Gia công phần mềm điêu đứng vì suy thoái

Hầu hết các công ty gia công phần mềm trong nước dự báo tình hình năm 2009 sẽ còn ảm đạm hơn. Đặc biệt là từ hai thị trường lớn là Mỹ và Nhật.

"Năm nay đã khó khăn lắm rồi, tốc độ tăng trưởng đã giảm một nửa so với năm ngoái. Sang năm tới sẽ còn khó khăn nữa" - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty phần mềm FPT (Fsoft) Nguyễn Thành Nam đã nói như vậy về tác động của suy thoái kinh tế thế giới với gia công phần mềm.

Tác động trong năm 2008

Ông Nam cho biết năm nay Fsoft đặt mục tiêu tăng khoảng 60%, đạt doanh thu 48 triệu USD gia công phần mềm. Nhưng đến thời điểm này, Fsoft mới đạt hơn 41 triệu USD, tức khoảng 40% so với mục tiêu đặt ra ban đầu.

Không chỉ tác động đến doanh thu, suy thoái kinh tế còn ảnh hưởng đến kế hoạch mở thêm các chi nhánh ở nước ngoài của Fsoft. Trong năm 2008, Fsoft đã mở thêm 4 chi nhánh mới ở Úc, Pháp, Mỹ và Malaysia. Ngoài các chi nhánh này, theo ông Nam, Fsoft cũng muốn mở thêm một chi nhánh ở Dubai (Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) và một ở London (Anh) nhưng "phải trì hoãn vì sợ năm 2009 sẽ phức tạp, khó khăn". Ngoài 4 chi nhánh ở nước ngoài mới mở năm nay, trước đó Fsoft đã có 2 chi nhánh ở Nhật và một chi nhánh ở Singapore.

Không chỉ Fsoft, nhiều công ty gia công phần mềm trong nước khác cũng nói "không tránh khỏi tác động của suy thoái kinh tế", đặc biệt là ở những thị trường gia công lớn như Mỹ và Nhật.

Ông Lê Xuân Hải, Giám đốc điều hành Công ty Phần mềm Việt Quốc tế (VietSoftware International), cho biết suy thoái kinh tế năm nay khiến cho việc kinh doanh và mở rộng khách hàng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, theo ông Hải, việc ít khách hàng cũng có cái lợi, giúp công ty có nhiều thời gian rảnh để tập trung hơn vào đào tạo đội ngũ và xây dựng các qui trình quản lý sản xuất và chất lượng, nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong tương lai.

Ông Đinh Quốc Hưng, Giám đốc Công ty phần mềm Tinh Vân (Tinh Vân Outsourcing) nói lãnh đạo công ty này đã sớm nhận ra những tác động của biến động kinh tế thế giới với hoạt động gia công phần mềm từ giữa năm 2008 và đã có kế hoạch phòng ngữa rủi ro. Mặc dù đã sớm đề phòng như vậy, song theo ông Hưng, cú sốc kinh tế năm nay cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến một số khách hàng của Tinh Vân, trong đó thị trường bị tác động mạnh nhất là Mỹ.

2009 sẽ còn khó khăn hơn

Nhìn tới năm 2009, hầu hết các công ty gia công phần mềm trong nước dự báo tình hình sẽ còn khó khăn hơn. Đặc biệt, hai thị trường gia công lớn của Việt Nam là Mỹ và Nhật đang tỏ ra rất thận trọng trong kế hoạch đưa việc làm ra nước ngoài trong năm tới.

Ông Nguyễn Thành Nam nói Fsoft đang làm kế hoạch cho năm 2009, hiện chưa có dự báo chi tiết về mục tiêu cho năm tới. Theo ông, Fsoft vẫn sẽ tăng trưởng nhưng nếu năm nay tăng 40% thì năm tới có thể sẽ chỉ đạt 20%. Nhiều khách hàng lớn của Fsoft xác nhận sẽ cắt giảm chi phí trong năm tới, có thể tới 40%. Các khách hàng nhỏ hơn thì không đưa ra cam kết gì, hầu hết đều thông báo làm hết năm nay rồi tính tiếp.

Mặc dù dự báo rất khó khăn, nhưng ông Nam cho rằng đây là cơ hội để doanh nghiệp trưởng thành hơn và cam kết sẽ không sa thải nhân viên vì lý do khó khăn. Nếu ít việc, công ty sẽ có thời gian hơn để tìm cách tăng năng suất lao động, hoàn thiện một số công cụ, phát triển các sản phẩm để sử dụng hết nguồn lực.

Đối với Vietsoftware, ông Lê Xuân Hải cho biết khách hàng Nhật mặc dù vẫn duy trì công việc cho năm 2008 nhưng tỏ ra rất thận trọng về kế hoạch năm tới. Còn khách hàng Mỹ đã tạm ngừng để nghe ngóng thêm. Nhưng cũng có một khách hàng lớn của Vietsoftware là IBM cam kết duy trì mức độ bình thường trong năm 2009 nếu không có biến động quá lớn.

Một số phân tích dự báo suy thoái kinh tế có thể sẽ tạo cơ hội cho các công ty phần mềm Việt Nam khi các hãng nước ngoài muốn chuyển việc đến những thị trường gia công có giá rẻ hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phần mềm trong nước lại tỏ ra không lạc quan với dự báo này.

Cụ thể với Vietsoftware, ông Hải cho rằng sẽ không có cơ hội theo kiểu "trên trời rơi xuống" như thế, bởi giá rẻ hiện không còn là tiêu chuẩn duy nhất để cạnh tranh trong lĩnh vực gia công phần mềm quốc tế. Đồng thời ông cũng cảnh báo các doanh nghiệp nên cảnh giác để tránh ngộ nhận, hãy tự đầu tư vào bản thân mình trong thời suy thoái.

Gia công phần mềm là cuộc đua số lượng khách hàng. Những doanh nghiệp lớn như Fsoft (hiện có 2.700 nhân viên) mà còn khó khăn như vậy, thì các doanh nghiệp chỉ vài khách hàng nhỏ dự báo sẽ cực kỳ rủi ro trong năm tới.

Thứ Ba, 23/12/2008 08:16
31 👨 319
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp