Lựa chọn đúng đắn là gì? Làm thế nào khi đứng giữa 2 sự lựa chọn? Ở bài viết này, hãy cùng Quantrimang.com tìm hiểu cách đưa ra lựa chọn đúng đắn trong cuộc sống nhé!
Mỗi người trên thế giới này đều có cuộc sống riêng, không ai giống ai. Và bạn chính là người làm chủ cuộc sống của mình. Trên hành trình tiến về phía trước, có thể bạn sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách và không ít lần phải đứng giữa nhiều sự lựa chọn. Vậy làm thế nào để có sự lựa chọn đúng đắn?
Cuộc sống thật sự không phải lúc nào cũng màu hồng. Ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã nhiều lần phải đối mặt với nhiều lựa chọn, chẳng hạn như chọn ăn kẹo hay đi chơi, chọn ở nhà hay đi học, chọn đi làm hay nghỉ ở nhà… Khi bạn phân vân giữa 2 lựa chọn, làm thế nào để đưa ra quyết định đúng đắn? Điều này rất quan trọng, bởi nó ảnh hưởng tới con đường đi sau này.
Chính vì những tình huống tiến thoái lưỡng nan như vậy mà không ít người đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong cuộc đời, thậm chí, chúng còn biến họ trở thành một con người khác.
Những lúc như vậy, hãy ghi nhớ những điều sau đây. Chúng sẽ là kim chỉ nam để bạn có được những quyết định sáng suốt trong cuộc sống.
Mục lục bài viết
- 1. Đừng tin vào cái gọi là "tuyệt đối đảm bảo"
- 2. Thà giả ngốc chứ đừng cho mình là thông minh
- 3. Thà giả nghèo chứ đừng khoe của
- 4. Chấp nhận rủi ro: Hãy dám ra quyết định
- 5. Thà giả thua, chứ đừng tỏ ra hiếu thắng
- 6. Thà chịu thua thiệt còn hơn chiếm món lợi nhỏ
- 7. Thà vất vả, chứ đừng ham muốn hưởng lạc
- 8. Thà là người bình thường, chứ đừng "mua danh chuộc tiếng"
- 9. Thà tự tin, chứ đừng mù quáng bi quan
- 10. Thà khỏe mạnh, còn hơn "công danh lợi lộc"
- 11. Sống thực, đừng sống ảo
1. Đừng tin vào cái gọi là "tuyệt đối đảm bảo"
Bạn không thực sự biết một con đường sẽ dẫn mình đi tới đâu cho tới khi bạn thực sự bước đi trên nó. Không có gì đảm bảo cả. Đây là một trong những điều quan trọng nhất mà bạn cần nhận biết về cuộc sống. Không ai nói rằng lựa chọn để làm những điều đúng đắn mọi lúc luôn dẫn tới hạnh phúc. Yêu một ai đó hết lòng không đảm bảo rằng bạn sẽ được nhận lại những gì bạn muốn. Có được danh tiếng và tiền tài không đảm bảo bạn sống hạnh phúc trọn đời. Dùng một lời nói tốt đẹp với người lãnh đạo có tầm ảnh hưởng để rút ngắn nấc thang sự nghiệp của bạn không phải là điều xấu, đặc biệt nếu bạn tự tin vào khả năng và năng lực của mình. Điều duy nhất mà bạn có khả năng chi phối đó chính là những quyết định của bạn, bạn hành động như thế nào và bạn phản ứng ra sao với các tình huống khác nhau trong cuộc sống.
2. Thà giả ngốc chứ đừng cho mình là thông minh
Cuộc sống với những gì chưa xảy ra luôn có sự biến hóa rất phức tạp. Cho dù bạn hiểu biết hay giỏi đến mức nào thì bạn cũng chưa đủ khả năng để lường trước mọi thứ. Kể cả việc bạn sử dụng những kinh nghiệm hay trải nghiệm của mình để đo lường hay đánh giá một điều gì đó bất kỳ thì chỉ trong nháy mắt, chúng hoàn toàn có thể thay đổi.
Thế nên, dù có chuyện gì xảy ra, bạn cũng nên giữ một thái độ khiêm tốn và can đảm nhận mình là một kẻ ngốc trước sự biến đổi không ngừng nghỉ của tạo hóa. Thực tế rằng, chẳng ai thích một người luôn tự cho mình là thông minh cả.
3. Thà giả nghèo chứ đừng khoe của
Người xưa thường nói: "Vi phú bất nhân" (Làm giàu thì thường không có nhân đức). Câu nói này không phải không đúng, đặc biệt là trong xã hội hiện đại và thực tế, đã có rất nhiều trường hợp chỉ vì ham hố tiền bạc mà khiến hạnh phúc gia đình tan vỡ. Nếu có người ngưỡng mộ, làm thân với bạn vì bạn giàu có thì khi có biến cố xảy ra, họ cũng sẽ tìm cách rời bỏ bạn và để bạn một mình chịu tai họa.
Thế nên, đừng tỏ ra mình là một người giàu có. Đừng bao giờ thể hiện mình là một người có nhiều tiền ngay cả khi bạn thực sự là như vậy.
4. Chấp nhận rủi ro: Hãy dám ra quyết định
Vì cuộc sống không dành cho bất cứ ai cái gọi là "tuyệt đối đảm bảo" và bạn sẽ không bao giờ biết rằng quyết định của bạn sẽ là sai lầm cho đến khi bạn đã thực hiện nó, thế nên, bạn buộc phải chấp nhận rủi ro và ra quyết định. Điều này chắc chắn tốt hơn so với việc đặt mình trong tình trạng lấp lửng. Mặc dù đúng hoặc sai có thể là sai lầm nhưng đó sẽ là cơ hội để bạn bước vào những chuyến phiêu lưu và khám phá thêm nhiều con đường mới hơn nữa.
Tuy nhiên, đừng ra quyết định một cách tùy tiện. Chấp nhận rủi ro không có nghĩa là bất cẩn và thiếu suy nghĩ.
5. Thà giả thua, chứ đừng tỏ ra hiếu thắng
Lời khuyên này đặc biệt hữu ích nếu bạn rơi vào một cuộc tranh luận với một người/một nhóm người nào đó. Đừng ngoan cố bảo vệ ý kiến của mình ngay cả khi bạn biết rằng đối phương đang mắc sai lầm. Bởi lẽ, một khi họ đã từ chối việc thừa nhận mình là sai thì hãy để cho họ tự trải nghiệm và nhận ra lỗi của họ. Việc bạn tiếp tục tranh luận sẽ khiến hai người càng trở nên mâu thuẫn. Giả thua để giữ lợi ích cho đôi bên, đó là một sự buông bỏ. Người dám từ bỏ danh hão là người hiểu đạo lý!
6. Thà chịu thua thiệt còn hơn chiếm món lợi nhỏ
Con người sinh ra thường ai cũng muốn nhận phần lợi về mình. Thậm chí, nhiều người còn chẳng bao giờ chịu thiệt dù chỉ một chút. Bạn phải hiểu rằng, đôi khi chấp nhận chịu thiệt lại là phúc. Dù cho có bị lừa đảo bạn cũng đừng lo, hãy tin tưởng vào quy luật của tự nhiên và xã hội, không cần bạn phải nghĩ mưu tính kế để trả thù.
7. Thà vất vả, chứ đừng ham muốn hưởng lạc
Đừng chỉ muốn hưởng lạc, an nhàn, giàu có mà không chịu vất vả. Bởi vì, ham muốn sẽ sinh ra các loại ham muốn, dục vọng khiến tâm hồn và thể xác của bạn bị "ăn mòn". Có chịu khó, chăm chỉ, bạn mới càng thấy quý trọng những gì mình làm được và càng rèn luyện được bản thân mình trước mọi cám dỗ của cuộc sống.
8. Thà là người bình thường, chứ đừng "mua danh chuộc tiếng"
Đừng cố chạy theo danh lợi. Đừng dùng tiền bạc hay hy sinh những người thân yêu để khiến mình được thăng tiến, phú quý. Đôi khi cuộc sống bình thường lại là một điều hạnh phúc. Rất nhiều người mong muốn nhưng chẳng thể có được.
Lừa gạt, mua danh, chuộc tiếng sẽ khiến thể xác và linh hồn bạn mệt mỏi, gây chuyện thị phi và "gieo gió gặt bão".
9. Thà tự tin, chứ đừng mù quáng bi quan
Tự tin vào bản thân mình là sức mạnh để bạn có được mọi thứ. Thậm chí, nếu sự tự tin có chút mù quáng thì cũng đừng vì thế mà khiến bản thân bi quan, tiêu cực. Bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh được điều đó. Chỉ cần một phút mất niềm tin, bạn có thể đánh mất tất cả.
10. Thà khỏe mạnh, còn hơn "công danh lợi lộc"
Sức khỏe là điều vô cùng quan trọng, thậm chí có thể là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Cho dù không có địa vị cao sang hay giàu có nhưng nếu khỏe mạnh là bạn đã và đang sống tốt. Nhưng nếu có công danh lợi lộc mà mất đi sức khỏe thì chính là bạn đang mất đi tất cả.
11. Sống thực, đừng sống ảo
Điện thoại và laptop hiện đã trở thành một phần trong cuộc sống không thể thiếu với nhiều người. Tuy nhiên, trước đây chúng ta vẫn sống khỏe khi chưa có chúng. Dù không thể phủ nhận lợi ích mà smartphone, laptop đem lại cho cuộc sống con người nhưng cũng đừng lạm dụng nó bằng việc suốt ngày lang thang trên mạng xã hội để tán gẫu với bạn bè hay xem facebook, lướt bảng tin của người khác…
Thay vào đó, hãy ra ngoài nhiều hơn, rủ bạn bè gặp mặt trực tiếp và tham gia các hoạt động thể thao. Chúng sẽ giúp tinh thần bạn sảng khoái và luôn đưa ra được quyết định đúng đắn.
12. Dứt khoát từ bỏ những mối quan hệ độc hại
Nếu thấy bản thân đang rơi vào một mối quan hệ “độc hại” thì đừng ngại rời bỏ ngay. Những mối quan hệ kiểu này chỉ mang tới những điều tiêu cực cho cuộc sống, cả về thể chất lẫn tinh thần. Cho dù đó là mối quan hệ của bạn với bạn bè, đồng nghiệp, đối tác hay hàng xóm, hành động khôn ngoan nhất là dừng lại ngay khi bạn cảm thấy cả hai đã không còn chung quan điểm, chỉ mang lại cho nhau những cảm xúc tiêu cực. Hãy nhớ rằng, hạnh phúc của bạn nằm trong tay bạn và nếu chọn tiếp tục duy trì một mối quan hệ không lành mạnh, bạn có thể sẽ phải gánh chịu nhiều năm đau khổ và hối tiếc.
Bạn muốn sống một cuộc sống như thế nào là tùy thuộc ở bản thân bạn. Quyền lựa chọn và ra quyết định là của bạn. Điều quan trọng là hãy sẵn sàng đối mặt và làm mọi thứ một cách sáng suốt. Chỉ có xác định được bản thân mình muốn thứ gì nhất, thứ gì là quan trọng nhất với mình thì cuộc đời của bạn mới trôi qua một cách ý nghĩa.