Khi mới ra đời, em bé còn rất nhỏ, vì thế, cha mẹ thường lo lắng về sức khỏe và thể chất của con. Họ luôn cố gắng đoán ý muốn của trẻ và điều gì khiến chúng không thoải mái. Vậy làm thế nào hiểu trẻ sơ sinh khi chúng chưa biết nói? Các chuyên gia đã vạch ra 3 phương thức chính có thể giúp em bé giao tiếp với người lớn.
Dù mỗi bố mẹ đều có thể hiểu và phiên dịch được ký hiệu riêng của con mình nhưng những quy tắc phổ biến dưới đây vẫn hữu ích.
Cách trẻ sơ sinh khóc
Khóc là cách chính của trẻ mỗi khi muốn thể hiện nhu cầu trong 4 tháng đầu đời. Thế nhưng làm thế nào cha mẹ hiểu được trẻ đang khóc vì đói, đau hay do nguyên nhân nào khác?
- Tiếng khóc vì buồn chán: Khi muốn thu hút sự chú ý, trẻ bắt đầu thủ thỉ, đó là dấu hiệu bé muốn bạn chơi cùng. Khi không đạt được điều mong muốn, trẻ sẽ dần quấy khóc to hơn và thút thít.
- Tiếng khóc vì mệt mỏi: Tiếng khóc này bắt đầu bằng tiếng rên rỉ cho đến khi trở nên to hơn. Em bé cũng sẽ bắt đầu ngáp khi khóc.
- Tiếng khóc vì đói: Tiếng khóc này sẽ có âm vực thấp và lặp đi lặp lại. Ngoài ra, bạn còn có một số dấu hiệu khác cho thấy bé đang đói, chẳng hạn như cho ngón tay vào miệng.
- Tiếng khóc vì đau: Tiếng khóc này sẽ có âm vực cao. Những tiếng la hét phát ra theo định kỳ cho thấy cơn đau tăng lên.
- Tiếng khóc vì ốm: Trẻ sơ sinh thường sẽ phát ra những tiếng thút thít khe khẽ khi cảm thấy không khỏe. Đây là dấu hiệu cho thấy em bé không có năng lượng như bình thường, khiến chúng có vẻ mệt mỏi.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh có thể khóc khi muốn thay đổi môi trường hoặc khi thấy buồn chán.
Âm thanh phát ra
Ca sĩ opera người Úc Priscilla Dunstan đã và đang nghiên cứu về âm thanh của trẻ những tháng đầu đời. Cô ấy tin rằng những âm thanh phản xạ là có chủ đích và trẻ bắt đầu tạo ra âm thanh trước khi khóc nhằm tìm kiếm thông tin. Mọi người cho rằng khả năng nhận diện những âm thanh này đúng lúc có thể ngăn cơn khóc tiếp theo của trẻ. Hàng nghìn em bé ở những quốc gia khác nhau đã tham gia vào thử nghiệm xác thực những ý tưởng của cô ca sĩ tài năng này.
“Từ điển” âm thanh chính của trẻ sơ sinh bao gồm:
- “Neh” — “Con đói!”
- “Eh” — “Con muốn ợ hơi!”
- “Owh” — “Con thấy buồn ngủ và mệt mỏi!”
- “Heh” — “Con thấy không thoải mái!”
- “Eairh” — “Con bị đầy hơi và đau bụng.”
Cách chuyển động
Ngôn ngữ cơ thể nói lên rất nhiều điều về sức khỏe của trẻ sơ sinh:
- Cong lưng: Trẻ dưới 4 tháng tuổi thường thực hiện động tác này khi phản ứng với cơn đau và đau bụng.
- Xoay đầu: Đây là một chuyển động êm dịu, nhẹ nhàng. Bé có thể làm điều đó trước khi đi ngủ hoặc lúc lo lắng.
- Nắm lấy tai: Trong hầu hết các trường hợp, hành động này cho thấy bé chỉ đang khám phá cơ thể hoặc tự xoa dịu bản thân. Bạn chỉ nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu sau chuyển động này là khóc, gãi và lặp lại thường xuyên.
- Nắm chặt tay: Đây là dấu hiệu của cơn đói. Nếu bạn kịp thời nhận ra điều đó, bạn có thể ngăn chặn tiếng khóc do đói của bé.
- Nhấc chân lên: Đây là dấu hiệu của cơn đau bụng và dạ dày. Em bé đang cố gắng hành động theo phản xạ để làm dịu cơn đau.
- Giật cánh tay: Động tác này có nghĩa là bé sợ hãi. Một âm thanh lớn, ánh sáng rực rỡ hoặc sự thức giấc đột ngột có thể gây ra phản xạ giật mình. Trong trường hợp này, bé cần được dỗ dành.
Bác sĩ nhi khoa khuyên cha mẹ nên nói chuyện với con nhiều nhất có thể, giải thích và cho chúng thấy mọi thứ trong môi trường xung quanh, ngay cả khi bé chưa thể hiểu bất kỳ điều gì. Hành động này giúp bạn và em bé nhanh chóng hiểu nhau bằng âm thanh và cử chỉ. Ngoài ra phương thức này cúng giúp trẻ sơ sinh phát triển tốt hơn.
Hi vọng bài viết hữu ích với các bạn.