Từ "Internet" giờ đây đã trở nên quen thuộc ngay với cả... nông dân. Internet kết nối toàn bộ thế giới máy tính. Hàng ngày, có thêm hàng nghìn người dùng mới kết nối vào Internet. Các công ty sử dụng Internet để kinh doanh, quảng cáo và thực hiện các dịch vụ thương mại khác. Internet phát triển như bão tố và "nuốt chửng" những mạng "anh em" với nó.
Các mạng khác nhau có thể liên lạc với nhau nhờ truyền các gói thông tin qua thiết bị gateway hay router. Nhờ có gateway và router, người dùng ở một mạng có thể nhận được thông tin, nguồn, liên hệ với người dùng ở mạng khác. Nếu một mạng khi kết nối với một mạng khác mà đánh mất cái riêng của mình thì có thể nói mạng đó bị "chết" (có nhiều cái chết như vậy khi một số mạng kết nối với Internet). Rất may là vẫn còn nhiều mạng không "hoà tan" với Internet. Chúng tồn tại, phát triển và chưa muốn chia tay với những người dùng của mình.
BITNET
Ra đời năm 1981, quê hương của Bitnet cũng như nhiều mạng khác là nước Mỹ. Bitnet là mạng liên kết các trường đại học và cao đẳng của nước. Mạng được tạo ra để các nhà bác học trao đổi kinh nghiệm và giống như một cuốn bách khoa toàn thư lớn. Vài năm trước mạng hoạt động tốt trên 52 nước và có 1,5 triệu người dùng đăng ký. Để truyền dữ liệu, Bitnet dùng bộ giao thức (protocol) khác với của Internet hay Usenet. Protocol Bitnet đã cũ và chỉ cho phép tốc độ truyền 9600 bit/giây. Kiểm soát Bitnet là Corporation for Research and Educational Networking (CREN). CREN được biết đến như một mạnh thường quân (576 thành viên ở Mỹ và Mexico, trong số đó có các trường đại học, cao đẳng, phòng thí nghiệm, trường tiểu học, trung học và các trường công lập), hỗ trợ tất cả các tổ chức giáo dục, khoa học, nghiên cứu trên toàn thế giới.
Có thể gửi gì trong Bitnet? Qua Bitnet có thể gửi thư điện tử và tin nhắn tới các mailling list khác nhau. Ngoài ra còn có thể gửi văn bản và chương trình giữa các tổ chức giáo dục. Có khoảng ba nghìn nhóm thảo luận khác nhau phân chia theo các vấn đề khoa học (Toán, Lý, Hoá...). Bitnet có liên kết với nhiều mạng khác trong đó có Internet. Có thể gửi tin nhắn cho người dùng Bitnet từ Internet mà không gặp khó khăn gì. Địa chỉ có dạng tên_người_dùng@host.bitnet. Không phải tất cả các máy chủ thư điện tử (mail server) đều "hiểu" tên miền (domain) .bitnet, trong trường hợp này cần chỉ ra cổng vào bitnet (gateway), ví dụ tên_người_dùng%host.bitnet@cunyvm.cuny.edu.
Liệu có tương lai cho Bitnet hay không? Khó có thể trả lời câu hỏi này. Vào năm 1989, Bitnet có quyết định tổ chức lại hệ thống mạng. Mỗi khu vực có một nút chính riêng. Một phần lưu lượng được đưa lên TCP/IP để tăng tốc độ truyền dữ liệu. Tốc độ phát triển chậm của Bitnet là do điểm đặc biệt của nó. Tuy nhiên cũng nhờ điểm đặc biệt đó mà mạng có được sức sống. Thông tin về Bitnet có ở website http://www.bitnet.cx/.
SPRINTNET
Quê hương của SprintNet cũng là Mỹ. SprintNet được phát triển từ Telenet. Đây là một kế hoạch thương mại. Chủ nhân của nó là các công ty truyền thông lớn của Mỹ UTI và GTE.
SprintNet có thể cung cấp gì cho người dùng? Trước hết là hộp thư điện tử chất lượng và thuận tiện, làm việc vào mọi thời gian; hỗ trợ gửi tệp tin bất kỳ. Tin nhắn sẽ có ngay trong hộp thư người nhận sau khi gửi. Protocol cơ bản để trao đổi tin nhắn là X.400 (tiêu chuẩn của thế giới) tương thích với các hệ thống thư điện tử khác (Yahoo!...). Người dùng Internet và SprintNet có thể gửi thư cho nhau. Để có thể gửi thư vào SprintNet bạn cần biết một số quy định. Hãy bắt đầu với những điều sơ đẳng. Cấu trúc địa chỉ trong SprintMail như sau:
/G=Thinh/S=Phan/O=IBM/ADMD=TELEMAIL/C=US/
Tham số đầu tiên là tên, thứ hai là họ, thứ ba là tổ chức, thứ tư là domain quản lý người dùng, cuối cùng là quốc gia. Cho phép gộp họ và tên với nhau, phân cách bởi dấu chấm, khi đó địa chỉ có dạng sau:
/PN=Thinh.Phan/O=IBM/ADMD=TELEMAIL/C=US/
Nếu bạn gửi thư trong phạm vi SprintMail thì chỉ cần xác định tên đầy đủ và tên tổ chức. Rất thuận tiện phải không! Chỉ cần biết tên người dùng và chỗ làm việc là bạn có thể gửi thư điện tử cho người đó. Tất nhiên là người đó cũng phải kết nối với SprintMail. Trong trường hợp gửi thư từ Internet vào SprintNet, chỉ cần thêm vào địa chỉ SprintMail đầy đủ nói trên thành phần quen thuộc @sprint.com. Ví dụ: /PN=Thinh.Phan/O=IBM/ADMD=TELEMAIL/C=US/@sprint.com
Bạn đừng quên domain quản lý người dùng và quốc gia. Nếu không thư sẽ không tìm thấy người nhận. SprintNet còn cho người dùng cơ hội gửi fax có một không hai. Bạn chỉ cần có máy tính để tạo tin nhắn fax, sau đó kết nối với SprintNet và gửi. Mọi hoạt động để đưa tin nhắn đến máy fax được hệ thống tự động làm tất cả. Ngoài ra SprintNet còn có khả năng gửi tin nhắn telex và teletype. Bảo mật và tính ổn định hệ thống (không có trong Internet) làm cho mạng trở thành công cụ giao dịch giữa các nhà kinh doanh, tổ chức... Chủ nhân của SprintNet rất quan tâm đến việc cải thiện đứa con của mình và liên tục áp dụng các công nghệ mới. Thông tin cụ thể hơn có thể xem ở http://www.sprintlink.net/.
COMPUSERVE
Mạng toàn cầu Compuserve Network ra đời ở Mỹ vào năm 1982 và phát triển rất nhanh. Trong một số thời điểm mạng này "hoà tan" vào Internet (năm 1989). Vào năm 1997, Compuserve có những thay đổi lớn, liên quan đến việc mạng được công ty WorldCom mua. Từ đó, Compuserve trở thành công ty con của AOL. Hiện nay mạng này còn được biết đến như một nhà cung cấp dịch vụ mạng lớn của Mỹ, chiếm lĩnh 150 nước và có 3,4 triệu người dùng. Compuserve có 3000 cơ sở dữ liệu lớn (CSDL), trong đó có các CSDL của các công ty lớn nhất. Về tổ chức, công ty sở hữu mạng đưa ra một số quy định điều chỉnh quan hệ giữa máy người dùng cuối và máy chủ. Mỗi máy tính trong mạng được đánh số. Công ty chủ cung cấp cho người dùng chương trình ứng dụng để có thể làm việc trong mạng. Hệ thống này cho phép dùng các chương trình ứng dụng bên ngoài nhưng cần tuân theo định dạng thông tin chung; tất cả giống với quy định cơ bản của Internet.
Có thể gửi thư cho người dùng Compuserve Network không? Không có gì khó khăn. Địa chỉ trong Compuserve định dạng bởi hai số, phân cách nhau bằng dấu phẩy (,). Như vậy, để gửi thư từ Internet vào mạng này, bạn cần dùng địa chỉ dạng sau: 000.111@compuserve.com. Hãy cẩn thận khi ghi địa chỉ và đừng quên thay dấu phẩy thành dấu chấm. Để kết thúc câu chuyện về Compuserve xin có vài lời về quan hệ giữa AOL và Compuserve: Chủ nhân của Compuserve sử dụng mạng này để thử nghiệm những công nghệ hay kỹ thuật mới rồi sau đó đưa vào Internet. Trang chủ của Compuserve http://www.compuserve.com/.
