Hội thảo về ứng dụng Thương mại điện tử trong doanh nghiệp

Ngày 1/12/06, Viện tin học doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Sở Bưu chính Viễn thông tổ chức buổi hội thảo “Ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển” tại tỉnh Đắklắk với mục tiêu đánh giá thực trạng ứng dụng đồng thời cùng nhau đưa ra các giải pháp hỗ trợ nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

Trong bối cảnh Việt Nam vừa chính thức là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), vấn đề ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp đang được Chính phủ cùng các doanh nghiệp hết sức quan tâm. Hiện nay, tại hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới có đến 90% giá trị TMĐT là từ loại hình doanh nghiệp với doanh nghiệp (Business to Business). Theo kế hoạch phát triển tổng thể thương mại điện tử (TMĐT) giai đoạn 2006-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2010, 60% số doanh nghiệp lớn, 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng TMĐT và 10% số hộ gia đình tham gia mua bán qua TMĐT.

Trong những năm gần đây, khung chính sách và pháp lý cho TMĐT ở nước ta đã hình thành và có nhiều hoạt động hỗ trợ TMĐT, các hoạt động đào tạo nhân lực cũng đang đi vào chiều sâu. Cùng với sự phát triển bùng nổ của CNTT và Internet, các ứng dụng trên đó cũng phát triển đa dạng và phong phú, trong đó TMĐT phát triển với những phương thức khác nhau và phát triển nhanh. Vấn đề tồn tại lớn nhất hiện nay của Việt Nam là hạ tầng để áp dụng TMĐT. Trong đó, những rào cản trong việc thanh toán qua mạng, vấn đề bảo mật, an ninh mạng và đồng bộ hóa hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử, … đang đòi hỏi sự đầu tư chiều sâu và phát triển bền vững.

Tham dự buổi hội thảo có đại diện Bộ Bưu chính viễn thông, Cục ứng dụng CNTT, các công ty và đơn vị cung cấp giải pháp như: NH Đầu tư và phát triển VN, Công ty AZ Solution, CMS, Trung tâm điện toán và truyền số liệu KV3 (VDC3) cùng với hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn khu vực Tây Nguyên. Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về thực trạng và sự cần thiết của việc ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên. Đây là khu vực vẫn chưa thực hiện được một dự án ứng dụng và triển khai TMĐT nào theo Quyết định 222/2005/QĐ-TTg.

Thị trường TMĐT ở khu vực Tây Nguyên chủ yếu là các giao dịch hợp đồng hàng hóa theo tiêu chuẩn trên các sàn giao dịch lớn như: NYBOT, LIFFE, CBOT, … thông qua trung gian môi giới là các ngân hàng với các mặt hàng giao dịch chủ yếu là nông sản (cà phê, cao su, cacao). Điều này đã tạo nhiều cơ hội mở rộng thị trường, tìm kiếm và tiếp cận với các đối tác trên thế giới đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trong khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tự tổ chức “sàn giao dịch thứ cấp”, với khá nhiều rủi ro không lường trước được, dẫn đến thua lỗ, phá sản. Có nhiều nguyên nhân để giải thích nhưng quan trọng nhất đó là do các doanh nghiệp chưa thật sự tìm hiểu kỹ về bản chất của TMĐT cũng như các hoạt động giao dịch của nó.

Hội thảo là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp được tìm hiểu và tiếp cận với nhiều giải pháp được cung cấp bởi những công ty hàng đầu trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam. Cũng tại hội thảo đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chương trình hành động năm 2007 “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT phục vụ Hội nhập và phát triển” giữa Viện tin học Doanh nghiệp – VCCI và Sở Bưu chính Viễn thông – UBND tỉnh Đắklắk.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thảo, Phó tổng thư ký VCCI, Viện trưởng viện tin học doanh nghiệp (ITB), cho biết: “Việc ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển cần thiết phải được thực hiện một cách đồng bộ và thống nhất giữa các cấp chính quyền và các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần phải thấy được tầm quan trọng của việc ứng dụng TMĐT và phải nắm rõ khả năng của mình để từ đó lựa chọn được những giải pháp đúng đắn”.

Bảo Chương

Thứ Bảy, 02/12/2006 11:17
31 👨 336
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp