Menu Tùy chọn Nâng cao (Advanced Options Menu), đôi khi được gọi là Menu Boot, là nơi chứa các công cụ và tùy chọn cấu hình mà bạn có thể sử dụng để khắc phục sự cố hoặc sửa chữa các vấn đề liên quan đến phần mềm trên PC Windows của mình. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách truy cập và sử dụng Menu Boot trên Windows 11.
Vai trò của Menu Boot trên Windows 11
Về cơ bản, Menu Boot sẽ mang đến cho người dùng số tiện ích quan trọng, có thể can thiệp sâu vào trạng thái của hệ điều hành. Chẳng hạn bạn có thể reset PC, khôi phục trạng thái hoạt động trước đó, khởi động vào hệ điều hành khác, sử dụng "Startup Repair" để khắc phục các sự cố khởi động, hay khởi động Windows 11 ở chế độ Safe Mode.
Danh sách các tùy chọn cụ thể bao gồm:
- Startup Repair: Tùy chọn này sẽ cố gắng tự động khắc phục các sự cố khiến Windows 11 khởi động không đúng cách.
- Startup Settings: Startup Settings cho phép bạn thay đổi cách khởi động Windows 11. Bạn có thể thực hiện những tác vụ như bật Safe Mode, gỡ lỗi (debug) hoặc ghi nhật ký khởi động (boot logging), và hơn thế nữa…
- Command Prompt: Tùy chọn Command Prompt hiển thị cửa sổ Command Prompt có thể được sử dụng để chạy các lệnh chẩn đoán hoặc sửa chữa.
- Uninstall Updates: Tùy chọn này sẽ “roll back” các bản cập nhật mới nhất đã cài đặt, bao gồm các phiên bản Windows hoặc cả những bản cập nhật định kỳ.
- UEFI Firmware Settings: Tùy chọn này giúp khởi động lại hệ thống và tự động truy cập vào BIOS/UEFI.
- System Restore: System Restore cho phép bạn sử dụng điểm khôi phục (restore point) đã tạo trước đó để khôi phục PC Windows của mình về trạng thái hoạt động bình thường.
- System Image Recovery: Về cơ bản tương tự như System Restore, nhưng sử dụng System Image thay vì restore point. System Image lớn hơn và hoàn thiện hơn nhiều so với restore point, và bao gồm tất cả các tệp, chương trình cũng như thiết lập cài đặt của bạn trên hệ thống.
Cách truy cập Menu Boot trong Windows 11
Không giống như Windows 10, Windows 11 không hỗ trợ các hệ thống đang chạy BIOS - mà thay vào đó là UEFI. Yêu cầu UEFI đồng nghĩa với việc Menu Boot luôn có thể truy cập được trực tiếp từ bên trong Windows.
Truy cập Menu Boot từ ứng dụng Settings
Trước tiên, hãy mở Menu Start, nhập từ khóa “Settings” vào thanh tìm kiếm, sau đó nhấp vào “Open” hoặc nhấn Enter.
Đảm bảo rằng bạn đang ở trên cửa sổ System. Nếu không, hãy nhấp vào “System” ở góc trên cùng bên trái của cửa sổ Settings. Sau đó cuộn xuống và nhấp vào mục “Recovery”.
Bạn sẽ thấy một phần có tiêu đề “Recovery Options”. Tìm mục “Advanced Startup”, đảm bảo lưu mọi tác vụ đang làm, sau đó nhấp vào “Restart Now”. Bạn có thể nhận được cảnh báo nhanh chóng về công việc chưa được lưu.
Máy tính của bạn sẽ khởi động lại sau một vài giây.
Bằng cách nhấp vào Restart
Nếu bạn không muốn vào ứng dụng Settings và điều hướng qua một số menu phụ, có một cách hiệu quả hơn: Nhấn Shift đồng thời khi nhấp vào tùy chọn Restart.
Trước tiên, nhấp vào nút Start hoặc nhấn phím Windows. Tiếp theo, nhấp vào biểu tượng nguồn, sau đó giữ phím Shift và nhấn vào tùy chọn “Restart”.
Sau khi khởi động lại PC
PC sẽ hiển thị màn hình màu xanh lam với một vài tùy chọn trên đó sau khi bạn nhấp vào “Restart Now” trong menu khôi phục, hoặc nhấn đồng thời Shift và “Restart” nêu trên. Chọn “Troubleshoot” từ các tùy chọn được liệt kê.
Trên màn hình tiếp theo hiện ra, nhấp vào “Advanced Options”, và bạn sẽ được đưa đến menu Advanced Options (Menu Boot).
Tất cả chỉ đơn giản có vậy. Chúc bạn thực hiện thành công!