FIDONET
FidoNet (http://www.fidonet.org) là mạng thông tin không thương mại toàn cầu, mạng cho mọi người và về tất cả. Đây là mạng không có trung tâm, tạo bởi các nút (node) riêng rẽ. Theo truyền thống, các điểm nút FidoNet nối với nhau qua đường dây điện thoại bằng modem, phiên bản mới cho phép kết nối qua Internet.
Hiện nay FidoNet liên kết hơn 13.000 nút trên toàn thế giới, mỗi nút có một địa chỉ riêng duy nhất. Địa chỉ nút gồm 4 phần (4 số): Zone:Net/Node.Point. Zone - số hiệu vùng, Net - số hiệu mạng trong vùng, Node - số hiệu nút, Point - số hiệu điểm cuối point (hay có thể gọi là trạm).
Số hiệu vùng của FidoNet xác định châu lục của nút. FidoNet chia thành sáu vùng: 1- Bắc Mỹ, 2 - châu Âu, 3 - châu Úc và New Zealand, 4 - Trung và Nam Mỹ, 5 - châu Phi, 6 - châu A.
Sau vùng là khu vực (region). Các nước Asean nằm ở khu vực 60 (viết tắt là R60). Bạn nên nhớ là số hiệu này chỉ có trong địa chỉ mạng (NA) nhưng không phải là giá trị đứng độc lập (mà nằm trong Net). Khu vực địa lý chia thành các mạng (Net). Mỗi mạng trong khu vực có một số riêng và có chứa số thứ tự của khu vực. Số của mạng được đưa vào địa chỉ mạng với 2 chữ số đầu tiên chỉ số của khu vực. Ví dụ 2:60506/999.999.
Point chỉ người sử dụng hay hệ thống cuối cùng, nối với nút nhưng nó không phải là thành viên chính thức của FidoNet. Mọi hoạt động của point được điều khiển và kiểm tra bởi nút và thư của point phải qua nút.
INTERNET THẾ HÊ MỚI
Hai kế hoạch cải tổ Internet lớn nhất là Internet 2 và Next Generation Internet đều sinh ra ở Mỹ giống như chính Internet. Internet 2 (http://www.internet2.org) là kế hoạch của 200 trường đại học, có mục đích và nhiệm vụ chính là áp dụng các công nghệ và ứng dụng mạng mới, nâng cao vai trò của khoa học và giáo dục. Trên Internet đã có lời đồn về việc triển khai Internet 2 trên diện rộng. Tuy nhiên kế hoạch vẫn chưa thoát ra khỏi khung cửa phòng thí nghiệm. Số phận tương tự cũng đến với mạng Internet thế hệ mới Next Generation Internet (http://www.ngi.gov/). Từ năm 1996, chính quyền Mỹ đã thông báo hỗ trợ kế hoạch xây dựng Internet thế hệ mới. Kế hoạch mang tính khoa học và tính toàn cầu. Tuy nhiên công việc tiến triển chậm.
Trao đổi tin nhắn giữa các nút thực chất là truyền và nhận tệp tin ở định dạng xác định tương ứng với protocol. Một trong những ưu điểm của FidoNet là miễn phí cho các thành viên. Là thành viên, bạn chỉ phải trả cước điện thoại chứ không phải trả cho số MB thông tin đã truyền.
Bài viết này không liệt kê hết tất cả các mạng, tuy nhiên, thông tin ở đây cho bạn biết ngoài Internet, còn có những mạng máy tính khác. Bạn có thể yên tâm là tình trạng "đa mạng" sẽ còn tiếp tục lâu dài, vì đứng sau phần lớn các mạng thương mại là các tổ chức, công ty lớn. Câu hỏi tự nhiên là tại sao các công ty này lại không chọn Internet? Câu trả lời hết sức đơn giản: Họ cần sự bảo mật và một số dịch vụ nhất định mà Internet không thể đáp ứng.