Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của nồi cơm điện

Nồi cơm điện là một vật dụng vô cùng quen thuộc và gần gũi với mỗi chúng ta. Tuy nhiên, khi được hỏi về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của nồi cơm điện thì không phải ai cũng biết. Dưới đây, Quản Trị Mạng sẽ giúp các bạn giải đáp về vấn đề này nhé.

Cấu tạo của nồi cơm điện

Cấu tạo của nồi cơm điện

Trước khi đi vào tìm hiểu cấu tạo của nồi cơm điện, chúng ta hãy cùng điểm qua một số loại nồi cơm điện phổ biến, thông dụng nhất hiện nay.

Các loại nồi cơm điện thông dụng bao gồm:

  • Nồi cơm điện nắp gài: Loại nồi này còn có tên gọi khác là nồi cơm điện nắp liền. Chức năng chính của chúng đơn giản chỉ là để nấu cơm và hâm nóng cơm.
  • Nồi cơm điện nắp rời: Loại nồi này có kiểu dáng và mẫu mã khá đơn giản. Ngoài ra giá thành của chúng cũng khá rẻ.
  • Nồi cơm điện cao tần: Đây là loại nồi được tích hợp nhiều chức năng tự động, chúng được trang bị các dây đồng có chức năng phát ra từ trường, tác động trực tiếp lên lòng nồi để làm chín thức ăn.
  • Nồi cơm điện tử: Đây là loại nồi cơm điện hiện đại, được trang bị màn hình led, được cài đặt các chế độ nấu tự động và các vi mạch điện tử.

Dưới đây chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu cấu tạo chung của nồi cơm điện.

Một chiếc nồi cơm điện thường sẽ được cấu tạo gồm 6 bộ phận chính:

Vỏ nồi

Bộ phận vỏ nồi giống như một lớp vỏ bọc phía bên ngoài nồi cơm điện, thường được làm bằng chất liệu nhựa hoặc thép không gỉ. Vỏ nồi có tác dụng:

  • Giữ cho nhiệt độ ổn định trong suốt thời gian nồi cơm hoạt động, đồng thời chúng cũng giúp giữ ấm tốt hơn.
  • Giúp bảo vệ các bộ phận bên trong nồi cơm và giữ an toàn cho người sử dụng.
  • Ngoài ra, nhờ lớp vỏ này mà nồi cơm điện trở nên đẹp hơn, có tính thẩm mỹ hơn.

Nắp nồi

Có 2 loại nắp nồi gồm:

  • Loại nắp gài (hay còn gọi là nắp liền): Khi sử dụng nồi cơm điện nắp gài, bạn sẽ gặp đôi chút khó khăn trong quá trình vệ sinh, tuy nhiên chúng lại đảm bảo an toàn hơn. Hiện nay, một số hãng sản xuất có thiết kế thêm loại nắp gài nhưng vẫn tháo rời được mặt trong, giúp thuận tiện hơn cho việc vệ sinh.
  • Loại nắp rời: Loại nắp này giúp bạn có thể vệ sinh, lau chùi một cách dễ dàng. Tuy nhiên, trong quá trình nấu, nắp rời sẽ thoát nhiều hơi nước, điều này có thể sẽ gây nguy hiểm cho người dùng, đặc biệt với những gia đình có người già và trẻ nhỏ.

Thân nồi

Đây là một bộ phận giữ vai trò rất quan trọng, chúng có tác dụng bảo vệ nồi, tránh cho nồi khỏi những va đập, đồng thời đây cũng là bộ phận giữ nhiệt chính.

Ngày nay, với công nghệ hiện đại hơn, thân nồi thường được thiết kế có 3 lớp:

  • Lớp trong cùng có tác dụng tỏa nhiệt, làm nồi được ấm đều.
  • Lớp tiếp theo là lớp sứ cách nhiệt, chúng có nhiệm vụ giữ nhiệt cho toàn bộ nồi cơm.
  • Ngoài cùng là lớp vỏ, lớp này thường được trang trí họa tiết để làm tăng tính thẩm mỹ cho nồi cơm.

Mâm nhiệt

Đây là bộ phận tạo nhiệt chính cho nồi, giúp cơm được nấu chín. Một nồi cơm điện có mâm nhiệt đạt tiêu chuẩn cần phải có các rãnh truyền nhiệt, giúp truyền nhiệt đều dưới đáy xoong thì cơm mới được chín đều.

Lõi nồi

Lõi nồi hiện nay thường có thiết kế nhẹ hơn, có tính chịu nhiệt tốt hơn và thường được phủ lớp chống dính để cơm không bị bám vào, đồng thời giúp quá trình vệ sinh được thuận tiện nhất.

Bộ phận điều khiển

Bộ phận này gắn liền với nồi cơm, chúng sử dụng rơ le, có tác dụng chuyển đổi từ chế độ nấu sang chế độ giữ ấm.

Riêng với nồi cơm điện tử, bộ phận điều khiển này mang nhiều tính năng phức tạp hơn:

  • Điều khiển bằng mạch điện tử.
  • Thông tin LCD hiển thị trên màn hình.
  • Điều chỉnh bằng nút bấm chứ không phải gạt cần như nồi cơm điện cơ.
  • Được cài đặt nhiều chế độ nấu.

Bên cạnh 6 bộ phận chính kể trên, nồi cơm điện còn được trang bị một số phụ kiện đi kèm như xửng hấp, cốc đong gạo, muỗng cơm...

Nguyên lý hoạt động của nồi cơm điện

>>> Xem thêm:

Tìm hiểu nguyên lý hoạt động của nồi cơm điện

Khi chúng ta cấp cho nồi cơm một nguồn điện, đồng thời chúng ta bật chế độ nấu thì cần gạt sẽ truyền chuyển động làm công tắc nhấn lên và bị hút chặt bởi thanh nam châm, cần gạt được giữ nguyên vị trí, cho dù chúng ta thả tay ra.

Bộ điều khiển sẽ cấp nhiệt cho mâm nhiệt, sau đó mâm nhiệt chuyển điện năng thành nhiệt năng.

Khi có nhiệt năng, nồi được làm nóng sẽ khiến gạo và nước bên trong được đun sôi và tạo thành cơm.

Trong suốt quá trình nấu, vỏ nồi cơm sẽ có vai trò giữ nhiệt độ ổn định. Khi gạo nở tới mức nhất định, bộ điều khiển sẽ tự động chuyển sang chế độ giữ ấm (chế độ Warm).

Van thoát hơi nước cũng tham gia vào quá trình nấu, giúp điều chỉnh mức nước, mức áp suất trong nồi cơm điện.

Nhìn chung, các loại nồi cơm điện đều sẽ có nguyên lý hoạt động như trên chỉ khác một chút ở hoạt động của bộ điều khiển mà thôi.

Trên đây, chúng tôi đã giúp các bạn hiểu được cấu tạo và nguyên lý hoạt động của nồi cơm điện. Hi vọng, những chia sẻ này của chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu hơn về nồi cơm để từ đó có thể sử dụng chúng hiệu quả hơn nữa.

Thứ Hai, 18/05/2020 11:28
4,48 👨 14.949
0 Bình luận
Sắp xếp theo