Theo nghiên cứu gần đây, người lớn chỉ có trung bình 12,5 phút mỗi ngày để nói chuyện với con cái của họ. Trong khi đó, khoảng 8,5 phút thường dành để mắng mỏ, nhiếc móc và cấm đoán con, chỉ còn 4 phút để trò chuyện thân thiện.
Với suy nghĩ đó, Bright Side đã quyết định tìm hiểu việc làm thế nào để dành thời gian hiệu quả bên trẻ mỗi ngày. Và đây là những gì chúng tôi tìm thấy.
Nhà văn Jamie Harrington nói rằng cô luôn hỏi những đứa con của mình 4 câu hỏi giống nhau mỗi ngày. Cô viết: "Hãy hỏi con bạn những câu hỏi mở để chúng không thể trả lời đơn giản như "có" hoặc "không". Điều này khuyến khích trẻ của bạn thể hiện cảm xúc và đánh giá những lựa chọn của chúng". Vậy những câu hỏi kỳ diệu đó là gì?
1. "Ngày hôm nay của con như thế nào?"
Nếu ban đầu con bạn không muốn trả lời hoặc chỉ trả lời là "tốt" hoặc "mọi thứ đều ổn ạ" thì bạn cũng đừng yêu cầu chúng phải trả lời một câu đầy đủ hơn. Hãy kể cho con bạn về một ngày của bạn, những điều mà bạn học được, những điều làm cho bạn cảm thấy vui vẻ và thích thú. Điều này sẽ cung cấp cho trẻ một khuôn mẫu tốt và khuyến khích chúng kể cho bạn nghe về những trải nghiệm trong ngày của chúng.
2. "Bạn bè con thì sao?"
Bạn có thể hỏi con về những người bạn đặc biệt ở lớp hay có thể đưa ra những câu hỏi chung chung. Điều này sẽ giúp trẻ tin tưởng bạn mà mở lòng nếu như chúng đang phải đối mặt với những tình huống khó khăn.
3. "Hôm nay con có chuyện gì vui không?"
Nếu như ngày hôm đó không vui hoặc con bạn không thể nhớ bất cứ điều gì vui đã xảy ra trong ngày thì bạn nên cổ vũ tinh thần cho bé. Bạn có thể rủ bé cùng xem phim hay chơi một trò chơi điện tử thú vị nào đó ngay tại nhà. Những hoạt động như vậy sẽ giúp trẻ quên đi những chuyện không vui và cảm thấy thư giãn.
4. "Con có cần bố/mẹ giúp đỡ bất cứ điều gì không?"
Hầu hết chúng ta đều cảm thấy khó khăn khi yêu cầu sự giúp đỡ của người khác. Một đứa trẻ không nhận được sự giúp đỡ của bố mẹ trong những việc nhỏ, cũng sẽ không yêu cầu bố mẹ giúp đỡ trong những tình huống khó khăn. Hãy thực hiện từng bước một. Thường xuyên hỏi con xem có cần sự giúp đỡ gì từ mình không, như việc lau dọn nhà và làm bài tập về nhà chẳng hạn. Đừng ngại hỏi con điều đó. Trên thực tế, mỗi ngày đều hỏi trẻ có cần sự giúp đỡ của bạn không sẽ tạo cơ hội để bạn luôn ở bên cạnh chúng khi chúng cần bạn nhất. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn làm tất cả mọi thứ thay con.
Hãy cố gắng đừng làm gián đoạn câu chuyện mà trẻ đang kể với bạn và chỉ đưa ra nhận xét khi chúng yêu cầu thôi nhé. Đừng quên thể hiện cảm xúc bằng những cử chỉ thân mật như ôm hoặc nắm lấy bàn tay trẻ. Nếu bạn đang trong tâm trạng tồi tệ hoặc chỉ đơn giản là bạn không thích nghe trẻ nói vào lúc này, hãy nói với trẻ điều đó và đưa ra một thời gian khác khi bạn có thể hoàn toàn lắng nghe và trò chuyện với chúng.