Cuộc sống muôn màu và cạnh tranh là một phần trong số đó. Trang bị kiến thức về sự khác biệt giữa chiến thắng và cạnh tranh rất quan trong với trẻ nhỏ. Sau đây là một số lý do tại sao học cách thua cũng quan trọng như học cách chiến thắng.
Nhiều khía cạnh trong cuộc sống của trẻ em có liên quan đến tính cạnh tranh: ở trường mẫu giáo, một số trẻ có thể làm một việc gì đó nhanh hơn hoặc tốt hơn những trẻ khác. Ở trường, một số trẻ học rất giỏi về chính tả hoặc luôn thắng trong các môn thể thao. Mặc dù cha mẹ cần dạy trẻ cách chiến thắng và thành công, nhưng dạy trẻ cách thua cũng quan trọng không kém. Bằng cách cho trẻ thấy rằng thua cuộc không phải là tận thế, trẻ em sẽ học được rằng cuộc sống luôn có cơ hội thứ hai.
Trẻ em có thể học được gì từ chiến thắng?
Chiến thắng trong một trò chơi hoặc trở thành người giỏi nhất lớp giúp trẻ em có cảm giác tốt về bản thân và tự hào. Điều đó cho trẻ thấy rằng giỏi một việc gì đó, giúp trẻ tự tin hơn.
Một đứa trẻ tự tin có nhiều khả năng phát triển "thái độ có thể làm được". Điều này là do trải nghiệm chiến thắng giúp trẻ có động lực để thực hiện các bước tiếp theo nhằm đạt được những mục tiêu lớn hơn, chẳng hạn như nhảy xa hơn nữa. Cạnh tranh cũng hữu ích để truyền cảm hứng cho trẻ em làm nhiều hơn mức cần thiết. Đây là khả năng giúp trẻ chuẩn bị cho nhiều tình huống khác nhau trong cuộc sống tương lai, khi chính trẻ phải đưa ra quyết định xem mình có muốn hòa nhập với đám đông hay được công nhận vì đã tiến xa hơn một bước. Theo nghĩa đó, chiến thắng trong các cuộc thi giúp trẻ thành công.
Cảm giác chiến thắng giúp trẻ suy nghĩ chiến lược hơn. Trong trò chơi cờ, trẻ biết rằng chúng chỉ có thể chiến thắng khi thông minh hơn đối thủ và cần phải tuân thủ luật chơi. Điều đó sẽ thôi thúc trẻ bắt đầu suy nghĩ chiến lược hơn để giành chiến thắng. Nhấn mạnh vào suy nghĩ chiến lược để giành chiến thắng cũng giúp trẻ thắng đối thủ bằng việc học cách tuân thủ luật chơi. Bằng cách ctuân thủ luật chơi và chiến thắng, trẻ em học được rằng chúng có thể thắng mà không cần gian lận.
Mục đích tham gia trò chơi không chỉ là chiến thắng
Đối với cha mẹ, điều quan trọng cần phải nhớ rằng chiến thắng trong một cuộc thi chưa phải là tất cả, Kenneth Barish, một giáo sư tâm lý học, cho biết. Mỗi cuộc thi là một trải nghiệm giao lưu cho trẻ em. Tham gia các cuộc thi ở trường mẫu giáo, trường học hoặc sân chơi có thể giúp cha mẹ dạy con mình về tầm quan trọng của tinh thần đồng đội, cam kết thực hiện nhiệm vụ, hợp tác & tôn trọng đối thủ. Mỗi trò chơi cũng là cơ hội để trẻ học cách tuân thủ luật. Mặc dù những luật này có vẻ "khô khan" đối với trẻ em, nhưng chúng cần biết rằng các luật phục vụ cho những mục đích cụ thể. Cuộc thi là nơi tốt để giải thích lý do tại sao cần phải có luật và cần phải tuân thủ chúng khi chơi.
Trẻ em có thể học được gì từ việc thua cuộc?
Cảm giác thua cuộc và tiếp tục tiến về phía trước là những kỹ năng mà trẻ em cần phát triển để giải quyết những trải nghiệm tiêu cực trong cuộc sống khi chúng lớn lên. Trẻ có thể thấy không công bằng khi thấy bạn bè hoặc đứa trẻ khác có thể làm một việc gì đó nhanh hơn hoặc tốt hơn mình, nhưng cha mẹ có thể dạy con rằng mỗi người đều có biệt tài riêng và không thể giỏi tất cả mọi thứ.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thua cuộc có ích cho trẻ em vì nó dạy trẻ cách thể hiện sự đồng cảm và vượt qua chướng ngại trong cuộc sống.
Christine Carter, người đã xuất bản sách về cách nuôi dạy con cái, cho biết trẻ em cần phải thực hành thua cuộc để có thể cư xử đúng đắn khi không thành công trong một cuộc thi trước mặt bạn bè.
Trẻ em không trải qua cảm giác thua cuộc có thể lớn lên trong sự lo lắng, vì chúng bắt đầu coi không giành chiến thắng là một dạng thất bại và không biết cách xử lý đúng đắn những tình huống không diễn ra như ý.
Thua một trò chơi là cách duy nhất để trẻ học hỏi từ những sai lầm của mình và nghĩ ra các chiến lược để cải thiện. Khi trẻ cải thiện kỹ năng và giành chiến thắng vào lần tiếp theo, trẻ không chỉ chơi thể thao hoặc trò chơi giỏi hơn mà còn học được điều gì đó mới. Học những điều mới giúp trẻ tự tin hơn vào bản thân, đồng thời trẻ bắt đầu tự hào về khả năng của mình.
Khi trẻ thua, trẻ cũng học cách đồng cảm với những người đã thua. Melody Brook, một nhà trị liệu ở Texas, cho biết trải nghiệm đối phó với mất mát giúp trẻ thể hiện sự đồng cảm với người khác trong cùng hoàn cảnh. Một đứa trẻ chưa bao giờ thua một trò chơi nào sẽ không nhận ra rằng mọi người đều có thể gặp phải những khó khăn trong cuộc sống.
Cuối cùng, thua cuộc cho trẻ thấy rằng chúng cần phải nỗ lực để thành công, vì những điều tốt đẹp không tự nhiên được trao cho chúng. Những tình huống này cũng giúp trẻ thua một cách lịch sự trước mặt người khác và được coi là người thua cuộc công bằng.