Đồ họa tầm trung ngày càng “nóng”

Những cuộc đua tranh sức mạnh đồ họa ở dòng cao cấp với những ứng cử viên nặng kí như AMD Radeon HD 6990 hay nVIDIA GeForce GTX 590, thường tạo ra nhiều chú ý từ phía cộng đồng.

Đồ họa tầm trung – vì sao được ưa chuộng?

Đồ họa tầm trung ngày càng “nóng” Tuy nhiên, trên thị trường linh kiện máy tính (PC) nói chung, chính mảng tầm trung – hay còn được các nhà sản xuất gọi là mảng sản phẩm hiệu năng lại nhận được nhiều sự quan tâm nhất từ phía người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất. Tại sao lại như vậy?

Một ví dụ đơn giản, mẫu GTX 590 mới nhất có mức giá bán lẻ tại Việt Nam tới trên 20 triệu đồng (T) (bản của Gigabyte), còn Radeon HD 6990 cũng chỉ rẻ hơn chút ít (giá trung bình khoảng 19 T). Trong khi đó, mặt bằng chung của các dòng GTX 560 Ti hay Radeon HD 6870/6850 hay thậm chí là HD 6950 chỉ tầm 6 đến 7T – chỉ bằng 1/3. Dĩ nhiên, trong các phép thử đo điểm hiệu năng, GTX 590 hay HD 6990 sẽ “thổi bay” các đàn em một cách dễ dàng. Tuy nhiên với các trò chơi điện tử thông dụng cũng như môi trường đồ họa người dùng sử dụng hàng ngày, sự khác biệt chưa chắc đã lớn.

Chúng ta có thể điểm qua: hầu hết các trò chơi/ứng dụng đồ họa đều cho phép người dùng thưởng thức một cách thoải mái và “mãn nhãn” nếu tốc độ khung hình/giây đạt khoảng 60 trở lên. Hầu hết các màn hình hiện có độ phân giải lý tưởng là 1920x1080 (1080p Full HD). Như vậy, yêu cầu chung cho người dùng đồ họa máy tính là 1920x1080 ở mức 60 khung hình/giây. Thực tế mốc này có thể dễ dàng bị vượt qua bởi hầu hết các card đồ họa mới trong dải sản phẩm tầm trung, chúng ta đề cập trong bài viết này.

Với một cấu hình tương đối (như Phenom II của AMD hoặc Core của Intel), các card tầm trung luôn có hiệu năng tốt trong các trò chơi 3D cũng như ứng dụng đồ họa và đủ để làm người dùng hài lòng. Nói cách khác, mức hiệu năng chênh lệch giữa card cao cấp và card tầm trung mà người dùng phải chi thêm khá nhiều để có được trong nhiều trường hợp có thể bị lãng phí. Tốc độ nhanh của các card dòng cao cấp đầu bảng chỉ hiệu quả nếu bạn có màn hình cỡ lớn (27”-30”), tận dụng được khả năng tính toán GPGPU cho nhu cầu nặng về đồ hoạ.

Ngược lại, các giải pháp đồ họa tầm trung ngoài việc đảm bảo mức hiệu năng xử lý cần thiết, tiết kiệm chi phí, còn có thể giúp giảm lượng nhiệt phát sinh trong thùng máy cũng như tiết kiệm điện. Bạn sẽ không cần bộ nguồn quá “khủng”, thùng máy quá cao cấp như với các mẫu card đầu bảng (vốn to và nặng). Các card tầm trung cũng thường vận hành êm ái hơn rất nhiều. Như thế, có thể nhận thấy ngoài những lợi ích chính thì còn nhiều lợi ích ngoài lề để góp phần đáng kể giảm thiểu chi phí tổng thể một khi bạn đầu tư một hệ thống máy tính mới.

Đồ họa tầm trung ngày càng “nóng” Thêm vào đó, những dòng card tầm trung hầu hết đều bảo toàn được những tính năng kĩ thuật chung của cùng một thế hệ sản phẩm đồ họa – nếu không phải là được ưu ái hơn hẳn (ví dụ thường có bản ép xung sẵn, tản nhiệt cao cấp, phụ kiện thú vị…). Một điển hình như Radeon HD 6800 lần đầu được trang bị công nghệ hiển thị HD3D của AMD, ngay các mẫu HD 5870 dòng cao cấp trước đó cũng chưa có. HD3D là vũ khí cạnh tranh với 3D Vision của nVIDIA. Trong lúc, bạn có thể chọn GTX 560 Ti hay 550 Ti thì khả năng hỗ trợ DirectX 11, 3D Vision, PhysX… vẫn có mặt đầy đủ. Dĩ nhiên, các dòng cao cấp có thể có một chút khác biệt, ví dụ hỗ trợ nhiều màn hình (tối đa 6 với Eyefinity của AMD) hơn hay chạy đồ họa đa card được nhiều GPU song song hơn. Nhưng thực tế nếu bạn ít dùng đến, số tiền bỏ ra sẽ lãng phí. Tại sao lại phải chi tiền để có 6 cổng xuất tín hiệu màn hình, trong khi card tầm trung đã có thể đảm nhận tốt 3 màn hình còn thực tế thường thì bạn lại chỉ cần… 2 mà thôi!


Cạnh tranh quyết liệt, người dùng hưởng lợi

Tương tự mọi phân khúc khác, hiện tại thị trường đồ họa PC chỉ còn hai đại gia cạnh tranh quyết liệt là nVIDIA và AMD, với hai dòng sản phẩm Geforce Radeon HD tương ứng (Intel hầu như chỉ tập trung vào đồ họa tích hợp sau khi dự án Larrabee không thành công). Chính sự cạnh tranh này đã tạo ra nhiều lợi ích cho người dùng – hơn cả phân khúc cao cấp hoặc cấp thấp. Ngoài vô số các lựa chọn tính năng hấp dẫn và các biến thể từ nhiều đối tác sản xuất card khác nhau, bản thân các chính sách giá, hậu mãi cũng liên tục được “cập nhật” khiến cho người dùng không thể làm ngơ với nhiều “quyền lợi” dành cho chính họ. Quay lại thời điểm đầu năm, AMD giữ ngôi đầu bảng trên mặt trận đồ họa sau gần 1 năm, mẫu card cao cấp Radeon HD 5870 dù vẫn còn rất mạnh mẽ nhưng đã bắt đầu trở nên cũ kĩ và bị chính dòng tầm trung GeForce GTX 460 cạnh tranh mãnh liệt. Cũng chính nhờ GTX 460 mà nVIDIA đã buộc AMD phải giảm giá nhiều sản phẩm Radeon khác để giữ vị thế cạnh tranh trên thị trường, đồng thời phải ra mắt hai mẫu card mới gồm Radeon HD 6870 và HD 6850 với mức giá rẻ hơn đáng kể. Hai card này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và buộc nVIDIA có nhiều động thái mới để đối phó như giảm giá của GTX 470 và đưa ra tiếp các dòng card mới dựa trên kiến trúc của thế hệ GeForce GTX 500 mới.

Với HD dòng 68xx, có thể AMD đã có cách gọi tên khá “khéo” và thể hiện rõ quyết tâm. Nhiều người nhầm tưởng rằng những card mới này là sản phẩm thay thế dòng đầu bảng Radeon HD 58705850 trước đó. Tuy nhiên, hai mẫu mới này có giá bán rẻ hơn rất nhiều. Chiêu này tạo ra cảm giác tốt cho người dùng khi mua hàng với tâm lý chi tiền ít nhưng mua được sản phẩm “cao cấp”. Dĩ nhiên, hiệu năng của HD 68xx không hề tệ. Nó được lên kế hoạch để thay thế HD 5850 1GB với hiệu năng cao hơn khoảng 10% ở cùng một mức giá. Radeon HD 6870 cũng nhanh hơn Nvidia GTX 460 1GB (hiện có trên thị trường) khoảng 30% trên cùng nền tảng, trong lúc AMD, tiết kiệm điện hơn đối thủ chút ít. Trong khi đó giá của những dòng như R6850 Cyclone 1GD5 của MSI chỉ khoảng 4,8T – ngang ngửa với GeForce GTX 460 (tính ở thời điểm xuất hiện).

Đồ họa tầm trung ngày càng “nóng”

Mặc dù có ưu thế, tuy nhiên sự áp đảo của Radeon HD 68xx không lâu đã được “trả lời” khi nVIDIA đã nhanh chóng ra mắt GeForce GTX dòng 500, bao gồm tiên phong GTX 560 Ti và các mẫu GTX 550 Ti cấp thấp hơn. Về cơ bản, GeForce GTX 560 có GPU GF104 gồm 1,95 tỷ transistor với một số tinh chỉnh về xung nhịp và điện thế; 384 bộ xử lý dải và giao tiếp bộ nhớ 256-bit (gồm 4 bộ 64-bit kết nối với các chip nhớ 256MB cho tổng dung lượng RAM 1GB). So với các card tiền nhiệm, GPU GTX 560 Ti có xung nhịp chuẩn khá cao – 822MHz cùng mức 1644MHz đối với bộ xử lý dải và 4000MHz cho bộ nhớ GDDR5. Nhờ vậy, băng thông truy xuất có thể lên tới 128GB/giây. Hầu hết các card GTX 560 Ti trên thị trường đều sử dụng tản nhiệt kép – thậm chí là chiếm dụng tới ba khe cắm mở rộng tùy vào nhà sản xuất. Rõ ràng, đây là một đối thủ lợi hại mà các mẫu card HD 68xx và thậm chí là 69xx của AMD phải dè chừng – đặc biệt là ở khía cạnh giá/hiệu năng. Song hành với các card GeForce GTX dòng “Ti”, nVIDIA cũng sẽ ra mắt các mẫu GTX 560 và GTX 550 thông thường sau đó ít lâu. Trong đó, mẫu GTX 560 với 336 lõi CUDA và bộ nhớ GDDR5 256-bit sẽ cạnh tranh trực tiếp với Radeon HD 6790 mà AMD chuẩn bị tung ra.

Xét ở mọi góc độ từ hiệu năng, tính năng cho tới giá thành, những gì đang diễn ra trên thị trường là minh chứng rõ ràng cho thấy sự lựa chọn của người dùng ở phân khúc đồ họa tầm trung rất phong phú cùng với những mức giá linh hoạt – phù hợp với nhiều mục đích sử dụng. Điều này cũng khiến cho các nhà sản xuất có thêm động cơ để tiến hành các chiến lược cạnh tranh ngày càng “nóng” hơn. Tác động qua lại của các yếu tố như thế khiến cho mảng thị trường đồ họa này luôn luôn là miếng bánh hấp dẫn không chỉ đối với người dùng mà cả các nhà sản xuất. Đây cũng là phân khúc mang lại lợi ích rất lớn cho cả hai bên.

Một trong những chiến thuật khá hợp lý mà nhà sản xuất thường cổ vũ người dùng lựa chọn: thay vì mua card cao cấp, hãy mua một card tầm trung để sử dụng. Khi hiệu năng bắt đầu không đáp ứng được nhu cầu sử dụng, việc cải tiến chỉ đơn giản là đầu tư thêm một card nữa rồi chạy chế độ đồ họa đa card. Với một số người dùng, đây là một giải pháp hợp lý nếu nhìn ở phương diện tài chính bởi họ không phải bỏ ra quá nhiều tiền cùng một lúc.

Thứ Hai, 27/06/2011 14:45
31 👨 652
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp