Mặt trời của chúng ta là một ngôi sao khổng lồ phát ra lượng ánh sáng cực lớn. Và trong vũ trụ có rất nhiều ngôi sao chiếu sáng như Mặt trời nhưng tại sao không gian vũ trụ không được thắp sáng mà trải dài một màu đen vô tận có vẻ "đáng sợ" như vậy? Tại sao không gian vũ trụ không có màu xanh giống như trên bầu trời ở Trái đất?
Theo NASA Science Space Place, chúng ta thường nhìn thấy bầu trời xanh là do khi ánh sáng Mặt trời chiếu tới bầu khí quyển của Trái đất (chủ yếu bao gồm nitơ và oxy), tất cả hạt và khí trong không khí sẽ phân tán chúng theo mọi hướng, trong đó ánh sáng xanh bị tán xạ nhiều hơn so với các màu khác.
Thực tế, ánh sáng Mặt trời có nhiều màu sắc từ màu tím với bước sóng ngắn cho đến màu đỏ sóng dài, xanh lam, xanh lục, vàng, cam - với lượng không bằng nhau. Tất cả các màu sắc đều có thể dễ dàng nhìn thấy, đặc biệt nhất là màu xanh lam.
Ngoài ra, mắt của con người có thể nhận biết và cảm nhận ánh sáng xanh tốt hơn so với các màu khác.
Một báo cáo của Planets for Kids cho thấy, ngoài vũ trụ có bụi và khí vũ trụ nhưng lại không có sự phân tán ánh sáng do không có bầu khí quyển đủ mạnh. Do đó ánh sáng phát ra từ mặt trời, hoặc từ các thiên hà tồn tại ở dạng sóng hồng ngoại, sóng vi ba, và sóng vô tuyến, thứ mà mắt người không thể nhìn thấy. Vì vậy, chúng ta chỉ nhìn thấy không gian được bao trùm bởi một màu đen kịt đáng sợ.