Có rất nhiều tiêu chuẩn màn hình khác nhau, nhưng khi nói đến máy tính, hai tiêu chuẩn được sử dụng nhiều nhất là HDMI và DisplayPort. Cả hai đều có kích thước rất giống nhau và hầu hết các card đồ họa và màn hình thậm chí còn đi kèm luôn với cả hai cổng. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều sự khác biệt khi phân biệt cả hai đầu nối này - không chỉ về mặt thẩm mỹ mà còn về mặt chức năng. Cả hai tùy chọn này có nhiều điểm chung hơn bạn nghĩ và nhiều điểm khác biệt hơn những gì mắt thường có thể nhận biết.
Dưới đây là những khác biệt cơ bản nhất giữa cả hai công nghệ và tại sao chuyển đổi DisplayPort sang HDMI không giống với chuyển đổi HDMI sang DisplayPort.
Tại sao lại có khác biệt giữa chuyển đổi HDMI sang DisplayPort và DisplayPort sang HDMI?
HDMI lần đầu tiên được tạo ra vào năm 2002 bởi một tập đoàn gồm 7 công ty để bắt đầu chuyển đổi tín hiệu video từ analog sang kỹ thuật số. Mục đích của HDMI là thay thế những dây cáp Component và DVI lộn xộn bằng thứ gì đó có thể truyền tải âm thanh và video kỹ thuật số một cách đơn giản. Ý tưởng này rất hay, và mặc dù mọi thứ ban đầu hơi lộn xộn, nhưng cuối cùng, HDMI đã có mặt trên hàng tỷ thiết bị và nó vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.
Trong khi HDMI tìm đường đến với các máy tính, thì một thứ khác cũng đang được sản xuất. DisplayPort là một interface kỹ thuật số được xây dựng từ đầu với máy tính. Phiên bản đầu tiên của interface này được phát hành vào năm 2006 và kể từ đó đã có mặt trên hàng triệu máy tính trên toàn thế giới. Nó cũng thường được ưa thích hơn HDMI cho các kết nối máy tính. Có nhiều lý do và bài viết sẽ không đi sâu vào vấn đề đó. Nếu quan tâm, bạn có thể tham khảo bài viết: Phân biệt DisplayPort và HDMI để biết thêm chi tiết..
Điều quan trọng ở đây là HDMI là một interface dùng được cho nhiều mục đích khác nhau, trong khi DisplayPort có ý nghĩa đối với máy tính hơn bất cứ thứ gì.
DisplayPort Dual Mode tạo nên tất cả sự khác biệt
Trong số những điểm khác biệt chính giữa HDMI và DisplayPort, có một điểm đặc biệt mà ta cần quan tâm: DisplayPort Dual Mode. Công nghệ này, còn được gọi là đa chế độ hoặc DP++, được trang bị trên hầu hết các thiết bị DisplayPort hiện đại và cho phép việc chuyển đổi tín hiệu được thực hiện trên thiết bị trước khi xuất ra. Điều này có nghĩa là nếu bạn muốn cắm màn hình HDMI vào máy tính DisplayPort, nó sẽ tìm và xuất tín hiệu HDMI trực tiếp.
Điều này có nghĩa là thiết bị DisplayPort có thể dễ dàng hoạt động với màn hình HDMI và DVI bằng cách sử dụng bộ chuyển đổi thụ động, chuyển đổi phích cắm này sang phích cắm khác mà không cần bất kỳ quá trình chuyển đổi tín hiệu nào. Chỉ cần cắm đầu nối thụ động và cáp HDMI là bạn sẽ có tín hiệu HDMI nguyên gốc, rõ ràng phát ra từ PC của mình.
Trong khi đó, HDMI không có một cái gì đó giống như Dual Mode. Cổng HDMI là phi logic và thiết bị đầu ra không thể xuất bất kỳ thứ gì không phải là tín hiệu HDMI. Điều này có nghĩa là nếu bạn muốn đưa tín hiệu HDMI đến màn hình DisplayPort, bạn sẽ phải sử dụng một bộ chuyển đổi chủ động - một bộ chuyển đổi lấy tín hiệu HDMI ra khỏi đầu ra, chuyển đổi nó và truyền nó đến màn hình của bạn ở dạng tín hiệu phù hợp với DisplayPort. Bộ chuyển đổi chủ động đắt hơn đáng kể so với bộ chuyển đổi thụ động, vì chúng yêu cầu logic để nhận tín hiệu và chuyển đổi nó sang một tín hiệu hoàn toàn khác.
Liệu có sự khác biệt nào không?
Trong quá trình sử dụng hàng ngày, không thực sự có sự khác biệt nào. Nếu bạn có bộ chuyển đổi HDMI sang DisplayPort đang hoạt động tốt, bạn sẽ không nhận thấy sự khác biệt ngay cả với tín hiệu gốc. Điểm mấu chốt ở đây là đừng tiết kiệm vì “của rẻ là của ôi”. Ngược lại, các bộ chuyển đổi DisplayPort sang HDMI thụ động hoạt động khá hoàn hảo, do tín hiệu giống như tín hiệu gốc.
Nếu bạn có quyền lựa chọn, tốt hơn là sử dụng DisplayPort. Nhưng nếu HDMI là tất cả những gì bạn có, mọi thứ sẽ ổn miễn là bạn có một bộ chuyển đổi tốt.