như IBM, Microsoft... Cisco đang tìm kiếm các đối tác bản địa. Chẳng hạn ở Trung Quốc, đối tác của Cisco đã phát triển IP Phone không chỉ ở tính năng thoại mà còn làm thành một điểm giao dịch ngân hàng, trong đó tất cả giao dịch ngân hàng đều có thể được thực hiện.

DN Việt Nam đang có một cơ hội rất lớn trong việc áp dụng công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh khi gia nhập WTO. Trong khi DN các nước đã đầu tư rất nhiều cho công nghệ cũ và phải vất vả tích hợp cái cũ với cái mới thì Việt Nam có thể bỏ qua để ứng dụng những công nghệ mới nhất".

Thứ Bảy, 10/06/2006 11:25
31 👨 80
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp