10 cách đơn giản để cải thiện kỹ năng giao tiếp của bạn?

"Hầu hết chúng ta không lắng nghe với ý định thấu hiểu, mà chúng ta lắng nghe với ý định trả lời."

Trong bộ phim My Fair Lady, Giáo sư Henry Higgins (do Rex Harrison đóng) đã khuyên rằng để có một cuộc trò chuyện cuốn hút, hãy cứ nói về thời tiết và sức khỏe. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, biến đổi khí hậu, chính trị, quân sự, tôn giáo hay bất kỳ một chủ đề nhỏ nào khác cũng trở thành một cuộc tranh cãi. Các chính trị gia không thể ngồi với nhau quá 5 phút, bạn vội vàng "block" bạn bè chỉ vì status mới của họ có nhắc đến một vấn đề nhạy cảm và chẳng muốn trò chuyện trực tiếp với một người bởi đơn giản là bạn không hề thích họ. Dường như con người đang trở nên cực đoan hơn, chia rẽ hơn so với quá khứ. Chúng ta ít thỏa hiệp, ít lắng nghe, ít chia sẻ. Chúng ta quyết định sống ở đâu, lập gia đình với ai, thậm chí là làm bạn với ai dựa trên những niềm tin có sẵn của chính mình.

Chú thích: Bài viết này được tổng hợp và dịch lại từ chia sẻ của diễn giả Celeste Headlee trong một buổi nói chuyện trên TED Talks với tiêu đề "10 ways to have a better conversation" (10 cách để có một cuộc trò chuyện thú vị hơn). Trong vai trò là người dẫn chương One Second Thought trên Georgia Public Broadcasting cùng rất nhiều Talk Show nổi tiếng khác, Celeste Headlee đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm quý báu giúp mọi người cải thiện kỹ năng nói chuyện rất hữu ích.

Celeste Headlee

Theo Celeste Headlee, để có một cuộc trò chuyện thú vị, chúng ta cần có sự cân bằng giữa nói và nghe. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, cả hai bên làm mất đi sự cân bằng này khiến cuộc nói chuyện trở nên nhàm chán và có thể khó kết nối trở lại. Bà cũng nhấn mạnh điện thoại thông minh là một trong những yếu tố khiến giao tiếp bị hạn chế và con người dần không muốn gặp mặt nhau, không chỉ là người lớn mà trẻ em cũng bị ảnh hưởng.

Dưới đây là 10 thủ thuật nhỏ mà Celeste Headlee đề xuất chúng ta nên áp dụng để cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình

1. Lắng nghe

Lắng nghe là yếu tố cơ bản nhất của mọi cuộc nói chuyện. Nó là điều khó nhất để làm nhưng cũng là điều quan trọng nhất.

Khi nói về "ám ảnh" thích nói nhiều hơn nghe, Celeste chia sẻ: "Khi tôi nói, tôi đang ở trong tầm kiểm soát. Tôi không phải nghe bất cứ điều gì tôi không thích. Tôi là trung tâm của sự chú ý. Tôi có thể thể hiện những nét cá tính riêng của mình".

"Đức Phật đã dạy và tôi sẽ diễn tả nó cho bạn nghe: khi bạn mở miệng là lúc bạn không học thêm được gì".

Bạn nghe để hiểu, chứ không phải chỉ để trả lời. Nó là điều không xảy ra thường xuyên nhưng đừng bao giờ quên. Và Calvin Coolidge cũng từng nói: "Chưa có ai từng bị mất việc vì lắng nghe nhiều quá."

Kỹ năng giao tiếp

2. Đừng làm nhiều việc cùng lúc

Tất cả chúng ta đều biết khi làm thứ gì đó (bất cứ thứ gì) trong khi ai đó đang nói sẽ khiến chúng ta rất khó chịu, thậm chí là phẫn nộ. Celeste nhấn mạnh đến việc mỗi người cần hiện diện thực sự trong các cuộc trò chuyện. "Hãy có mặt thực sự trong giây phút đó. Đừng bận tâm về việc bạn tranh cãi với sếp. Đừng suy nghĩ xem mình sẽ ăn gì tối nay". Nếu không muốn thảo luận tiếp, hãy rời đi thay vì nửa muốn có mặt, nửa lại muốn tránh xa họ.

3. Đừng khăng khăng cho mình là đúng

Một sai lầm kinh điển mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Có ai muốn được thuyết giảng mà chính họ chẳng hề có cơ hội để được nói không? Chắc chắn là bạn sẽ không có một cuộc trò chuyện thực sự nếu bạn chỉ là người nói.

"Mỗi người đều là một chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Nếu bạn chỉ nêu ý kiến của mình mà không muốn dành cho người khác cơ hội để đối chiếu, nhận xét hoặc phản biện lại thì hãy viết blog". Bạn cần tham gia vào cuộc trò chuyện với mong muốn tìm kiếm thứ để học hỏi, thi thoảng, có nghĩa là bạn cần đặt ý kiến cá nhân của mình sang một bên để đón nhận những luồng tư tưởng mới.

4. Sử dụng các câu hỏi mở

Hãy sử dụng các từ để hỏi trong cuộc trò chuyện như: với ai, điều gì, khi nào, ở đâu, tại sao như thế nào. "Nếu bạn đặt một câu hỏi phức tạp, bạn sẽ nhận được một câu trả lời đơn giản", chẳng hạn như "bạn có đồng ý không?", "có, tôi đồng ý". Chắc chắn, đây cũng không phải là điều bạn mong muốn. Do vậy, hãy để người đối diện mô tả bằng cách sử dụng các câu hỏi mở: "Bạn thấy ý kiến của tôi như thế nào?". Khi sử dụng chiến lược này, nghĩa là họ sẽ phải ngừng lại để suy nghĩ và bạn "sẽ nhận được câu trả lời thú vị hơn trước".

Kỹ năng nói chuyện

5. Thuận theo tự nhiên

Gần như chúng ta đều mắc lỗi này: Khi ai đó đang nói, bạn xuất hiện một ý tưởng hoặc một câu chuyện trong đầu và bạn xen vào hoặc, trong một số trường hợp, chờ (một cách thiếu kiên nhẫn) cho đến khi người khác nói xong và nói.

Theo Celeste, trong các cuộc phỏng vấn, khách mời thường nói một vài phút rồi mới tới lượt người dẫn chương trình đặt câu hỏi và dường như, câu hỏi chẳng ăn nhập gì với câu trả lời hoặc đã được trả lời trước đó. Điều này có nghĩa là người dẫn có lẽ đã ngừng nghe trong vài phút vì chợt nghĩ đến một câu hỏi khác (thông minh hơn) và anh ta nhất quyết phải hỏi. "Bạn cũng hãy làm như vậy".

6. Nếu không biết, hãy nói "tôi không biết"

Không có gì tệ hơn khi bị phát hiện là đang nói dối và việc thừa nhận rằng bạn không biết gì đó chẳng hề khiến bạn trở nên ngốc nghếch đâu. Ngược lại, nó còn làm cho bạn trở nên trung thực hơn trong mắt người đối diện.

"Hãy làm như vậy. Hãy đặc biệt cẩn trọng. Đừng nói những điều kém chất lượng".

7. Đừng đánh đồng trải nghiệm của bạn với người khác

Chúng ta có thể trải qua rất nhiều chuyện giống nhau với người thân hoặc bạn bè nhưng chúng chẳng liên quan gì tới những người xung quanh cả. Đó là lý do vì sao cùng một sự kiện nhưng với mỗi người, kết quả lại khác biệt.

Kỹ năng lắng nghe

Nếu họ đang nói về rắc rối trong công việc của họ, đừng kể với họ là bạn ghét công việc hay thể hiện niềm đam mê của bạn ra. Không hề giống nhau một chút nào cả. Đừng tận dụng giây phút đó để thể hiện bạn là một người lạc quan hay giỏi chịu đựng. "Có lần ai đó hỏi Stephen Hawking chỉ số IQ của ông, ông trả lời "Tôi không biết. Ai khoác lác chỉ số IQ chỉ là kẻ thất bại".

8. Đừng nhắc lại lời đã nói

Lý do rất đơn giản: Nhàm chán. Nó chỉ càng khiến người nghe cảm thấy như thể bạn tự cho mình là người trung tâm có thể quên đi điều mà bạn đã nói với họ trước đó.

"Đặc biệt là khi nói chuyện ở chỗ làm, hoặc khi trò chuyện với bọn trẻ, khi cần nói điều gì đó, chúng ta cứ nhai đi nhai lại một điệp khúc. Đừng làm như thế".

9. Đừng lan man

Celeste gọi điều này là "hãy loại bỏ cỏ dại". Bạn trình bày vấn đề một cách chi tiết cũng tốt nhưng chỉ khi có lợi cho người nghe thì hãy làm như vậy. "Người ta không quan tâm đến số năm, tên gọi, ngày tháng, những thông tin kiểu như vậy mà bạn đang cố nặn óc ra để nhớ".

Trò chuyện

Stephen Covey từng nói một câu rất hay. "Hầu hết chúng ta không lắng nghe với ý định thấu hiểu, mà chúng ta lắng nghe với ý định trả lời."

10. Hãy ngắn gọn

Không ai thích dành hàng giờ để trò chuyện về một chủ đề nhàm chán cả. Và bây giờ, cũng không mấy ai thích những người chỉ "buôn chuyện" cả. Celeste nhấn mạnh: "Một cuộc trò chuyện tốt cũng giống như một chiếc váy ngắn; ngắn, đủ để gây hứng thú, nhưng cũng đủ dài để bao trùm các chủ đề".

Video "10 cách để có một cuộc trò chuyện thú vị hơn" - Celeste Headlee

Thứ Tư, 08/06/2016 19:49
51 👨 5.135
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng sống