Đề cử TV nổi bật của năm 2009

Năm nay, các thế hệ màn hình mới không chỉ chạy đua hình dáng, độ phân giải mà còn được đầu tư cả về âm thanh và đa kết nối để trở thành trung tâm giải trí.

Mỏng hóa không có nghĩa là phải hy sinh chức năng, Plasma không còn bị than phiền về tiêu thụ năng lượng, LCD chất hình ngày càng đỉnh… là những hướng đi mà các hãng sản xuất áp dụng trong công cuộc làm mới mình. Dưới đây là các mẫu cả LCD và Plasma mà ẩn trong mỗi phiên bản đều có những bước cải tiến mạnh giúp định hình nên những thế hệ màn hình mới trong tương lai.

Tuy nhiên, sản phẩm nổi bật của năm phải là chiếc TV đủ cả "thanh và sắc" - nghĩa là chất hình, chất tiếng mượt mà, công nghệ được áp dụng phải mở hướng cho một tương lai mới trong một hình thức hiện đại.

1. Samsung B8000


Samsung B8000 là dòng LED cao cấp nhất của Samsung. Ảnh: Gadgetguy.

Là series cao cấp nhất của hãng tính đến thời điểm này, Samsung B8000 có độ phân giải Full HD, độ tương phản 3.000.000:1, chức năng Internet TV với nội dung phong phú, hỗ trợ 4 cổng HDMI, Ethernet và hai cổng USB, trong đó một cổng sẵn sàng cho kết nối không dây với USB wireless bán kèm. Đặc biệt, series này đã được Samsung nâng tần số quét hình lên 200 Hz so với 100 Hz của series 7, cộng với các tính năng điều chỉnh mờ hình và rung giật riêng biệt, giúp sản phẩm trở thành lý tưởng, không chỉ phim ảnh thông thường mà còn cả các nội dung hoạt cảnh nhanh, như thể thao hay phim hành động.

2. Philips PFL9704


Philips 52PFL9704 độ tương phản động lên tới 5.000.000:1. Ảnh: Quantrimang.

Phiên bản PFL9704 xứng đáng xếp đầu bảng với độ tương phản động lên tới 5.000.000:1, đủ sức cạnh tranh mức độ đen với công nghệ Plasma. Hỗ trợ tối đa cho các nội dung hành động, màn LED này còn được trang bị công nghệ quét hình 200 Hz với tốc độ làm tươi đáng kính ngạc, tới 1 ms.

PFL9704 hỗ trợ đầy đủ kết nối, như 5 cổng HDMI 1.3, cổng Ethernet và trình duyệt cho các nội dung Web như xem video trên YouTube, nghe Internet Radio, hỗ trợ chơi các file đa phương tiện qua mạng gia đình DLNA, Wi-Fi và hệ thống cảm biến ánh sáng môi trường Ambilight đặc trưng Philips.

3. Sony Bravia ZX1


Sony Bravia ZX1 mỏng chỉ 9,9 mm. Ảnh: Diisign.

ZX1 lấy cảm hứng từ phiên bản OLED XEL-1 trước đây với chân đế tròn và giá đỡ chéo đầy phong cách hiện đại. Màn hình này thuộc hàng siêu mỏng với chỗ mỏng nhất chỉ 9,9 mm, đẩy toàn bộ các kết nối đa phương tiện sang một hộp media rời.

Không chọn giải pháp HDMI không dây từ các hãng thứ ba, ZX1 tích hợp sẵn kết nối không dây, tuy nhiên, chỉ truyền tải được phim ở độ phân giải 1080i mặc dù độ phân giải 1080p vẫn được hỗ trợ đầy đủ qua cổng HDMI.

ZX1 sử dụng cơ chế quét hình MotionFlow 100 Hz nhằm loại bỏ rung, giật và bộ xử lý Bravia Engine 2. Các kết nối khác bao gồm 3 cổng HDMI, cổng Component, cổng USB và một cổng Composit.

4. Philips Cinema 21:9


Philips Cinema là TV màn hình rộng đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Very Exclusive.

Philips ra mắt mẫu TV LCD đầu tiên trên thế giới có tỷ lệ khung hình 21:9, tương đương kích thước màn hình rộng ở rạp chiếu bóng với kích thước đường chéo 56 inch.

Với tỷ lệ chuẩn như phim gốc, Philips PFL9954 sẽ không còn hai viền đen khó chịu ở phía trên và phía dưới như trên các màn tỷ lệ 16:9 thông thường. Để tăng cường độ mượt mà trong các cảnh chuyển động, màn hình Cinema này hỗ trợ công nghệ quét hình tới 200 Hz (100 Hz nội suy khung hình cộng thêm quét ánh sáng nền). Một tính năng đặc trưng khác của màn này là Ambilight Spectra, sử dụng hiệu ứng của đèn LED làm nổi các viền sáng trên ba cạnh màn hình để tản sáng, giảm hiện tượng đau mắt khi xem phim quá lâu.

Màn Cinema 21:9 hỗ trợ đủ hết mọi khả năng kết nối, kể cả mạng gia đình DLNA và NetTV. Chức năng NetTV hỗ trợ tới 7 dịch vụ nội dung web. Thú vị hơn, tính năng NetTV còn có thêm một trình duyệt web với bàn phím ảo để truy cập Internet như thông thường.

Kết nối trên màn Cinema khá phong phú với 5 cổng HDMI, component và VGA. Các file đa phương tiện được hỗ trợ qua các cổng USB, Ethernet và 802.11b/g Wi-Fi tích hợp. Với một cổng ăng-ten duy nhất, màn này hỗ trợ cả analog, DVB-T và DVB-C. Còn cổng audio đồng trục hỗ trợ âm thanh Dolby Digital.

5. Panasonic Z1


Panasonic Z1 cũng chỉ dày khoảng 2,54 cm. Ảnh: Hardwarezone.

Panasonic Z1 sử dụng tấm nền Neo PDP độ phân giải Full HD với độ dày chỉ 1 inch, khoảng 2,54 cm, mỏng hơn cả nhiều TV LED siêu mỏng đang có mặt trên thị trường. Độ tương phản tĩnh (danh định) của TV là 40.000:1 và độ tương phản động là 2.000.000:1. Đây cũng là chiếc TV màn hình lớn 54 inch vào loại nhẹ nhất với trọng lượng 36,5 kg (không đế) và tổng 38 kg khi lắp đế.

TV Plasma của Panasonic trang bị những tính năng hiện đại nhất, như khả năng truyền phát tín hiệu HDMI wireless qua hộp thiết bị đi kèm, hệ thống âm thanh tích hợp 2 loa woofer và 2 loa tweeter với tổng công suất 20 Watt, và khả năng xem video, xem ảnh trực tiếp qua thẻ SD.

6. LG SL90

LG SL90 thuộc dòng Borderless. Ảnh: Scene7.

TV LED thuộc dòng Borderless - không viền của LG mới bán trên thị trường không lâu ncó thiết kế đẹp, mỏng hơn cả TV LED của Samsung, với độ dày chỉ 29,3 mm. SL90 cho hình ảnh độ nét cao trung thực, với nhiều khả năng tinh chỉnh. SL90 có khả năng chơi được nhiều định dạng file trực tiếp từ USD, kết nối Bluetooth. Chiếc TV này sẽ hoàn hảo hơn nếu màn hình không quá bóng và hệ thống loa tốt hơn với âm bass đầy đủ.

Thứ Tư, 23/12/2009 09:05
31 👨 264
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp