Bạn thường mở và sử dụng một ứng dụng duy nhất trên điện thoại Android tại một thời điểm. Nhưng bạn có biết cách để tăng đáng kể năng suất bằng đa nhiệm không?
Sử dụng một vài thủ thuật và ứng dụng Android bạn có thể mở hai ứng dụng cùng một lúc, chuyển đổi giữa các ứng dụng một cách dễ dàng và thậm chí xem video trong khi làm việc trên các ứng dụng khác. Để thực hiện điều này, chúng ta hãy xem xét nhiều cách để đa nhiệm trên Android dưới đây nhé.
1. Phím tắt chuyển đổi gốc của Android
Android 7.0 Nougat trở lên có một phím tắt tiện dụng để chuyển đổi tức thời giữa các ứng dụng hiện tại và ứng dụng được sử dụng cuối cùng. Để sử dụng nó, chỉ cần chạm đúp vào nút Recents hình vuông (nút kéo lên tất cả các ứng dụng đang hoạt động) trên thanh điều hướng. Sử dụng phím tắt này một lần để quay lại ứng dụng lần cuối bạn đã mở, nhấn một lần nữa để trở lại ứng dụng ban đầu.
Nếu chạy Android 9.0 Pie trở lên, bạn sẽ không có các nút điều hướng cũ hơn ở cuối màn hình mà thay vào đó bạn cần sử dụng nút home hình viên thuốc để chuyển đổi ứng dụng. Những cử chỉ này chỉ là một trong những tính năng mới của Android Pie.
Một điều cần lưu ý là mặc dù đây là chức năng Android gốc nhưng nó có thể không có trên điện thoại của bạn (hoặc có thể ở dạng khác) tùy thuộc vào nhà sản xuất.
2. Chế độ chia đôi màn hình
Android cũng có tùy chọn nhiều cửa sổ để chạy hai ứng dụng song song. Chẳng hạn, bạn có thể mở một tài liệu trong Google Docs ở nửa dưới màn hình với cửa sổ Google Search ở nửa còn lại để tìm kiếm.
Ngoài ra, Android cho phép bạn kéo văn bản từ ứng dụng này sang ứng dụng khác trong chế độ chia đôi màn hình. Bạn thậm chí có thể điều chỉnh kích thước cửa sổ tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Hầu như mọi ứng dụng chính đều hỗ trợ đa cửa sổ trên Android như Netflix, Google Docs, YouTube, Twitter và WhatsApp.
3. Chế độ Picture-in-Picture
Một tính năng đa nhiệm tích hợp thông minh khác của Android là chế độ Picture-in-picture (PiP). Điều này cho phép bạn xem video trong một cửa sổ nổi, có thể kéo.
Chế độ này rất thuận tiện, bạn có thể tra cứu nhà hàng trong khi gọi video chat với bạn bè hoặc có thể xem video YouTube và duyệt Reddit cùng một lúc. Chế độ xem Picture-in-picture khả dụng trên một số ứng dụng video như YouTube, Netflix và VLC.
Tuy nhiên, chế độ Picture-in-picture của Android không giới hạn ở các ứng dụng phát trực tuyến, PiP hoạt động để điều hướng Google Maps, trò chuyện video Google Duo và hơn thế nữa.
Để chuyển sang chế độ Picture-in-picture, chỉ cần chạm vào nút home trong khi nội dung đang phát và ứng dụng sẽ tự động thu nhỏ vào một cửa sổ nhỏ. Bạn không cần phải tự chuyển đổi bất kỳ cài đặt nào để hoạt động. Picture-in-picture chỉ hỗ trợ trên Android 8.0 Oreo trở lên.
4. Lynket Browser
Lynket Browser cố gắng khắc phục chức năng tùy chỉnh tab tệ hại của Android bằng cách chuyển tiếp trang web đến một ứng dụng riêng biệt. Tuy nhiên, lý do chúng ta đề cập nó ở đây vì tính đa nhiệm của ứng dụng.
Lynket có thể tải trang web trong nền và thêm chúng như một bong bóng nổi trên màn hình. Bạn có thể ngay lập tức mở nó hoặc để chúng đó và xem sau.
