Bể phốt là gì? Cấu tạo bể phốt 3 ngăn, 2 ngăn thông dụng

Bể phốt là hệ thống xử lý chất thải quy mô nhỏ thường được lắp đặt bên dưới mỗi ngôi nhà, công ty, văn phòng hay xí nghiệp. Ngày nay, nó đã trở thành một thành phần quan trọng không thể thiếu trong kiến trúc tổng thể của các công trình. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ bể phốt là gì và nguyên lý, cấu tạo bể phốt thông dụng nhất. Vậy hãy cùng Quantrimang tìm hiểu kỹ hơn nhé!

Bể phốt là gì?

Bể phốt còn gọi là bể tự hoại, hầm tự hoại, hầm cầu hay hầm tiêu phân… Nói một cách dể hiểu, bể phốt là nơi chứa đựng các chất thải từ bồn cầu xuống. Qua một thời gian các chất thải này sẽ bị phân huỷ chuyển thành thể lỏng rồi mới theo hệ thống ống thoát nước và chảy ra ngoài. Có thể hình dung được vai trò của bể phốt quan trọng như thế nào đối với môi trường sống của chúng ta. Nếu không có hệ thống xử lý nước thải như bể phốt thì có lẽ môi trường xung quanh chúng ta sẽ bị ô nhiễm một cách nặng nề và trầm trọng.

bể phốt tự hoại thông minh

Bể phốt được chia ra làm 2 loại chính là bể phốt 3 ngăn và 2 ngăn. Tuy theo số ngăn mà bể phốt tự hoại có cấu tạo khác nhau, nhưng nhìn chung chúng đều có nguyên lý hoạt động giống nhau. Tuy nhiên, so về hiệu quả lọc và tính thân thiện với môi trường thì bể phốt 3 ngăn là loại bể thông dụng và được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.

Ngày nay, các nhà sản xuất đã thiết kế và đưa ra dòng bể phốt thông minh tự hoại giúp cho việc xử lý nước thải nhanh hơn, rút ngắn thời gian làm sạch nước thải, đặc biệt là an toàn với môi trường, giúp mang đến không gian sống sạch sẽ, trong lành.

Cấu tạo của bể phốt

Bể phốt 3 ngăn thông dụng

Bể phốt 3 ngăn là thiết kế bể phốt được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Sản phẩm được thiết kế gồm 3 ngăn bao gồm: ngăn chứa, ngăn lắng và ngăn lọc.

bể phốt tự hoại thông minh 3 ngăn thông dụng

Ngăn chứa là ngăn có diện tích lớn nhất, có thể bằng cả hai ngăn kia cộng lại, bởi vì đây là nơi chứa tất cả các loại chất thải chưa phân huỷ được thải xuống. Sau một thời gian nằm tại đây, chúng sẽ được phân huỷ hết thành bùn. Một số loại chất thải khó phân huỷ sẽ được lắng lại tại đây.

Ngăn lắng có nhiệm vụ tiếp nhận các chất thải từ ngăn chứa. Tại đây, các chất thải còn sót lại như tóc, kim loại hay vật cứng sẽ bị giữ ở đáy ngăn.

Ngăn lọc là ngăn tiếp nhận các chất thải sau khi ở ngăn lắng chuyển sang. Nơi đây có nhiệm vụ giữ lại tất cả các chất thải lửng lơ thông qua hệ thống lọc sẽ bị giữ lại trước khi cho ra môi trường.

Bể phốt 2 ngăn

bể phốt tự hoại thông minh 2 ngăn

Còn lại cơ số ít bể phốt trên thị trường hiện nay là loại bể có thiết kế với 2 ngăn. Cấu tạo bể này tương đối đơn giản, bao gồm: 1 ngăn chứa và 1 ngăn lắng. Nhiệm vụ của 2 ngăn này tương tự với 2 ngăn của loại bể phốt 3 ngăn. Tuy nhiên, do thiết kế không có ngăn lọc nên hiệu quả lọc nước thải không cao và không thân thiện với môi trường. Chính vì thế, loại bể này đang dần bị mai một, thay vào đó là loại bể phốt 3 ngăn được nhiều người ưa chuộng.

Nguyên lý hoạt động của bể phốt

Có lẽ, khi xem cấu tạo các ngăn của bể phốt, bạn cũng có thể hình dung ra nguyên lí hoạt động của chúng. Các chất thải sinh hoạt từ bồn cầu sẽ được xả trực tiếp xuống ngăn chứa của bể. Tại đây có chứa một số loại vi khuẩn và nấm khiến cho quá trình phân huỷ diễn ra nhanh chóng đồng thời giảm đáng kể mùi hôi. Sau quá trình phân huỷ nhiều lần đa số các chất thải đã được phân huỷ hết thành dạng bùn chỉ chừa lại một số loại như tóc, nhựa, kim loại,… Điều này lý giải vì sao, sau một thời gian sử dụng cần tiến hành hút chất thải định kì nếu không bể sẽ không hoạt động được nữa.

bể phốt tự hoại thông minh

Tiếp theo, các chất thải và vật khó phân huỷ sẽ được chuyển qua ngăn lắng và đọng lại phía dưới. Sau một thời gian sẽ bị đào thải ra ngoài hoặc hoá thành khí nếu gặp điều kiện thích hợp.

Sau quá trình thứ hai thì trong nước thải chỉ còn có vật lửng lơ. Khi gặp hệ thống lọc ở ngăn thứ ba sẽ bị giữ lại và phần chất thải qua quá trình xử lí sẽ tự động thoát ra ngoài. Chất dơ bẩn còn lại trong nước ra ngăn lọc sẽ bị giữ lại và bị loại trừ trong đất nhờ vào quá trình bốc hơi, sự hấp thụ của rễ thực vật hoặc sự tiếp nhận của nước ngầm và nước mặt.

Một số mẹo để bể phốt hoạt động tốt và bền hơn

Bạn có biết, nếu được lắp đặt và sử dụng tốt, bể phốt nhà bạn có thể có tuổi thọ 10 năm, 20 năm, thậm chí là lên tới 50 năm không? Trong khi có những gia đình chỉ sử dụng bể có 1 năm đã bị đầy. Vậy làm thế nào để sử dụng bể phốt tốt và tăng tuổi thọ của nó? Hãy cùng xem những gợi ý dưới đây nhé!

bùn vi sinh

  • Để thiết kế hệ thống bể phốt chắc chắn cần có thêm ống siphon hoặc thiết bị khác cùng chức năng để tăng thể tích cũng như tốc độ dòng chảy đến ngăn lọc. Điều này giúp cho hệ thống ống tháo không luôn trọng trạng thái đầy nước và kéo dài tuổi thọ của đường ống vì nó hạn chế được quá trình tắc nghẽn.
  • Bên cạnh đó, những yếu tố như nhiệt độ, lưu lượng dòng nước thải và thời gian chứa chất thải cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của bể phốt. Vì thế, khi xây dựng hệ thống bể phốt, cần phải đảm bảo kín, khít, không bị các tác động bên ngoài vào như ngấm nước ngầm, đáy bể bị biến dạng do móng có kết cấu không được đảm bảo an toàn…

bể phốt tự hoại thông minh đại thành

  • Vai trò của các vi sinh vật, vi khuẩn, nấm có trong bể là một nhân tố quan trọng khiến bể hoạt động tốt hơn rất nhiều. Vì thế, hạn chế việc sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa mạnh đổ xuống bồn cầu, dễ làm chết các vi sinh vật ở dưới bể phốt.
  • Thường xuyên sử dụng bùn vi sinh để giúp phân hủy nhanh chất thải. Trong bùn vi sinh có chứa các vi sinh vật có lợi cho việc phân hủy chất thải. Bạn có thể dễ dàng mua chúng tại các cửa hàng tạp hóa lớn nhỏ gần nha. Bạn nên sử dụng mỗi tháng 1 lần hoặc hai tháng 1 lần.

Hy vọng, những thông tin bổ ích trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vai trò của bể phốt và giúp sử dụng bể phốt đúng cách, bền bỉ và tiết kiệm chi phí hút bể cho gia đình.

Thứ Hai, 19/08/2019 16:35
53 👨 9.891
0 Bình luận
Sắp xếp theo