Những tiêu chí khi chọn mua thẻ nhớ SD

Thẻ kỹ thuật số an toàn (Secure Digital - SD) là loại thẻ nhớ được sử dụng trong máy ảnh kỹ thuật số, máy nghe nhạc, điện thoại thông minh, máy tính bảng và thậm chí cả máy tính xách tay. Nhưng không phải tất cả thẻ SD đều giống nhau. Bạn sẽ thấy người ta chia chúng ra theo từng lớp tốc độ, kích thước vật lý và dung lượng để phù hợp với từng mức giá và đối tượng người dùng.

Một số thiết bị (ví dụ như máy ảnh) có thể yêu cầu sử dụng thẻ SD làm khu vực lưu trữ chính của chúng. Các thiết bị khác (có thể kể đến như điện thoại thông minh, máy tính bảng và thậm chí cả máy tính) thường có bộ nhớ tích hợp sẵn, chúng chỉ đơn giản là hỗ trợ khả năng sử dụng thẻ SD để tăng cường thêm cho dung lượng lưu trữ sẵn có hoặc làm cho chúng trở lên di động hơn mà thôi. Tuy nhiên, các thiết bị khác nhau sẽ yêu cầu các loại thẻ SD khác nhau.

Trong số các loại thẻ nhớ hiện nay, thẻ SD đã nổi lên và trở thành định dạng lưu trữ dữ liệu phổ thông nhất, nhưng không đơn giản chỉ có vậy. Điều làm nên sự khác biệt ở mỗi chiếc thẻ SD là những đặc điểm riêng về hình dáng, dung lượng và tốc độ đọc/ghi. Do vậy, việc chọn một chiếc thẻ SD phù hợp với bản thân có thể khiến cho bạn lúng túng nếu không tìm hiểu thật kĩ về loại thẻ nhớ này. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết cách phân biệt và chọn mua các loại thẻ SD phù hợp.

Phân loại về tốc độ

Không phải tất cả các thẻ SD đều có tốc độ đọc, ghi như nhau. Điều này còn phụ thuộc vào mục đích sử dụng của những chiếc thể SD. Ví dụ, nếu bạn là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp ảnh nhanh, liên tiếp trên máy ảnh DSLR và lưu chúng ở định dạng RAW có độ phân giải cao, bạn sẽ cần đến những chiếc thẻ SD có tốc độ cao để máy ảnh của bạn có thể lưu ảnh nhanh nhất có thể. Thẻ SD có tốc độ đọc/ghi nhanh cũng rất quan trọng khi bạn muốn quay video có độ phân giải cao và lưu trực tiếp vào thẻ SD. Còn nếu bạn chỉ chụp một vài hình ảnh trên máy ảnh thông thường hoặc sử dụng thẻ SD để lưu một tập tin media trên điện thoại thông minh chẳng hạn, lúc này tốc độ không phải là vấn đề quá quan trọng.

Tuy không cung cấp cho những người ngoại đạo một tiêu chuẩn chính xác về tốc độ của thẻ SD, hiệp hội thẻ SD (SD Association - Hiệp hội sáng chế ra công nghệ thẻ SD) đã cung cấp một số chỉ dẫn sơ lược quy định loại thẻ nào được sử dụng cho những trường hợp nào.

Có bốn lớp tốc độ khác nhau của các thẻ SD, đó là 10, 6, 4 và 2. Lớp 10 là nhanh nhất, thích hợp cho quay video từ full HD cho đến 4k. Lớp 2 là chậm nhất, phù hợp khi quay video với độ nét tiêu chuẩn. Ngoài ra, các lớp 4 và 6 cũng đều được coi là thích hợp cho việc ghi video độ nét cao. Tuy nhiên giống như tốc độ thẻ, khái niệm này cũng được định nghĩa khá lỏng lẻo. Các lớp tốc độ khác nhau cũng vẫn có khoảng chêch lệch tốc độ khác nhau, điều này phụ thuộc vào cách mà từng nhà sản xuất quy định. Chẳng hạn, theo Sandisk, thẻ Class 4 cho tốc độ đọc/ghi khoảng 15Mb/s, Class 6 có tốc độ 20Mb/s, trong khi Class 10 có thể đạt tốc độ 30 Mb/s. Trong khi đó, theo quy định của Kingston thì thẻ Class 4 có khả năng chuyển dữ liệu với tốc độ khoảng 4 Mb/s, thẻ Class 6 - 15Mb/s, và thẻ Class 10 - 40Mb/s.

Ngoài ra còn có hai lớp tốc độ siêu cao (UHS) là 1 và 3, nhưng chúng đắt hơn và chỉ được thiết kế để phục vụ cho những mục đích sử dụng chuyên nghiệp. Thẻ UHS được thiết kế cho các thiết bị hỗ trợ UHS.

Dưới đây là các biểu tượng về tốc độ giữa các lớp SD, theo thứ tự từ chậm nhất (lớp 2) đến nhanh nhất (lớp UHS 3):

Biểu tượng về tốc độ giữa các lớp SD

Nhìn chung, các thẻ nhớ Class (lớp) 4 và 6 sẽ là đủ nếu bạn chỉ có nhu cầu chụp ảnh trong những chuyến dã ngoại ngắn ngày, hay quay vài đoạn video làm kỉ niệm. Còn nếu bạn có nhu cầu quay phim HD hoặc thường xuyên chụp ảnh có độ phân giải cao với số lượng lớn, hãy mua cho mình một chiếc thẻ SD loại Class 10 thì hợp lý hơn. Các thẻ Class 2 thì đã không còn được nhiều người ưa chuộng nữa do chúng có tốc độ chậm, không đảm bảo cho việc quay một đoạn video HD, chưa kể loại thẻ này có thể còn gây nên nhiều hạn chế về tính năng của thiết bị.

Lớp tốc độ của thẻ SD có thể xác định được thông qua logo của các class được in trên chính thẻ SD đó. Bạn cũng sẽ thấy lớp tốc độ được hiển thị trên thông tin mua hàng hoặc trên bao bì của sản phẩm khi mua. Ví dụ, trong ảnh bên dưới, thẻ SD ở giữa là loại Class 4, trong khi hai thẻ kia là Class 6.

Có thể xác định được thông qua logo

Nếu bạn không thấy biểu tượng lớp tốc độ, rất có thể đó là thẻ SD Class 0. Các thẻ này được thiết kế và sản xuất trước khi hệ thống xếp hạng tốc độ cho thẻ SD được giới thiệu. Tin buồn là chúng có thể còn chậm hơn cả thẻ Class 2.

Kích thước vật lý

Thẻ SD cũng có nhiều kích cỡ khác nhau. Bạn sẽ tìm thấy thẻ SD tiêu chuẩn, thẻ miniSD và thẻ microSD.

Thẻ SD loại tiêu chuẩn có kích thước lớn nhất (mặc dù bạn có thể thấy rằng kích thước này không phải là quá lớn, ít nhất là so với thẻ CompactFlash mà các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thường sử dụng trên những chiếc máy ảnh kỹ thuật số cao cấp) và cũng có lịch sử phát triển lâu đời nhất. Thẻ SD tiêu chuẩn có kích thước 32x24x2.1 mm (dài x rộng x dày), nặng 2 gam và cắt vát ở góc thẻ quen thuộc. Hầu hết các máy ảnh trên thị trường hiện nay đều sử dụng thẻ SD có kích thước tiêu chuẩn.

Thẻ miniSD có kích cỡ nhỏ hơn thẻ SD tiêu chuẩn, kích thước 21.5x20x1.4 mm và chỉ nặng khoảng 0,8 gam. Đây là định dạng thẻ ít được sử dụng nhất hiện nay. Thẻ nhớ miniSD được thiết kế với kích cỡ đặc biệt cho điện thoại di động, nhưng bây giờ chúng ta đã có thẻ microSD thay thế. Thay vì được cắt góc, thẻ miniSD thường được bo tròn ở đầu để giúp người dùng điều hướng dễ dàng khi lắp vào khe cắm.

