5 thành kiến nhận thức ngăn bạn đưa ra quyết định đúng đắn

Đa phần chúng ta, ai cũng mắc phải.

Tôi thích nghĩ mình như một người có lý trí nhưng tôi không phải người đó. Và điều thú vị ở đây là không chỉ mình tôi, bạn cũng thế. Tất cả chúng ta đều là những người không có lý trí.

Trong một thời gian dài, các nhà nghiên cứu và kinh tế học tin rằng con người luôn đưa ra các quyết định logic và được cân nhắc kỹ. Tuy nhiên, vài thế kỷ gần đây, một số nhà nghiên cứu lại tiết lộ một loạt các sai lầm về tâm lý khiến chúng ta bị lệch khỏi "đường ray" của tư duy. Thi thoảng, chúng ta có các quyết định đúng đắn nhưng cũng rất nhiều lần chúng ta nhầm lẫn, bị cảm xúc chi phối và thiếu lý trí khi lựa chọn.

Các nhà tâm lý học và các nhà nghiên cứu về hành vi rất hứng thú với việc tìm kiếm những thành kiến về nhận thức này. Có rất nhiều sai lầm và chúng cũng được đặt với nhiều cái tên hay ho như "hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên" (mere exposure effect) hay "liên tưởng ngụy biện" (narrative fallacy). Tuy nhiên, cái tôi muốn bàn ở đây không phải là các biệt ngữ khoa học mà là những sai lầm về tâm lý xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống của chúng ta và giải thích chúng cho các bạn bằng cách sử dụng những từ ngữ dễ hiểu nhất.

Dưới đây là 5 thành kiến về tâm lý khiến bạn không thể nào đưa ra được quyết định đúng đắn.

1. Survivorship Bias (Thành kiến sống sót)

Gần như tất cả các tờ báo điện tử nổi tiếng hiện nay đều có rất nhiều bài viết bị "nhiễm" thành kiến sống sót. Không khó để tìm thấy các loạt bài kiểu như "8 thứ mà những người thành công làm mỗi ngày", "Lời khuyên tuyệt vời nhất mà Richard Branson từng nhận được" hay "Người giàu làm gì khi họ có nhiều tiền"...., bạn đang được chứng kiến "thành kiến sống sót" trong hành động.

Survivorship Bias

Thành kiến sống sót ám chỉ xu hướng của con người tập trung vào những người chiến thắng trong một lĩnh vực đặc biệt và cố gắng học hỏi từ họ trong khi hoàn toàn bỏ qua những người thất bại mà cũng đã từng áp dụng một chiến lược hành động như vậy.

Có hàng ngàn vận động viên đang luyện tập theo cách của LeBron James nhưng rất hiếm người đạt được thành tích khủng trong các mùa giải NBA. Vấn đề ở đây là không một ai để ý tới việc có hàng ngàn người khác chưa bao giờ leo lên đến đỉnh vinh quang cả. Chúng ta chỉ nghe về những người đang "sống sót". Chúng ta đã phạm sai lầm trong việc đánh giá quá cao chiến thuật, chiến lược và lời khuyên từ "người sống sót" trong khi phớt lờ thực tế là chúng chỉ phù hợp với số ít người.

Một ví dụ khác: "Richard Branson, Bill Gates và Mark Zuckerberg, tất cả đều bỏ học và trở thành tỷ phú! Bạn không cần đến trường để thành công. Các doanh nhân chỉ cần dừng việc lãng phí thời gian tại các lớp học và bắt đầu sự nghiệp sớm".

Richard Branson thành công mặc dù đã chọn con đường đó chứ không phải thành công bởi vì đã chọn nó. Ngoại trừ Branson, Gates và Zuckerberg, có hàng ngàn người khởi nghiệp khác đã thất bại, tiền nợ ngân hàng chồng chất và bỏ dở những gì họ đang làm. Thành kiến sống sót không phải đơn thuần chỉ nói rằng một chiến lược có thể không phù hợp với bạn mà nó cũng nhấn mạnh tới việc chúng ta không thực sự hiểu rõ liệu chiến lược đó có phải lúc nào cũng mang đến hiệu quả.

Khi chỉ nghĩ đến những kẻ chiến thắng mà quên rằng vẫn còn có rất nhiều người thất bại thì thật khó để khẳng định một chiến lược nào đó chắc chắn sẽ dẫn tới thành công.

2. Loss Aversion (Sợ mất mát)

Loss Aversion phản ánh xu hướng của chúng ta không muốn đối mặt với thất bại và mong muốn tránh tất cả các thất bại còn nhiều hơn cả khao khát hoàn thành thứ gì đó. Nghiên cứu cho thấy rằng nếu ai đó cho bạn 10 USD thì bạn sẽ có chút cảm giác thỏa mãn nhưng nếu mất 10 USD thì sự thỏa mãn của bạn bị tụt xuống rất nhanh và cảm giác đó còn tệ hại hơn rất nhiều. Hai kiểu phản ứng này trái ngược nhau và cũng không cân bằng về độ lớn.

Loss Aversion

Xu hướng tránh thất bại khiến chúng ta đưa ra những quyết định ngu ngốc và thay đổi hành vi của mình đơn giản để giữ những thứ đang sở hữu. Chúng ta bị dính chặt vào cảm giác bảo vệ những gì đang có và điều này khiến mỗi người đánh giá quá cao chúng trong so sánh với các lựa chọn.

Chẳng hạn, nếu bạn mua một đôi giày mới thì nó sẽ khiến bạn hài lòng một chút. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn chưa hề đi đôi giày đó thì việc một vài tháng sau bạn vứt nó đi cũng khiến bạn vô cùng đau khổ. Bạn chưa bao giờ sử dụng chúng nhưng vì vài lý do, bạn không thể chịu được cảnh phải xa rời những gì đã thuộc về mình. Hay một ví dụ khác như bạn sở hữu một món đồ và không dùng đến nhưng bạn không sẵn lòng cho bạn bè hoặc một người khác đang cần. Đây chính là "nỗi sợ mất mát".

3. Availability Heuristic (Trải nghiệm có sẵn)

Availability Heuristic có thể được hiểu là "trải nghiệm có sẵn" hoặc "cảm tính về sự sẵn có". Tuy nhiên, điều này không quan trọng. Vấn đề ở đây là "lỗi tâm lý" này ám chỉ một sai lầm phổ biến do bộ não của chúng ta tạo ra: coi những thứ xuất hiện trong tâm trí một cách dễ dàng cũng là những thứ quan trọng nhất hoặc phổ biến nhất. Hay nói cách khác, chúng ta có xu hướng phán đoán về điều có khả năng xảy ra nhiều hơn dựa trên những ký ức dễ nhớ, sinh động và có ấn tượng mạnh.

Availability Heuristic

Ví dụ, một người có thể tranh cãi rằng hút thuốc không phải là không lành mạnh dựa trên cơ sở là ông nội của anh ấy đã sống tới 100 tuổi và đã hút 3 gói thuốc một ngày, một lập luận phớt lờ khả năng ông nội của anh ấy là một trường hợp ngoại lệ.

Thêm nữa, một nghiên cứu được thực hiện bởi Steven Pinker tại Đại học Harvard cho thấy chúng ta hiện đang sống trong giai đoạn ít bạo lực nhất của lịch sử. Nhiều người đang được sống trong yên bình hơn trước đây. Tỷ lệ những kẻ giết người, tấn công tình dục, hãm hiếp và lạm dụng trẻ em nói chung có xu hướng giảm.

Đa phần mọi người đều cảm thấy choáng khi nghe những con số thống kê này. Một vài người không muốn tin chúng. Nếu có một thời điểm yên bình nhất trong lịch sử thì tại sao hiện nay lại có quá nhiều cuộc chiến tranh diễn ra đến vậy? Tại sao mỗi ngày chúng ta đều nghe đến những vụ hãm hiếp, giết người, tội phạm? Tại sao mọi người lại nói quá nhiều về những hành động hủy diệt và khủng bố?

Chào đón bạn đến với thế giới của những người quá tin vào "trải nghiệm sẵn có"!

Câu trả lời là chúng ta không chỉ đang sống trong thời kỳ yên bình nhất của lịch sử mà còn đang sống trong thời kỳ mà thông tin trở nên bùng nổ nhất trong lịch sử. Tin tức về các thảm họa hay tội phạm giờ đây quá thịnh hành. Chỉ cần một thao tác tìm kiếm nhanh trên Internet là bạn đã nhận được vô số thông tin về các cuộc tấn công khủng bố gần đây nhất hơn bất kỳ một tờ báo giấy nào có thể truyền tải cách đây 100 năm.

Phần trăm các sự kiện nguy hiểm xét về tổng thể có xu hướng giảm nhưng xét riêng từng loại nguy hiểm thì nhiều trong số đó lại có xu hướng tăng. Và bởi vì các sự kiện này sẽ đi vào tâm trí chúng ta một cách dễ dàng nên bộ não sẽ giả định rằng chúng xảy ra với tần suất lớn hơn so với thực tế.

Chúng ta đánh giá quá cao tác động của những thứ mà chúng ta có thể nhớ và đánh giá quá thấp sự phổ biến của những sự kiện mà chúng ta chưa nghe bao giờ.

4. Anchoring Effect (Hiệu ứng "mỏ neo")

Anchoring – tâm lý "bám chặt" vào một thứ gì đó hay còn được gọi là hiệu ứng "mỏ neo".

Anchoring Effect

Có một sự liên tưởng khi nghĩ về thị trấn nơi tôi sinh ra. Nó được biết đến như là nơi của những người bán thịt sành rượu và pho mát. Trên menu đồ ăn, họ bôi đậm dòng chữ: "giới hạn 6 loại pho mát trên mỗi miếng bánh burger".

Suy nghĩ đầu tiên của tôi là: "Đây là điều rất vô lý. Ai lại cho những 6 loại pho mát vào một chiếc bánh burger?"

Suy nghĩ thứ hai của tôi là: "Tôi sẽ được đưa 6 loại pho mát nào?" (tò mò).

Tôi không nhận ra những người chủ nhà hàng này rất thông minh cho đến khi tôi tìm hiểu về hiệu ứng "mỏ neo". Bạn thấy đấy, thông thường, tôi chỉ cho một loại pho mát vào bánh nhưng khi đọc được dòng chữ "giới hạn 6 loại pho mát" trên menu, tâm trí của tôi sẽ bị bám chặt vào con số 6.

Đa phần chúng ta không gọi 6 loại pho mát nhưng sự xuất hiện của "mỏ neo" này đã khiến chúng ta chuyển từ 1 miếng lên 2 miếng, thậm chí là 6 miếng pho mát và thêm vào một ít thịt trong mỗi miếng bánh.

Hiệu ứng này được áp dụng trong nhiều nghiên cứu và môi trường kinh doanh. Chẳng hạn, người bán hàng nhận thấy rằng nếu bạn nói "giới hạn 3 cái/khách hàng" khi đó, người dùng sẽ tìm cách để mua được gấp đôi trong so sánh với việc nói "không giới hạn số lượng".

Trong một nghiên cứu, các tình nguyện viên được yêu cầu dự đoán số phần trăm quốc gia Châu Phi tham gia Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, trước khi đoán, họ sẽ quay một bánh xe với các con số được dán trên đó là 10 hoặc 65. Khi các tình nguyện viên quay đúng vào ô 65 thì mức dự đoán trung bình khoảng 45%. Khi quay vào ô 10 thì dự đoán khoảng 25%. Thực chất của nghiên cứu này chỉ là kết quả của việc bám chặt vào các dự đoán với con số cao hơn hoặc thấp hơn con số đã cho trước đó mà thôi (những ước đoán cao nhất đến từ những người đã quay trúng những con số cao trên bánh xe).

Hiệu ứng mỏ neo được xuất hiện nhiều nhất khi đề cập đến giá cả. Nếu giá ghi trên một chiếc đồng hồ mới là 500 USD thì có thể bạn sẽ cân nhắc nó quá đắt so với số tiền bạn có thể chi trả. Tuy nhiên, nếu đi dạo trong cửa hàng và đầu tiên, bạn nhìn một chiếc đồng hồ có giá 5.000 USD ở trước quầy thì đột nhiên con số 500 USD dường như là mức giá có thể chấp nhận được. Rất nhiều sản phẩm cao cấp mà các cửa hàng trưng bày chưa bao giờ được kỳ vọng là sẽ bán được với số lượng nhiều. Tuy nhiên, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo "mỏ neo" trong tư duy của khách hàng và kích thích bạn quyết định mua các sản phẩm có giá mà bạn nghĩ là "rẻ hơn" rất nhiều so với chúng.

5. Confirmation Bias (Thiên kiến xác nhận)

Confirmation Bias (thiên kiến xác nhận) ám chỉ xu hướng tìm kiếm các thông tin để khẳng định cho những suy nghĩ, niềm tin hiện tại đang có theo nhận thức thiên vị, đồng thời bỏ qua và đánh giá thấp những thông tin khiến chúng ta nghi ngờ niềm tin vốn có của mình.

Confirmation Bias

Chẳng hạn, A tin rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề nghiêm trọng. Sau đó, A chỉ tìm kiếm và đọc các câu chuyện liên quan đến bảo vệ môi trường, thay đổi khí hậu hay năng lượng thay thế. Kết quả, A tiếp tục xác nhận và củng cố thêm cho những gì mà anh ta tin.

Trong khi đó, B không tin rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề nghiêm trọng. Sau đó, B chỉ tìm kiếm và đọc các câu chuyện thảo luận rằng biến đổi khí hậu vẫn còn là một bí ẩn, tại sao các nhà khoa học mắc sai lầm và mọi người đang bị lừa như thế nào. Kết quả, B tiếp tục xác nhận và củng cố thêm cho những gì mà anh ta tin.

Thay đổi tư duy là điều vô cùng khó. Bạn càng tin rằng bạn biết thứ gì đó thì bạn càng lọc và bỏ qua những thông tin trái ngược. Điều này cũng giống như khi bạn cho rằng mình luôn may mắn khi mặc áo đỏ. Lý do là bởi vì, bạn chỉ nhớ đến những thời điểm mà điều này là đúng và bỏ qua lúc may mắn khác khi bạn không mặc áo đỏ.

Bạn có thể mở rộng lối suy nghĩ này ra gần như tất cả các chủ đề. Nếu bạn mua một chiếc Honda Accord và bạn tin rằng nó là chiếc xe hơi tốt nhất trên thị trường thì một cách tự nhiên, bạn sẽ chỉ đọc những bài báo ca ngợi rằng nó là một siêu xe tuyệt vời. Trong khi đó, một tạp chí khác lại liệt kê một chiếc xe được lựa chọn là xe đẹp nhất của năm thì bạn đơn giản là bỏ qua nó và cho rằng tờ báo đó đã nhận định sai hoặc nghĩ rằng họ đang tìm kiếm thứ gì đó khác với thứ mà bạn đang mong đợi ở một chiếc xe.

Sự tìm kiếm bằng chứng, giải thích và ghi nhớ một cách thiên vị được xem là nguyên nhân gây nên sự quá tự tin vào niềm tin cá nhân, những quan điểm phân cực hay cuồng tín.

Việc hình thành một giả thuyết và sau đó kiểm tra bằng nhiều cách khác nhau để chứng minh nó là điều sai lầm là hành vi rất lạ lẫm với nhiều người. Thay vì như vậy, nhiều khả năng chúng ta đặt ra một giả thuyết, sau đó, giả sử nó đúng và chỉ tìm kiếm các thông tin để bảo vệ cho định kiến của mình. Đa phần không ai muốn những thông tin mới, họ muốn xác nhận thông tin họ đã biết mà thôi.

Vậy bài học rút ra ở đây là gì?

Một khi đã hiểu về những thành kiến tâm lý phổ biến này thì phản ứng đầu tiên của bạn có thể là: "Tôi muốn chấm dứt những thành kiến này! Tôi không muốn chúng ảnh hưởng tới việc ra quyết định của tôi! Làm thế nào tôi có thể ngăn chặn bộ não của mình tạo ra những thành kiến đó?"

Đây là một câu hỏi rất hay nhưng không đơn giản để trả lời. Thay vì nghĩ những sai lầm này như là một tín hiệu cho thấy bộ não của bạn đang có "vấn đề" thì tốt hơn là hãy cân nhắc chúng như là bằng chứng cho thấy các "lối tắt" mà bộ não của bạn đang sử dụng không hề hữu ích trong tất cả các trường hợp. Tuy nhiên, có rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống thường ngày cho thấy các thành kiến trên cũng có lợi. Chắc chắn, khi đã biết cách tận dụng, bạn sẽ không muốn loại bỏ chúng nữa.

Vấn đề ở đây là bộ não quá xuất sắc trong việc thực hiện tốt các chức năng trên – có thể tạo ra các thành kiến đó rất nhanh và dễ dàng nên chúng ta đôi khi mắc phải những sai lầm không mong muốn.

Trong những trường hợp như vậy thì tự nhận thức (Self-awareness) thường là một trong những lựa chọn tốt nhất. Do vậy, hãy rèn luyện kỹ năng này để không bị những thành kiến trên kiểm soát suy nghĩ của bạn.

Thứ Tư, 03/08/2016 11:45
42 👨 6.388
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng sống