Để chụp được những bức ảnh đẹp với máy ảnh kỹ thuật số, thách thức đặt ra không phải là ít ngay cả đối với những chuyên gia. Tuy nhiên, bạn cần để ý tới 10 sai lầm thường thấy sau đây để có thể phòng chống những rủi ro "cơ bản".
1. Máy ảnh không có đủ tính năng hay độ phân giải
Trước khi mua một máy ảnh kỹ thuật số, hãy xét tới mục tiêu sử dụng của mình- cả hiện tại và tương lai. Trong trường hợp bạn muốn in ra nhiều tấm ảnh kích cỡ từ 8x10 trở lên, đừng mua về những chiếc máy có độ phân giải thấp. Tương tự, nếu muốn “bổ sung” thêm một đèn flash, máy ảnh phải có sẵn các tính năng hỗ trợ như nút điều khiển và khe cắm mở rộng.
2. Đặt chế độ phân giải thấp
Giải pháp để “nhồi” được nhiều ảnh trong bộ nhớ là đặt chế độ phân giải thấp hơn độ phân giải tuyệt đổi máy có thể cung cấp. Chính lựa chọn này đôi khi lại “giết chết” những cơ hội tuyệt vời- những khoảnh khắc mà bạn muốn ghi lại bằng hình ảnh.
3. Máy đang chụp tự nhiên… hết pin
Máy ảnh kỹ thuật số cần rất nhiều năng lượng. Không có gì thất vọng hơn sau khi đã ngắm nghía kỹ càng và ấn nút chụp rồi… không có gì xảy ra. Chính vì vậy, hãy đảm bảo rằng pin được xạc đầy trước khi bạn muốn có được thật nhiều tấm ảnh.
4. Không còn đủ dung lượng lưu trữ
Hầu hết máy ảnh kỹ thuật số đều hỗ trợ card cắm mở rộng bộ nhớ. Ở đây, bạn phải tính lại nhu cầu sử dụng của mình- đặc biệt là trước các sự kiện quan trọng. Nếu gặp vấn đề về “tài chính”, hãy loại bỏ những bức ảnh đã in hoặc không cần lưu trữ trước mỗi sự kiến “phó nháy” tham gia.
5. Thận trọng trước khi rút thẻ nhớ ra khỏi máy
Chụp một tấm ảnh kích hoạt cả một chuỗi các sự kiện trong máy ảnh số hướng tới kết quả là một tấm ảnh được ghi vào trong thẻ nhớ. Quá trình này có thể kéo dài vài giây- có thể lâu hơn nếu bạn chụp liên tiếp nhiều tấm ảnh. Chính vì vậy, hãy đảm bảo thời gian cần thiết trước khi rút thẻ nhớ ra khỏi máy. Hầu hết các máy ảnh số đều có đèn báo nhấp nháy khi đang “ghi” ảnh, hãy đợi đèn tắt để rút card hoặc an toàn hơn cả là tắt máy trước khi rút card.
6. Không thể đoán trước và khắc phục độ chễ của máy khi chụp
Tin tốt là ngày càng có nhiều máy số có độ nhậy không kém máy cơ- cho phép kích hoạt quá trình ghi ảnh ngay sau khi bạn ấn nút. Tuy nhiên, trên thị trường hiện vẫn còn không ít máy chỉ thực hiện chức năng “chụp” vài giây sau khi bạn ấn nút. Để khắc phục, hãy học cách dự đoán diễn biến sự kiến để có thể ghi lại những hình ảnh “đáng giá”.
7. Chụp hình di chuyển nhanh ở chế độ chụp đơn (single-shot mode)
Mặc định, máy ảnh số của bạn để ở chế độ chụp đơn (single-shot mode): Ảnh chụp được lưu trước khi chụp tiếp ảnh khác. Chế độ này không vấn đề gì tuy nhiên lại gây rắc rối khi bạn chụp chuỗi hình động di chuyển ở tốc độ nhanh- ví dụ một môn thể thao như bóng bàn chẳng hạn. Chính vì vậy, lại một lần nữa hãy kiểm tra cài đặt máy cho phù hợp mục tiêu chụp ở mỗi một sự kiện cụ thể.
8. Hãy học để trở thành một chuyên gia
Nắm vững kỹ năng chụp ảnh là một chuyện, bạn còn phải “thuộc lòng” quy trình xử lý ảnh từ lúc chụp cho tới lúc “úp” vào máy, phân loại, backup ra đĩa CD v.v… Những thao tác này có thể dễ như “ăn kẹo”; Tuy nhiên hãy thực hiện theo đúng quy trình để giảm thiểu những phiền toái có thể làm tiêu phí thời gian, công sức của bạn.
9. Phụ thuộc quá nhiều vào các phần mềm sửa ảnh
Phần mềm đồ hoạ có thể giúp loại bỏ các hiệu ứng ngược sáng, mắt đỏ (red eye), tăng độ tương phản v.v… Tuy nhiên, cũng không thể “thay đổi hoàn toàn” chất lượng của các bức ảnh số. Cụ thể, nếu bạn chụp ảnh ở độ phân giải thấp khó có phần mềm nào có thể “cứu vãn được tình hình”. Hoặc giả có, bạn sẽ phải tốn không ít tiền của hoặc thời gian để vẽ lại toàn bộ những gì đáng ra thuộc phần “chụp” của máy ảnh.
10. Lưu chèn đè ảnh gốc
Bạn đang mày mò áp dụng một số nét chỉnh sửa các tấm ảnh vừa chụp với phần mềm đồ hoạ. Cao hứng với “trình độ” của mình, bạn nhấn Ctrl + S để lưu lại thay đổi- vô tình chèn đè ảnh gốc. Rắc rối phát sinh khi bạn thay đổi sở thích của mình hoặc muốn triển khai các thao tác khác với tấm ảnh gốc đã chụp. Lời khuyên: lưu dự phòng ảnh gốc, tốt nhất là vào đĩa CD.