Networking: 4 lỗi cơ bản cần tránh khi muốn tạo dựng mối quan hệ

Những sự thay đổi nhỏ cũng có thể tạo ra những điều lớn lao.

Networking là thuật ngữ không còn xa lạ với nhiều người, ám chỉ một quá trình tạo dựng mối quan hệ và có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức.

Tất cả chúng ta đều đã, đang và luôn mong muốn "networking". Gặp gỡ những người bạn cũ, café, "trà chanh chém gió", trò chuyện với đồng nghiệp, cấp trên, đối tác, khách hàng, hỏi han kinh nghiệm của những người đi trước.... Networking, một cách đơn giản, chính là vậy.

Tuy nhiên, trong kinh doanh và công việc, Networking cần được nhìn nhận và thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn nếu muốn đạt hiệu quả cao nhất.

Khi bắt đầu kinh doanh, bước sang một lĩnh vực khác hay tìm kiếm công việc tại một thành phố mới – sẽ có rất nhiều giai đoạn trong sự nghiệp mà chúng ta cần phải hướng ra bên ngoài mạng lưới quan hệ đã có để tìm kiếm và kết nối với những người mới – những người có khả năng sẽ trở thành đối tác hoặc hỗ trợ bạn trong quá trình làm việc.

Xem thêm:

Sự kiện, hội thảo, các buổi gặp gỡ, cuộc họp, câu lạc bộ...., đây đều là những hoàn cảnh mà ngay cả những người thông minh nhất, thành công nhất cũng có thể mắc sai lầm khi thiết lập mối quan hệ nếu như không chú ý tới cách hành xử của mình. Mỗi lần như vậy, hình ảnh của bạn trong mắt người khác đều sẽ bị giảm đi chút ít.

Mối quan hệ

Dưới đây là 4 lỗi cơ bản nhất khi Networking mà bất cứ ai đang có ý định mở rộng mạng lưới mối quan hệ của mình cũng cần phải biết.

1. Nói quá nhiều về bản thân

Không ít người xem những buổi networking như cơ hội quảng cáo bản thân để được nhiều người biết đến. Theo Minshew, điều này đúng nhưng chỉ nên ở mức độ vừa phải.

Trong lần gặp gỡ đầu tiên, chắc hẳn bạn đều muốn "show off" những điểm tốt nhất của mình để gây ấn tượng với người khác: tính cách thân thiện, kiến thức uyên thâm hay kể về các trải nghiệm khiến mọi người phải "ồ lên" vì thích thú và mong muốn bạn chia sẻ nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, đừng cố tỏ ra là người nổi bật nhất trong cuộc trò chuyện. Thực tế, thể hiện sự quan tâm của bạn đối với mọi người là cách tốt nhất nếu muốn tạo ra ấn tượng tích cực.

Theo huấn luyện viên kinh doanh Alisoun Mackenzie, mọi người nên áp dụng quy tắc 80-20 trong mọi cuộc nói chuyện - dành 80% thời gian tập trung nghe người đối diện và 20% còn lại nói về bản thân. Tùy thuộc nội dung câu chuyện, bạn có thể điều chỉnh thời gian phù hợp với hoàn cảnh, nhưng ít nhất nên đảm bảo thời gian bạn nói tương đương với thời gian bạn lắng nghe.

2. Không chuẩn bị kỹ càng

Networking không phải là cuộc họp, do đó, bạn không cần phải lên kế hoạch chi tiết về mọi thứ. Tuy nhiên, bạn nên có một vài sự chuẩn bị trước bất kỳ một sự kiện nào bạn tham dự.

Đầu tiên, hãy tìm hiểu xem ai là người được mời tham dự, ai là người có những mối quan tâm giống bạn và ai là người mà bạn nên xây dựng mối quan hệ trong tương lai? Đồng thời, hãy cố gắng có được liên lạc của càng nhiều người càng tốt.

Giao tiếp

Đối với các sự kiện có quy mô nhỏ hơn – chẳng hạn như bạn đang tham dự câu lạc bộ sách của một người bạn với 5 hoặc 6 người trong cùng lĩnh vực chuyên môn hay bữa tối sau một hội nghị - tìm cách để có danh sách khách mời trước và dành một vài phút "Google" nhanh thông tin về những người sẽ ngồi cùng bàn với bạn. Hành động này sẽ giúp bạn có những chuẩn bị tốt hơn trước khi tiếp cận họ.

Tìm hiểu sơ lược về khách mời sẽ giúp không khí trò chuyện trở nên tự nhiên hơn và bạn cũng tự tin hơn. Ngoài ra, việc chuẩn bị trước một vài nội dung cần nói sẽ khiến câu chuyện trở nên ngắn gọn, thu hút hơn rất nhiều.

Nói luyên thuyên về niềm đam mê công việc hay tâm huyết dành công ty là lỗi mà Minshew chia sẻ rằng cô đã gặp ở rất nhiều người, đặc biệt là những người mới "nhảy việc" và người khởi nghiệp.

3. Chia sẻ chuyện quá riêng tư

Bạn muốn bắt đầu "Networking" thật tự nhiên và nói về những mối quan tâm cá nhân bên cạnh các mục tiêu kinh doanh là cách rất tuyệt vời để thực hiện điều đó.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bạn nên chia sẻ những câu chuyện quá riêng tư như thể họ là người bạn lâu năm và thân thiết với bạn.

Hãy biết giữ chừng mực và bám lấy đề tài mà cả hai cùng hứng thú. Một người mới quen sẽ không muốn nghe những chuyện cá nhân của bạn nếu đó không phải là vấn đề họ đang quan tâm.

4. Quan tâm quá mức

Kỹ năng mềm

Điều quan trọng của Networking đó là làm thế nào để giữ vững các mối quan hệ đã xây dựng được và bạn nên bắt đầu bằng các câu chuyện thân thiện.

Từ cần nhấn mạnh ở đây là thân thiện. Minshew tiết lộ rằng đã rất nhiều lần cô vừa gặp một ai đó thì ngày tiếp theo, inbox email của cô đã tràn ngập thư yêu cầu cô cung cấp đủ mọi thông tin và rất nhiều thứ khác liên quan đến công việc.

Hãy kết nối với họ đều đặn nhưng không quá thường xuyên qua LinkedIn, Facebook, Twitter...., đồng thời chỉ gửi các thông tin mà họ quan tâm nhất. Bằng cách này, bạn có thể theo dõi và cập nhật tình trạng của mọi người mà không quá làm phiền đến họ.

Xây dựng các mối quan hệ không phải là điều dễ dàng nhưng các sai lầm thì hoàn toàn có thể tránh được.

Thân thiện, có chuẩn bị và hành xử đúng mực, chắc chắn bạn sẽ có được những mối quan hệ bền vững.

Về tác giả: Kathryn Minshew là CEO và đồng sáng lập của The Muse – nền tảng được sử dụng bởi hơn 50 triệu người trên thế giới với mong muốn có những bước tiến xa hơn trong công việc. Minshew hiện cũng là cây viết tâm huyết trên nhiều tạp chí nổi tiếng như The Wall Street Journal, Harvard Business Review; diễn giả với nhiều chia sẻ giá trị tại MIT, Harvard, CNN và Today. Cô cũng từng được vinh danh bởi Forbes (30 Under 30 in Media), Inc (15 Women to Watch in Tech) và Business Insinder (30 Most Important Women Under 30 in Tech).

Thứ Sáu, 08/07/2016 17:00
31 👨 1.020
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng Công việc