Bí quyết làm sữa chua trân châu cốt dừa Hạ Long tại nhà ngon như ngoài hàng

Sữa chua trân châu cốt dừa Hạ Long là một món quà vặt đang được giới trẻ rất yêu thích. Được làm từ những nguyên liệu ngon lành, không gây hại cho sức khỏe lại dễ ăn nên không có gì khó hiểu khi món ăn này tạo nên một cơn sốt và nhanh chóng được nhiều người tìm kiếm cách làm. Vì vậy, trong bài viết này, Quantrimang.com sẽ bật mí cho bạn bí quyết làm sữa chua trân châu cốt dừa Hạ Long ngon như ngoài hàng nhé.

Cách làm trân châu

Cách làm món sữa chua trân châu cốt dừa tất nhiên không thể thiếu trân châu. Cách làm hạt trân châu thơm ngon, giòn dai rất đơn giản, trước hết chúng ta hãy cùng xem nguyên liệu cần những gì nhé.

Nguyên liệu làm trân châu

  • Bột năng: 200gr
  • Bột rau câu giòn: 20gr
  • Đường trắng: 150gr
  • Nước sôi: 100ml
  • Nước cốt dừa: 300ml
  • Bột bắp: 15gr
  • Dừa bào: 50gr
  • Mè rang: 15gr
  • Các dụng cụ đun nấu như: Nồi, bếp, tô trộn bột

Hướng dẫn làm trân châu giòn dai

Bước 1

Nhồi bột làm trân châu

    • Trộn đều hỗn hợp 200gr bột năng, 20gr bột rau câu giòn và 50gr đường trong một tô lớn.
    • Chế từ từ 100ml nước sôi vào hỗn hợp bột trên, vừa chế vừa khuấy đều tới khi bột kết dính thành 1 khối.
    • Rải bột áo ra mặt phẳng sạch (thớt, mâm…) sau đó cho bột đã trộn bên trên ra. Dùng tay nhào tới khi bột thành khối mịn, không dính tay.
    • Nếu bột nhiều, chia bột thành nhiều phần và dùng lần lượt từng phần một để nặn trân châu. Phần bột chưa sử dụng đến nên bỏ vào tô rồi phủ khăn ẩm lên trên để bột không bị khô, vỡ, khó nặn thành viên trân châu nhỏ.
    • Se bột thành sợi rồi chia thành nhiều phần nhỏ, vê thành viên tròn vừa ăn.

Bước 2

Nấu trân châu

  • Đun sôi 1 nồi nước, đổ trân châu vào luộc 30 phút, vừa luộc vừa khuấy đều để trân châu không bị dính xuống đáy nồi.
  • Khi nước sôi lại, bạn giảm lửa bếp, đậy vung lại. Chờ cho trân châu nổi hết lên mặt nước thì bạn tiếp tục đun sôi trong 5 phút nữa rồi tắt bếp, ủ trân châu trong 10 phút để trân châu dai, mềm, không bị cứng khi cho vào nước lạnh.
  • Sau đó, vớt trân châu ngâm vào tô nước đá trong 10 phút.

Bước 3

  • Cho 300ml nước cốt dừa, 100gr đường, 15gr bột bắp vào nồi. Bắc nồi lên bếp, vừa đun vừa khuấy đều tới khi nước cốt dừa hơi sệt lại.
  • Cho phần trân châu ở trên vào nồi nước cốt dừa, vặn nhỏ lửa đun để hỗn hợp ấm tới khi dùng.

Cách làm sữa chua trân châu cốt dừa

Cách làm sữa chua

Phần sữa chua về cơ bản bạn có thể mua từ cửa hàng để làm cho nhanh nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích bạn đọc nếu có thời gian nên tự làm sữa chua tại nhà, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà hương vị thơm ngon và rất tiết kiệm chi phí.