MicroSD là người em út có hình dáng nhỏ bé nhất trong gia đình thẻ SD với kích thước lần lượt là 15x11x1 mm và chỉ nặng chừng nửa gam. Các thẻ này được sử dụng trong hầu hết các điện thoại di động và điện thoại thông minh có hỗ trợ thẻ SD ngày nay. Chúng cũng được sử dụng trong nhiều thiết bị khác nữa, chẳng hạn như máy tính bảng.

Điều kiện tiên quyết trong việc chọn loại thẻ SD là nó phải phù hợp với thiết bị mà bạn đang dụng. Các loại máy ảnh, máy quay phim, smartphone, máy nghe nhạc… khác nhau sẽ sử dụng thẻ có kích thước khác nhau. Bạn không thể cắm thẻ microSD vào khe cắm thẻ SD tiêu chuẩn. Tuy nhiên, tin tốt là bạn hoàn toàn có thể sử dụng một chiếc adapter, cho phép bạn cắm thẻ SD nhỏ hơn vào biểu mẫu thẻ SD lớn hơn và lắp nó vào khe thích hợp. Ở hình ảnh bên dưới, bạn có thể thấy adapter cho phép bạn sử dụng thẻ microSD trong khe cắm thẻ SD tiêu chuẩn.

Kích thước vật lý

Dung lượng thẻ SD

Cũng giống như USB, ổ đĩa cứng, ổ đĩa thể rắn và các phương tiện lưu trữ khác, các thẻ SD khác nhau cũng có thể có dung lượng lưu trữ khác nhau. Nhưng sự khác biệt về dung lượng giữa các thẻ SD không dừng lại ở đó. Thẻ SD dung lượng chuẩn (SD Standard Capacity - SDSC) có kích thước từ 1MB đến 2GB (và đôi khi còn lên tới 4 GB). Thẻ SD dung lượng cao (SD High Capacity - SDHC) được tạo ra sau này và cho phép thẻ SD có thể có dung lượng từ 2GB đến 32GB. Loại thẻ có dung lượng lớn nhất là SDXC (Secure Digital Extended Capacity), có dung lượng về mặt lý thuyết giao động trong khoảng 64GB đến 2TB. (Tuy nhiên, thực tế hiện nay không có loại thẻ nào đạt tới dung lượng này, thẻ có dung lượng lớn nhất chỉ là 128GB).

Dung lượng

Để sử dụng thẻ SDHC hoặc SDXC, bạn cần đảm bảo thiết bị của mình hỗ trợ các tiêu chuẩn đó. Tại thời điểm này, phần lớn các thiết bị đều hỗ trợ SDHC. Trong thực tế, các thẻ SD bạn có có lẽ đều là thẻ SDHC. Còn SDXC thì mới hơn và do đó, ít phổ biến hơn.

Nhiều người cho rằng thẻ có dung lượng càng lớn thì càng tốt, cũng có phần đúng, nhưng không hoàn toàn bởi bạn cần phải chắc chắn rằng thiết bị của mình có thể tương thích với những chiếc thẻ dung lượng lớn như vậy hay không. Chẳng hạn, các dòng máy ảnh đời cũ chỉ có thể đọc thẻ SD mà không tương thích với thẻ SDHC.

Tổng kết

Khi chọn mua thẻ SD, bạn sẽ cần phải tham khảo các yếu tố về tốc độ đọc/ghi, kích thước và dung lượng sao cho phù hợp với nhu cầu của mình. Cũng đừng quên kiểm tra xem thiết bị của bạn hỗ trợ loại thẻ nhớ đó hay không.

Chúc các bạn chọn được cho mình những chiếc thẻ SD phù hợp!

Xem thêm:

Thứ Năm, 11/10/2018 16:50
52 👨 1.648
0 Bình luận
Sắp xếp theo