Những lưu ý “sống còn” khi tạo hồ sơ xin việc trực tuyến

Đừng để những lỗi sai cơ bản khiến bạn tuột mất cơ hội được làm việc tại công ty mơ ước.

Mùa hè cũng đồng nghĩa với mùa tuyển dụng. Đây là thời điểm mà các công ty ráo riết tìm kiếm những nhân tài sáng giá về phục vụ cho tổ chức của mình. Tuy nhiên, cơ hội lớn cũng đồng nghĩa với thử thách lớn. Các ứng viên sẽ bước vào cuộc cạnh tranh gắt gao hơn, khốc liệt hơn, tuy không "đổ máu" nhưng mỗi người cũng phải dốc toàn tâm, toàn lực, thậm chí là tiền tài để có thể trở thành nhân viên chính thức của công ty mình mong muốn.

Ngoài hình thức gửi hồ sơ trực tiếp và qua email thì tạo CV trực tuyến trên các trang web việc là như Vietnamworks, JobStreet, CareerBuilder, Vieclam24h hay Mywork hiện đang là xu hướng được rất nhiều người xin việc lựa chọn. Không những vì các ứng viên có thể vừa tìm kiếm, xem thông tin nghề nghiệp, tiết kiệm thời gian nộp hồ sơ, nhanh chóng ứng tuyển vào vị trí mình muốn mà họ còn có thể cập nhật thông tin CV mỗi ngày, kiểm tra số lượng nhà tuyển dụng đã xem CV của mình, nhận các phản hồi, lời mời phỏng vấn và rất nhiều những lợi ích thiết thực khác nữa. Tuy nhiên, để có thể tận dụng được tối đa các ưu điểm của hình thức nộp hồ sơ này thì các ứng viên cũng cần nắm rõ những lưu ý quan trọng sau đây.

Hồ sơ xin việc

Về hình thức trình bày

1. Với hình thức nộp hồ sơ online, bạn có thể upload hoặc tạo mới CV ngay trên các trang tìm kiếm việc làm, đồng thời lựa chọn một hoặc cả hai ngôn ngữ: tiếng Anh và tiếng Việt.

2. Viết đầy đủ dấu câu (đối với hồ sơ tiếng Việt), tránh tuyệt đối các lỗi sai chính tả vì đây là điều mà nhà tuyển dụng rất không hài lòng nếu ứng viên mắc phải.

3. Trình bày rõ ràng, mạch lạc, sử dụng gạch đầu dòng hoặc bullet nếu cần thiết. Tuy nhiên, KHÔNG BAO GIỜ viết câu dài. Câu chữ càng dài, đặc biệt là viết tiếng Anh, sẽ càng dễ làm cho bạn mắc lỗi ngữ pháp và diễn đạt khó hiểu.

4. Tránh tất cả chữ viết tắt vì nhà tuyển dụng không phải là chuyên gia trong mọi lĩnh vực để hiểu bạn muốn nói gì, đồng thời họ cũng không có thời gian để ngồi "giải mã" chúng? Chẳng hạn, họ có thể hiểu PhD là tiến sĩ, CEO là giám đốc điều hành nhưng không phải ai cũng hiểu được các từ viết tắt chuyên môn như CD là giám đốc sáng tạo (Creative Director) hay AD là giám đốc nghệ thuật (Arrt Director). Trường hợp bất đắc dĩ phải sử dụng thì hãy chắc chắn chúng là những từ thông dụng.

5. Không trình bày toàn bộ hồ sơ bằng chữ in hoa bởi vì các nhà tuyển dụng nước ngoài rất kỵ điều này.

6. Viết hoa chữ cái đầu tiên cho tên riêng, đầu dòng và phía sau dấu chấm.

7. Không đưa các thông tin không liên quan hoặc gây bất lợi cho bạn.

Điền thông tin theo từng mục một cách cẩn thận

CV

Tiêu đề hồ sơ

Ghi rõ vị trí ứng tuyển ở tiêu đề hồ sơ, tránh sử dụng tên chung chung như Đơn xin việc hay Thư xin việc...

Thông tin cá nhân

  • Nhập đầy đủ thông tin ở các mục như thông tin cá nhân hay thông tin lien hệ đề nhà tuyển dụng có thể liên lạc với bạn dễ dàng, chẳng hạn như địa chỉ nhà, email hay số điện thoại.
  • Không sử dụng email thiếu chuyên nghiệp.

Kinh nghiệm làm việc

  • Trình bày cụ thể, đầy đủ, súc tích các nhiệm vụ chính mà bạn đã và đang đảm trách.
  • Làm nổi bật các thành tích mà bạn đã đạt được.
  • Dùng động từ ở thể chủ động (lên kế hoạch, điều phối, phát triển...) để mô tả các hoạt động và thành tích của bạn.
  • Đảm bảo thông tin chính xác, tránh phóng đại về nhiệm vụ và thành tích.
  • Ưu tiên các từ khóa, hạn chế sử dụng từ ngữ chung chung, khó hiểu hoặc có thể dùng cho mọi vị trí.

Trình độ học vấn

Đề cập đến bằng cấp, chứng chỉ, giải thưởng hoặc học bổng... mà bạn đã đạt được.

Công việc mong muốn (nếu có)

Ghi rõ công việc hoặc vị trí mong muốn trong trường hợp công ty tuyển dụng nhiều vị trí.

Mục tiêu nghề nghiệp

Diễn đạt ngắn gọn và cụ thể mục tiêu nghề nghiệp của bạn, đảm bảo có sự liên kết với vị trí ứng tuyển.

Kỹ năng

Liệt kê các kỹ năng mà bạn đã thành thạo như ngoại ngữ, kỹ năng tin học, kỹ năng mềm... Tránh tuyệt đối phóng đại khả năng của mình vì bạn sẽ bị lật tẩy ngay trong buổi phỏng vấn.

Người tham khảo/liên hệ

  • Ghi rõ thông tin của người liên hệ, bao gồm tên, chức vụ, công ty, địa chỉ email và số điện thoại.
  • Sau khi đã hoàn tất hồ sơ, hãy xem lại và kiểm tra thật kỹ một lần nữa để đảm bảo hồ sơ của bạn thực sự hoàn hảo.

Xin việc là một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa rất nhiều ứng viên tiềm năng và để trở thành người nổi bật nhất trong số họ thì bạn buộc phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi giai đoạn trong chuyến hành trình này. Cho dù bạn phủ nhận thì nhà tuyển dụng vẫn giữ vững một lập trường là họ chỉ tuyển nhân tài mà thôi nên hãy cố gắng thể hiện sự chuyên nghiệp ngay từ hồ sơ xin việc của bạn.

Thứ Sáu, 24/06/2016 10:12
31 👨 1.785
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng Công việc