Ứng dụng cho phép bạn khởi chạy nhiều liên kết dưới dạng bong bóng nổi để thực hiện đa nhiệm giữa trình duyệt và các ứng dụng khác một cách dễ dàng.
5. Split Screen Launcher
Ứng dụng này tăng cường cho tiện ích chia đôi màn hình của Android bằng cách thêm một tính năng thiếu chính.
Với Split Screen Launcher, bạn có thể tạo phím tắt cho các kết hợp chia đôi màn hình thường xuyên sử dụng. Nếu thường xuyên sử dụng YouTube và Twitter trong chế độ đa cửa sổ, bạn có thể biến nó thành phím tắt màn hình chính để mở chế độ chia đôi màn hình với hai ứng dụng này trong nháy mắt.
Split Screen Launcher có giao diện đơn giản. Để định cấu hình phím tắt mới, chạm vào nút Create Shortcut trên ứng dụng, chỉ định ứng dụng nào ở trên, ứng dụng nào ở dưới và nhấn vào Save. Trong lời nhắc, nhấn và kéo để đặt phím tắt mới trên màn hình chính.
6. Taskbar
Taskbar là công cụ đa nhiệm tối ưu cho điện thoại Android. Về cơ bản, nó ghim một thanh tác vụ giống như máy tính để bàn ở cuối màn hình điện thoại. Ở góc bên trái thanh,bạn sẽ thấy một menu gần giống menu Start để truy cập các ứng dụng đã cài đặt. Ở bên phải, nó chứa các ứng dụng thường xuyên sử dụng.
Vì nó có thể truy cập ở mọi nơi, nên bạn có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các ứng dụng và bỏ qua nút điều hướng Recents. Ngoài ra, Taskbar có thể chứa nhiều widget bạn thích.
Để tránh cản trở tầm nhìn của bạn khi không sử dụng nó, Taskbar tự động ẩn dưới nút mũi tên. Bạn có thể đặt lại ví trí của nó như để sang bên cạnh phải hoặc trái và thay đổi hướng của nó.
Trên Android 7.0 trở lên, Taskbar thậm chí có thể khởi chạy ứng dụng trong các cửa sổ dạng tự do để thực sự biến điện thoại của bạn thành máy trạm di động. Tuy nhiên, chức năng này chỉ có thể thông qua lệnh ADB. Khi đã thiết lập ADB trên máy tính, hãy đi tới tab Freeform của Taskbar và làm theo các hướng dẫn trên màn hình.
7. Edge Screen
Edge Screen tận dụng các cạnh của điện thoại bằng cách thêm các bảng điều khiển có thể thu vào. Chúng cho phép bạn truy cập nhanh vào ứng dụng, danh bạ, cài đặt, shortcut điều hướng, v.v…
Bạn có thể triệu tập Edge Screen bằng cách kéo thanh bên và tiếp tục vuốt để xoay vòng qua các bảng. Ngoài ra, Edge Screen có nhiều ứng dụng nhỏ như điều khiển phát nhạc, máy tính, lịch, ghi âm.
8. Floating Bar V40
Bạn có thể nghĩ ứng dụng này như sự thay thế ít gây khó chịu hơn cho Edge Screen vì tính năng tương tự nhau. Floating Bar V40 cho phép bạn truy cập các ứng dụng, danh bạ, hành động nhanh và các mục khác mà không cần rời khỏi hoạt động hiện tại.
Nhưng thay vì chiếm một nửa màn hình, Floating Bar V40 hiện diện trong một thanh nổi nhỏ, có thể thu vào. Giống như Edge Screen, nó có thể vuốt và chứa một số widget cũng như các bộ sưu tập.
Những ứng dụng này sẽ giúp bạn thoải mái đa nhiệm trên điện thoại Android theo nhiều cách khác nhau. Bây giờ ngay cả khi đang di chuyển, bạn có thể hoàn thành công việc hiệu quả hơn, chuyển đổi ứng dụng ngay lập tức và chạy các ứng dụng song song.