Nhìn lại Windows CE - Một phiên bản Windows đặc biệt

Microsoft lần đầu tiên phát hành Windows CE vào tháng 11 năm 1996 dưới dạng một phiên bản Windows mới mang trên mình những điểm đặc biệt chưa từng có.

Được thiết kế để chạy tên những chiếc máy tính cầm tay nhỏ gọn, Windows CE đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mang giao diện Windows 95 thân thiện với người dùng lên máy tính di động. Kiến trúc của nó cũng được coi là nền tảng cho sự phát triển của các sản phẩm điện thoại di động và điện thoại thông minh sau này của Microsoft.

Một phiên bản Windows nhỏ gọn, di động

Sự ra đời của Windows CE là hoàn toàn cần thiết và quan trọng lúc bấy giờ. Nguyên nhân bởi các phiên bản Windows đầy đủ dành cho máy tính để bàn, khi đó hầu hết được gắn với kiến trúc CPU Intel x86, vốn không thực tế để chạy trên các thiết bị cầm tay, bỏ túi nhỏ gọn vào thời điểm đó.

Có thể nói Windows CE đại diện cho một làn gió mới mang trên mình sự khác biệt rõ rệt so với những người anh trong gia đình hệ điều hành máy tính để bàn của nó. Tuy nhiên, Windows CE lại không thể chạy các chương trình được thiết kế cho Windows 95 hoặc Windows NT.

Windows HandHeld PC 2000, dựa trên Windows CE 3.0.
Windows HandHeld PC 2000, dựa trên Windows CE 3.0.

Thiết kế của Windows CE hướng tới việc sử dụng càng ít năng lượng càng tốt nhằm tối ưu thời lượng pin của thiết bị. Hệ điều hành này cũng có khả năng tương thích với bộ nhớ flash và yêu cầu khá ít dung lượng lưu trữ. Nó cũng giữ lại giao diện đồ họa thân thiện với người dùng (GUI) tương tự như Windows 95, hoàn chỉnh với menu Start và thậm chí là phiên bản tích hợp sẵn của Solitaire.

Windows CE được cài đặt sẵn dưới dạng chương trình cơ sở trên chip ROM được tích hợp trong các thiết bị di động tới từ hàng chục nhà sản xuất khác nhau, bao gồm Compaq, NEC, Hewlett-Packard, LG, v.v. Hầu hết các bản cài đặt Windows CE cũng bao gồm “phiên bản bỏ túi” của các ứng dụng Microsoft Office quan trọng, bao gồm Word, Excel và PowerPoint.

Người dùng có thể đồng bộ hóa tệp của mình với máy tính chạy Windows CE bằng cáp nối tiếp RS-232 hoặc kết nối hồng ngoại với một thiết bị ngoại vi đặc biệt. Sau đó, đồng bộ hóa dựa trên kết nối mạng cũng có thể thực hiện được.

Một số ý kiến suy đoán rằng “CE” trong “Windows CE” ban đầu là viết tắt của “Consumer Electronics” (Điện tử tiêu dùng) hoặc “Compact Edition” (Phiên bản nhỏ gọn), nhưng những cách giải thích này chưa bao giờ được Microsoft chính thức công nhận.

Theo một bài báo trên Tạp chí Kinh doanh Los Angeles năm 1998, Microsoft đã chọn một định nghĩa ngớ ngẩn hơn, nói rằng, "CE không đại diện cho một khái niệm duy nhất, mà là ngụ ý cho một số quy tắc thiết kế Windows CE, bao gồm "Nhỏ gọn, Có thể kết nối, Tương thích cao và Đồng hành”. Cuối cùng,“CE” chỉ đơn giản là “CE”.

Nguồn gốc của Windows CE

Vào đầu những năm 1990, một loại máy tính mới bắt đầu hình thành: Trợ lý kỹ thuật số cá nhân (PDA). Hầu hết các máy PDA đều là những thiết bị bỏ túi, chạy bằng pin với giao diện bút cảm ứng màn hình và RAM hoặc bộ nhớ dựa trên flash.

Như với bất kỳ xu hướng máy tính mới nổi nào, Microsoft luôn muốn trở thành kẻ tiên phong. Tuy nhiên, bộ vi xử lý Intel x86 - yếu tố cần thiết để chạy các phiên bản Windows dành cho máy tính để bàn - lại quá cồng kềnh, nặng nề đối với một thiết bị cầm tay. Vì vậy, Microsoft đã bắt đầu thử nghiệm các giải pháp tiềm năng, với nền tảng là một hệ điều hành hoàn toàn mới có thể hoạt động trên các CPU công suất thấp.

Windows CE 1.0.
Windows CE 1.0.

Windows CE bắt nguồn từ một dự án như vậy, với tên mã là Pegasus. Nó được phát triển vào năm 1995 bởi một nhóm bao gồm thành viên của các dự án hệ điều hành di động trước đó của Microsoft, chẳng hạn như WinPad.

Mục tiêu thiết kế của Pegasus là cung cấp một phiên bản bỏ túi đa luồng 32-bit, đa nhiệm, có khả năng xử lý linh hoạt. Nó phải chạy tốt trên một số kiến trúc bộ xử lý phổ biến lúc bấy giờ, bao gồm SH3, MIPS và sau đó là ARM. Ngoài ra, không giống như hầu hết các PDA vào thời điểm đó, Microsoft ban đầu dự tính Windows CE có thể sử dụng được với bàn phím QWERTY đầy đủ.

Windows CE 1.0 chính thức ra mắt vào ngày 16 tháng 11 năm 1996. Theo tạp chí BYTE số tháng 1 năm 1997, các thiết bị đầu tiên ở Mỹ được cài đặt Windows CE là NEC MobilePro 200, Compaq PC Companion (phiên bản đổi thương hiệu của Casio Cassiopeia A -10, cũng có sẵn tại thời điểm đó), và LG Electronics HPC. Tất cả ba thiết bị này được bán lẻ với giá khoảng 650 USD (khoảng 1.063 đô la Mỹ ngày nay).

Báo chí không đặc biệt dành nhiều sự quan tâm đối với các thiết bị Windows CE 1.0. Đồng thời, một số nhà phê bình khắt khe lại không cho rằng hệ điều hành này có thể đem lại thành công lớn cho Microsoft. Tuy vậy, một lượng người hâm mộ trung thành của Windows CE cũng đã sớm xuất hiện, đặc biệt là đối với loạt máy tính cầm tay được đánh giá rất cao của HP.

HP 320LX (1997), một HPC phổ biến chạy Windows CE 1.0. HP
HP 320LX (1997), một HPC phổ biến chạy Windows CE 1.0. HP

Microsoft tiếp tục cải thiện CE theo thời gian, với một bước nhảy vọt về khả năng từ 1.0 lên 2.x, bao gồm hỗ trợ cho màn hình màu cỡ lớn hơn và kết nối mạng tốt hơn. Điều này đã được cả người tiêu dùng và báo chí lúc đó đón nhận nồng nhiệt.

Bùng nổ thương hiệu Windows CE

Với khởi đầu là một hệ điều hành đơn giản cho máy tính bỏ túi vào năm 1996, Windows CE đã nhanh chóng phân nhánh thành hệ điều hành PDA cho các thiết bị "Pocket PC". Các máy tính bỏ túi này ban đầu chạy Windows CE 2.11, sau đó được chuyển thành hệ điều hành dành cho điện thoại thông minh và nhiều hơn nữa.

Máy tính bỏ túi HP iPaq rx1955 (2007) chạy Windows Mobile 5.0
Máy tính bỏ túi HP iPaq rx1955 (2007) chạy Windows Mobile 5.0

Trên thực tế, sau một vài năm, Microsoft đã ngừng quảng bá thương hiệu Windows CE trên các sản phẩm tiêu dùng của mình. Thay vào đó, công ty ưu tiên những cái tên như Pocket PC 2000 (tháng 4 năm 2000) và Windows Mobile 2003, mặc dù chúng về bản chất vẫn dựa trên nhân Windows CE. Ngay cả Windows Phone 7, được phát hành vào năm 2010, vẫn được phát triển từ Windows CE 6.0.

Sau nhiều năm phát triển, Windows CE thực sự đã trở thành một đại gia đình. Nó bao gồm hơn 24 bản phát hành chính, với nhiều tên thương hiệu có thể hoán đổi hoặc lồng vào nhau dễ gây nhầm lẫn. Có thể kể đến một vài cái tên tiêu biểu như:

  • Pocket PC
  • Windows Mobile Classic
  • Windows SmartPhone
  • Pocket PC Phone Edition
  • Windows Mobile Professional
  • Windows Automotive
  • Windows Phone

Sau tất cả, dòng CE vẫn là một sản phẩm nền tảng của Microsoft. Trong 24 năm qua, Windows CE đã hỗ trợ đắc lực các thiết bị quan trọng như máy ATM, hệ thống giải trí trên ô tô, máy nghe nhạc MP3 Zune và hàng chục trò chơi Sega Dreamcast.

Hiện tại, Windows CE chính thức được gọi là “Windows Embedded Compact”. Bản phát hành cuối cùng của nó (phiên bản 8.0) là vào năm 2013 và nó sẽ được hỗ trợ cho đến năm 2023. Theo thời gian, Microsoft đã không còn dành nhiều sự đầu tư cho Embedded Compact để chuyển trọng tâm sang XP Embedded, tiếp theo là NT Embedded, Windows RT và bây giờ là Windows 10 cho ARM.

Windows CE hỗ trợ hơn 70 trò chơi trên Sega Dreamcast
Windows CE hỗ trợ hơn 70 trò chơi trên Sega Dreamcast

Hiện tại, Windows CE đã không còn được biết đến rộng rãi, nhưng linh hồn của nó sẽ vẫn tiếp tục chảy trong sự phát triển của hệ điều hành di động mang thương hiệu Microsoft.

Thứ Bảy, 13/02/2021 00:12
51 👨 6.156
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Nguyen Minh Trang
    Nguyen Minh Trang

    cảm ơn bài của bạn nhé

    Thích Phản hồi 07/02/21