Nguyên liệu làm sữa chua

  • 1 lít sữa tươi
  • 1 hũ sữa chua men cái
  • Dụng cụ nấu, đựng và ủ sữa chua
  • 1/2 lon sữa đặc (hoặc dùng nhiều hơn tùy theo độ ngọt mong muốn của bạn)

Cách làm sữa chua

Cách ủ sữa chua tại nhà

    • Bạn cho sữa đặc và sữa tươi vào nồi, bắc lên bếp đun và khuấy đều, nhẹ tay theo 1 chiều cho đến khi sữa đạt 70 - 80­­oC thì tắt bếp.
  • Sau khi hỗn hợp nguội bớt, cho sữa chua cái vào khuấy đều cho tan hoàn toàn rồi múc vào từng hũ nhỏ.
  • Đặt tất cả hũ vào một nồi/thùng lớn, cho nước nóng (70 - 80­­oC) vào ngập đến 2/3 hũ, đậy kín nắp lại và ủ trong 7 - 8 tiếng. Có thể dùng túi giữ nhiệt hoặc vải quấn bên ngoài để nhiệt độ giữ được lâu hơn.
  • Sau khi ủ xong, bạn cho hũ sữa chua vào tủ lạnh khoảng 2 tiếng trước khi ăn. Nếu để qua đêm thì sữa chua sẽ lên men nhiều và ngon hơn.
  • Khi dùng sữa chua trân châu cốt dừa thì chuẩn bị sẵn sữa chua, dừa bào, mè trắng rang và đá bào. Cho đá bào vào đáy ly, thêm lần lượt sữa chua, trân châu nước cốt dừa cho vào ly, rắc thêm dừa bào và mè rang lên trên là món sữa chua trân châu nước cốt dừa Hạ Long của chúng ta đã hoàn thành rồi. Những viên trân châu nước cốt dừa béo ngậy, thơm nức, kết hợp với sữa chua có vị chua ngọt thanh mát, đảm bảo bạn sẽ khó quên được món ăn độc đáo này đấy.

Cách làm sữa chua trân châu cốt dừa rất đơn giản phải không?

>> Chia sẻ: Cách làm sữa chua úp ngược bằng nồi chiên không dầu bất bại

Cách làm sữa chua trân châu cốt dừa cần lưu ý gì?

  • Không ủ bằng nước quá nóng: Dùng nước quá nóng sẽ làm hỏng men, nên bạn có thể nấu một ấm nước lớn, dùng một phần để pha sữa. Sau khi bạn pha chế xong hỗn hợp sữa thì nước đun sôi cũng sẽ hạ xuống nhiệt độ thích hợp để ủ sữa chua.
  • Canh thời gian ủ: Lượng men càng nhiều thì sữa sẽ càng chua và đông đặc lại hơn nên thông thường, sau khi ủ khoảng 6 tiếng sữa đã bắt đồng đông lại và có vị chua dịu nhẹ. Nếu bạn muốn ăn sữa chua ngọt và mềm, thì có thể ngừng ủ sau 6 tiếng nhé.
  • Đậy kín đồ ủ sữa chua: Bạn hãy đậy kín nồi ủ để có thể duy trì nhiệt độ đủ để lên men sữa chua. Nếu muốn dùng nồi cơm để ủ thì không cần cắm điện. Khi cần duy trì nhiệt độ, bạn có thể đặt một lớp lót để sữa chua không tiếp xúc trực tiếp với đáy nồi và bật chế độ hâm của nồi cơm trong 3 - 4 phút.
  • Ngoài cách làm sữa chua như trên, nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì có thể sử dụng máy làm sữa chua chuyên dụng. Ưu điểm của loại máy này là bạn chỉ cần pha hỗn hợp theo đúng tỷ lệ rồi bỏ vào máy, cắm điện là yên tâm làm việc khác mà không lo nồi ủ bị mất nhiệt khiến sữa chua hỏng.

Làm sữa chua bằng máy làm sữa chua rất tiết kiệm thời gian và đảm bảo vệ sinh

>> Xem thêm: Hướng dẫn làm sữa chua ngon mịn như ngoài hàng bằng máy làm sữa chua

Bên cạnh sữa chua trân châu cốt dừa Hạ Long, bạn cũng có thể biến tấu sữa chua thành nhiều món khác cũng rất hấp dẫn và dễ ăn như: Sữa chua nha đam, sữa chua trái cây, sữa chua dẻo trân châu…

Cách làm sữa chua trân châu Hạ Long rất đơn giản phải không? Hy vọng rằng với hướng dẫn của chúng tôi, bạn sẽ làm thành công món quà vặt này để cả gia đình cùng thưởng thức nhé.

Thứ Tư, 04/03/2020 16:57
4,39 👨 42.909
0 Bình luận
Sắp xếp theo