Đua nhau bán hàng online

Dù các nhà bán lẻ đã rất tích cực khuyến khích, nhưng hình thức mua sắm online tại Việt Nam rất chưa thể phát triển vì thiếu một công cụ thanh toán hiệu quả.

Đại diện một số siêu thị cho biết mặt hàng kỹ thuật số được khá nhiều người tiêu dùng chọn mua trực tuyến, bởi những sản phẩm này đều được miêu tả cụ thể các tính năng, đặc điểm kỹ thuật, giá cả, chương trình khuyến mãi rõ ràng trên website. Đây là những mặt hàng có giá trị, nên khi mua, hầu hết người dùng thường tham khảo giá cả, tính năng sản phẩm ở nhiều siêu thị. Không phải mất nhiều thời gian, công sức đến tận từng siêu thị để khảo sát, qua website, người tiêu dùng có thể nắm bắt được hầu hết đặc tính sản phẩm, so sánh giá cả, chế độ khuyến mãi, bảo hành. Chính vì vậy, theo phản ánh của nhiều siêu thị, ngày càng có nhiều người tiêu dùng ưa thích và lựa chọn kênh mua sắm này.

Ông Lê Quang Vũ, Tổng Giám đốc siêu thị điện máy Media Mart cho biết, hầu hết các siêu thị điện máy đều nỗ lực quảng bá, khuyến mãi để kích thích người tiêu dùng mua sắm online. Media Mart đã triển khai bán hàng online từ 11/1/2008. Hiện doanh số bán hàng online chiếm 20-30% tổng doanh số hàng hóa bán ra của công ty.

Các mặt hàng điện tử, điện máy vẫn được người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua bán online bởi thông tin chi tiết, rõ ràng. (Ảnh: Thanh Hải)
Khai trương kên bán hàng online từ 1/3/2009, siêu thị điện máy Pico Plaza liên tục tung ra các “chiêu” khuyến mãi, kích thích mua sắm trực tuyến. Nếu địa điểm giao hàng là nội thành Hà Nội siêu thị sẽ thu tiền mặt khi giao hàng cho khách.

Trong khi đó, siêu thị trực tuyến vimua.com của FPT kêu gọi các thành viên mua sắm online như một cách “an toàn khi mua sắm thời cúm A/H1N1”. Đại diện Vimua cho biết để thu hút thành viên và kích thích mua sắm online, công ty cam kết cung cấp các mặt hàng chính hãng, giá thành cạnh tranh so với thị trường, ưu đãi dành cho thành viên.

Vướng ở khâu thanh toán

Không chỉ các siêu thị điện máy, ngày 25/5 vừa qua, siêu thị Fivimart cũng vừa khai trương kênh bán hàng online. Tuy nhiên, gọi là “kênh bán hàng online”, song hầu hết các giao dịch chủ yếu vẫn dùng tiền mặt. Khách hàng xem thông tin trên website của siêu thị, sau đó đặt hàng online. Nhân viên siêu thị sẽ giao hàng tận nhà, đồng thời thu tiền. Tại Fivimart, kênh bán hàng online hiện mới chỉ áp dụng cho khách mua trong các quận nội thành Hà Nội. Trong trường hợp khách hàng muốn mua quà tặng bạn bè hoặc người thân, họ sẽ phải thanh toán trước bằng tiền mặt tại Công ty Nhất Nam, hãng điều hành siêu thị Fivimart.

Còn tại Pico Plaza, nếu địa điểm giao hàng là ngoại thành, ngoại tỉnh hoặc nội thành Hà Nội nhưng khác với địa điểm thanh toán, khách hàng sẽ thanh toán trước 100% giá trị hàng hóa, cộng với phí vận chuyển cho Pico thông qua tài khoản ngân hàng. Chỉ khi nhận được giấy báo nhận tiền từ ngân hàng, siêu thị mới thực hiện đơn hàng.

Ông Phạm Việt Sơn, quản lý mảng bán hàng online của Pico cho biết, hiện công ty chưa có kế hoạch áp dụng các phương tiện thanh toán trực tuyến bởi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng và bản thân người tiêu dùng cũng không mong muốn sử dụng phương thức thanh toán này.

Hầu hết các siêu thị điện máy như Sài Gòn Nguyễn Kim, Việt Long… cũng áp dụng các phương thức thanh toán tương tự Pico. Ông Lê Quang Vũ, Tổng Giám đốc siêu thị điện máy Media Mart, cho rằng chính khâu thanh toán là hạn chế lớn nhất của việc bán hàng online hiện nay. Khách hàng ở xa, chọn phương thức thanh toán qua tài khoản, phải chuyển tiền trước nên gây tâm lý e ngại.

Vẫn dự đoán lạc quan

Có lẽ do e ngại khâu thanh toán, nên đối tượng khách hàng chủ yếu của kênh bán hàng online là ở nội thành Hà Nội và là “dân văn phòng”, thường xuyên tiếp xúc với Internet. Những người ít sử dụng Internet, ở tỉnh xa còn ít quan tâm đến phương thức mua sắm này. Một khó khăn nữa của kênh bán hàng online là thói quen mua sắm của người tiêu dùng hiện vẫn là “cầm tận tay” sản phẩm.

Ông Nguyễn Thái Hoàng, chuyên gia phân tích thị trường của hãng nghiên cứu IDC Việt Nam, cho rằng hai rào cản cơ bản của thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện nay chính là thói quen mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng và phương thức thanh toán. “Thương mại điện tử tại Việt Nam trong những năm gần đây được hỗ trợ tốt bởi 3 yếu tố cơ bản. Thứ nhất là sự quan tâm của Nhà nước trong việc tạo hành lang phát triển; Thứ hai là sự phát triển nhanh chóng của CNTT; Thứ ba là sự phát triển mạnh mẽ của ngành ngân hàng và các dịch vụ thanh toán”, ông Hoàng nói, “Tuy nhiên, những yếu tố này chưa đủ để tạo nên sự đột biến trong thương mại điện tử. Do đó trên bình diện chung, thương mại điện tử ở Việt Nam còn ở mức sơ khai”.

Tuy nhiên, hầu hết đều dự đoán lạc quan xu hướng mua sắm online đang và sẽ phổ biến hơn. “Đó là điều tất yếu”, ông Phạm Việt Sơn của Pico Plaza khẳng định. Để kênh bán hàng online tăng trưởng mạnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như mức độ ứng dụng CNTT của doanh nghiệp và người tiêu dùng, phương tiện thanh toán, thời gian chuyển hàng, mặt bằng đời sống chung của xã hội… Ông Sơn dự đoán, doanh số bán hàng online dịp cuối năm sẽ tăng khoảng 300% so với hiện nay. Theo nghiên cứu của IDC, có 58% người dùng Internet Việt Nam đã từng mua hàng online. Hiện nay Việt Nam đã đạt trên 20 triệu thuê bao Internet và đang trên đà tăng trưởng mạnh.

Thứ Tư, 05/08/2009 11:04
31 👨 624
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp