Giật cô hồn (hay giựt cô hồn) là một phong tục lâu đời, liên quan đến hiện tượng tâm linh của người Việt diễn ra vào dịp rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm. Vậy, giật cô hồn là gì, có ý nghĩa gì trong đời sống tâm linh của người Việt? Hãy cùng tìm hiểu về phong tục truyền thống này trong bài viết dưới đây để hiểu đúng bản chất và lưu ý khi tham gia phong tục giật cô hồn này nhé.
Mục lục bài viết
Giật cô hồn là gì?
Giật cô hồn (hay giựt cô hồn) là một phong tục lâu đời của người Việt, là một phần văn hóa trong tháng 7 âm lịch của nước ta vào lễ cúng chúng sinh vào ngày rằm tháng 7 âm lịch với mục đích để người khác lấy đi những việc xui xẻo, không may của gia chủ.
Nguồn gốc của phong tục giật cô hồn
Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch còn được gọi là tháng cô hồn, thời điểm các vong hồn được tự do đi lại trên trần thế. Vì vậy, vào ngày rằm tháng 7, ngoài nghi lễ cúng thần linh, tổ tiên, các gia đình thường thực hiện thêm nghi lễ cúng chúng sinh hay còn gọi là cúng cô hồn để tránh bị ma quỷ quấy nhiễu.
Trước khi buổi lễ cúng cô hồn kết thúc, gia chủ sẽ bê mâm lễ gồm có tiền lẻ, bỏng ngô, khoai luộc, bánh, kẹo... ra ngoài đường để trẻ con tranh cướp nhau.
Bởi theo quan niệm người xưa, cúng chúng sinh là để giúp đỡ các linh hồn lang thang, đói khát.
Trước kia, việc “giật cô hồn” thường là trò chơi của những đứa trẻ bởi người xưa tin rằng các cô hồn rất yêu trẻ con nên sẽ không tức giận khi thấy chúng vui vẻ, hào hứng.
Việc mâm đồ cúng bị trẻ con tranh giành sạch sẽ được coi như điều may mắn cho gia chủ vì điều này sẽ làm các cô hồn hài lòng. Nhiều người còn cho rằng, cho trẻ nhỏ ăn đồ cúng sẽ giúp chúng được phù hộ, khỏe mạnh .
Vì vậy, đồ ăn giật được ở lễ cúng cô hồn đều có thể ăn uống bình thường, không phải lo lắng điều gì cả.
Giựt cô hồn có xui không?
Có nhiều ý kiến cho rằng việc giật cô hồn sẽ mang lại xui xẻo vì giựt đồ của ma quỷ. Tuy nhiên, đây chỉ là một quan niệm dân gian mà thôi nên mọi người không cần phải lo lắng. Thậm chí ở một số nơi, đồ lễ cô hồn còn được gọi là lộc.
Và có một sự thật là giật cô hồn là một nét đẹp của văn hóa người Việt.
Hiện nay, có rất ít người tham gia giật cô hồn. Điều này khiến nhiều người không biết làm thế nào với đồ lễ cúng chúng sinh ngày rằm tháng 7 âm lịch. Trong trường hợp này, gia chủ không nên mang đồ lễ vào nhà mà hãy gói thành gói và mang chia cho những người ăn mày, khất thực.
Những lưu ý khi tổ chức giật cô hồn
Với gia chủ:
- Thời gian thực hiện cúng cô hồn là vào buổi chiều tối bởi ban ngày ánh sáng và khí dương quá thịnh.
- Nên cúng cô hồn xong trước 12h đêm rằm tháng 7 Âm lịch.
- Đồ lễ cúng cô hồn tránh dùng đồ mặn như xôi, gà, lợn, bò... chỉ nên dùng hoa quả bánh trái, cháo trắng...
- Khi rải tiền vàng ra mâm cúng phải để 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi hướng cắm từ 3 - 5 - 7 cây hương.
- Thực hiện lễ cúng chúng sinh ở ngoài trời hoặc trước cửa chính ngôi nhà.
- Kết thúc lễ cô hồn, gạo, muối được vãi ra sân và ngoài đường. Sau đó mới tiến hành đốt vàng mã.
Với người giật cô hồn
- Sau khi gia chủ đã làm lễ xong mới tiến hành giật cô hồn.
- Nếu người khác đã lấy được đồ thì mình không được giành giật, cướp lại.
Giật cô hồn biến tướng
Theo quan niệm dân gian, cúng cô hồn là một phong tục hay, giúp gia chủ lấy đi những điều xui xẻo, không may.
Thế nhưng, theo thời gian, tục này càng có nhiều biến tướng khi nhiều gia đình có điều kiện kinh tế “cúng cô hồn” bằng tiền mặt với những tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng, 500.000 đồng, lợn quay, vịt quay,... Việc giật cô hồn không còn dành cho trẻ em mà nhiều người lớn cũng tham gia. Thậm chí, nhiều người còn chen nhau giành giật tiền cúng, đồ cúng của gia chủ ngay cả khi họ chưa tiến hành lễ cúng xong, dẫn tới ẩu đả, mất anh ninh trật tự, ảnh hưởng an toàn giao thông.
So với những ý nghĩa dân gian truyền lại, việc xả tiền giật cô hồn hiện nay lại mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực hơn đến xã hội.
Để giải quyết vấn đề này, người dân cần hiểu đúng giá trị của tục cúng cô hồn và giật cô hồn để có cách ứng xử cho phù hợp. Cả người cúng cô hồn và người giật cô hồn cần phải hiểu rằng việc cúng và giật cô hồn là một hoạt động mang tính tâm linh để cầu lành tránh dữ, mang lại giá trị tinh thần chứ giá trị vật chất không phải là mục đích chính.
Hy vọng bài viết trên đã giúp các bạn hiểu được giật cô hồn là gì, tại sao người ta lại mong được giật cô hồn vào lễ cúng chúng sinh trong ngày rằm tháng 7 âm lịch.