Đây là 5 kỹ năng mà trường đại học sẽ dạy bạn

Học đại học không "tệ" như bạn nghĩ.

"Học nghề hay học đại học", "liệu có nên học đại học không?" hay "nên học đại học hay đi làm?" là những câu hỏi mà không một ai có thể đưa ra được một câu trả lời dứt khoát.

Có người bỏ học giữa chừng và trở thành tỷ phú nhưng quá trình thành công của họ được tạo nên bởi ước mơ, ý chí, quyết tâm, dũng cảm và vô số yếu tố khác. Có người bỏ ngang đại học và thất bại cả trong sự nghiệp lẫn cuộc sống nhưng chưa hẳn căn nguyên vấn đề đã là do không có bằng đại học. Mọi khẳng định "đừng học đại học" hay "không nên vội đi làm" chỉ mang tính chất tương đối và phiến diện.

Thực tế, nếu học đại học một cách nghiêm túc và chủ động, bạn sẽ thu nạp được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý giá. Đặc biệt, khi tận dụng được cơ hội tham gia các hoạt động xã hội, các dự án ngắn hạn, trại huấn luyện hay làm thêm ngoài giờ lên lớp, bạn còn tích lũy được cả kỹ năng sống và làm việc, trở nên chín chắn và trưởng thành hơn sau khi ra trường.

Theo Isabel Sperry – thành viên của Vault.com – một trang web chuyên cung cấp các thông tin, phân tích và đánh giá về các công ty, trường học, nghề nghiệp... thì học đại học sẽ là nền tảng để mỗi sinh viên vững vàng hơn trước khi chính thức bước vào môi trường làm việc đầy tính cạnh tranh và thử thách.

Sinh viên mới ra trường lần đầu đi làm thường có cảm giác những người trong văn phòng như thể đều đã biết hết việc họ phải làm gì, làm như thế nào và kết quả sẽ ra sao, ngoại trừ chính họ. Điều này dẫn tới suy nghĩ tự ti, mặc cảm, thu mình lại và mất hết động lực làm việc.

Học đại học

Để giúp các sinh viên tự tin hơn, Sperry cũng đã liệt kê 5 kỹ năng mà trường đại học có thể trang bị cho mỗi người và chúng hoàn toàn có thể được áp dụng tại môi trường làm việc.

1. Lập danh sách

Ở trường, bạn có thể có một danh sách dài các công việc phải làm, từ trả sách thư viện, gặp gỡ bạn bè, dọn phòng hay sắp xếp đồ đạc. Ở nơi làm việc, bạn cũng cần phải tổ chức các dự án của mình dưới dạng danh sách để quản lý thời gian cũng như thiết lập sự ưu tiên cho chúng.

Cả hai công việc trên sẽ trở nên dễ dàng hơn khi tạo một file Excel bao gồm tên của dự án, các ghi chú liên quan, ngày hết hạn và một cột để đánh dấu những phần việc đã hoàn thành. Sau đó, nếu cần xem lại thì bạn cũng có thể tìm ra chúng rất nhanh chóng.

Ngay từ bây giờ, nếu đang là sinh viên đại học, hãy tập lập danh sách, tổng hợp lại các bài viết, sản phẩm, công trình mà bạn đã tạo ra được, sau đó, lưu trữ chúng vào một thư mục. Điều này sẽ rất có ích cho bạn sau khi ra trường, đặc biệt là khi nhà tuyển dụng yêu cầu cung cấp bằng chứng về các thành tích mà bạn đã đạt được.

2. Ghi chép

Ở trường đại học, để có thể lĩnh hội được các thông tin thầy cô truyền đạt, bạn sẽ phải ghi chép và take note các ý chính. Nguyên tắc này cũng có thể được áp dụng trong công việc. Chẳng hạn, đối với mỗi cuộc họp bạn tham dự, hãy luôn mang theo giấy bút để note lại các điểm quan trọng.

Rèn luyện thói quen giơ tay phát biểu ở trường đại học cũng sẽ giúp bạn tự tin hơn và sẵn sàng đưa ra ý kiến trong các buổi họp tại nơi làm việc. Đừng xem thường điều này vì chỉ khi nào bạn thực sự đối mặt với nó, bạn mới thấy những hành động nhỏ ở trường có ý nghĩa như thế nào.

Các công ty tuyển bạn đều có lý do và cách duy nhất để mọi người biết ý kiến của bạn đó là chia sẻ chúng.

3. Kỹ năng giao tiếp

Nếu là một người năng nổ, hoạt bát và thích tham gia các hoạt động ở trường thì khi bước vào môi trường làm việc, bạn cũng sẽ có được sự tự tin và chủ động đó.

Sinh viên đại học

Chẳng hạn, bạn biết cách làm quen, trò chuyện và thảo luận vấn đề với bạn bè. Bạn lãnh đạo họ trong các đội nhóm, đưa ra ý tưởng, lắng nghe, thấu hiểu và sau đó, sử dụng kiến thức và lý lẽ của bản thân để phản biện lại. Bạn chia sẻ cuộc sống riêng tư và cảm xúc cho họ. Nói tóm lại, bạn rèn luyện được kỹ năng giao tiếp.

4. Tổ chức email hiệu quả

Ở trường đại học, email dường như là phương tiện trao đổi thông tin chính và không có gì ngạc nhiên khi một ngày, mỗi sinh viên có thể nhận được hàng chục, thậm chí hàng trăm email. Chẳng hạn như email bài tập, thảo luận nhóm, ý tưởng, thông báo của giảng viên, cố vấn... và nếu như biết cách quản lý hộp thư đến này thì khi đi làm, bạn chẳng có gì phải lo lắng.

5. Quản lý

Trở thành trưởng nhóm hay Leader của các lớp học, tổ chức tình nguyện, nhóm nhạc, nhóm nghiên cứu, thể thao... ở trường đại học là cơ hội tuyệt vời để bạn rèn luyện kỹ năng quản lý và lãnh đạo. Chẳng hạn, bạn sẽ biết cách truyền lửa cho các thành viên, giám sát hoạt động của họ và kết quả tạo ra, động viên mọi người khi gặp thất bại hay làm thế nào để mở rộng quy mô hoạt động của đội...

Học đại học không tệ như bạn nghĩ nếu biết cách tận dụng những thứ sẵn có để rèn luyện và trau dồi kỹ năng của mình. Cho dù ở môi trường nào thì sự chủ động cũng là điều tiên quyết.

Thứ Tư, 31/08/2016 17:15
31 👨 1.258
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng Công việc