Tại sao trên bồn cầu có 2 nút xả? Dùng nút xả nào mới đúng

Hầu hết trong phòng tắm của mỗi gia đình Việt chúng ta, chiếc bồn cầu chính là thiết bị không thể thiếu. Thay vì những chiếc toilet dội chúng ta vẫn thường thấy trong các nhà vệ sinh ngày xưa, hầu như các toilet hiện đại ngày nay đều là toilet xả. Sau khi xong việc, bạn chỉ cần bấm nút hoặc gạt cần là hệ thống xả của nó sẽ tự động bơm nước và cuốn trôi mọi thứ xuống cống. Thế nhưng khi nhấn nút xả nước bạn có để ý rằng hầu như bồn cầu nào cũng có đến hai nút bấm có hình dạng (hoặc ký tự) khác nhau, hoặc được trang bị cần gạt có đến hai nấc khác nhau?

Nút xả nước trên bồn cầu

Nhiều người thường có thói quen sau khi đi vệ sinh xong, nhấn cả 2 nút luôn để nước xả thật mạnh, thế nhưng đây là một việc làm sai lầm.

Trên thực tế, nhà sản xuất làm ra hai nút này đều có lý do và công dụng riêng của chúng. Hai nút này thực tế chính là nút điều chỉnh lượng nước sẽ dội vào bồn cầu. Nút nhỏ là dành cho việc “đi nhỏ”, lượng nước xả ra chỉ một nửa bồn chứa, tức là khoảng 3 lít. Còn nút lớn là dành cho việc “đi lớn” với toàn bộ lượng nước trong bồn chứa được xả ra cùng một lúc, khoảng 6 lít hoặc 4, 5 lít tùy từng loại toilet. Nếu bạn bấm cùng một lúc cả hai nút thì nó sẽ mặc định là xả lớn.

Khi nhấn nút nhỏ hơn thì lượng nước tiêu thụ chỉ bằng 1/2 thùng chứa

Đối với cần gạt thì cũng có cách vận hành tương tự. Nếu bạn gạt cần xuống một nửa thì lượng nước xả ra chỉ có một nửa, nếu gạt hết cần xuống thì lượng nước xả ra sẽ nhiều gấp đôi. Tùy theo từng loại toilet mà cần gạt có cách hoạt động khác nhau.

Và lượng nước tiêu thụ sẽ là 100% nếu nhấn nút lớn hơn

Việc nhấn đúng nút giúp bạn có thể tiết kiệm được lượng nước tối đa. Đối với những loại bồn cầu dội hoặc những chiếc có một nút bấm như ngày xưa, mỗi lần xả nước chúng ta phải dùng đến 19 lít nước, đây là một lượng nước không hề nhỏ và vô cùng lãng phí về cả tiền bạc và tài nguyên.

Hãy sử dụng nút xả nước hợp lý để tiết kiệm

Vậy nên, khi đi vệ sinh, tuy vào trường hợp mà bạn hãy chọn nút bấm phù hợp để không làm lãng phí tài nguyên nước, cũng như giúp tiết kiệm chi phí. Một hành động nhỏ, nhưng nó lại mang đến ý nghĩa to lớn.

Thứ Ba, 22/08/2017 11:43
51 👨 11.598
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Mẹo vặt