Bạn có thể “rước” virus về máy tính qua trình duyệt vì những plugin không an toàn, sử dụng phiên bản trình duyệt đã lỗi thời, tải về file tự động download… Vậy làm cách nào để phòng tránh?
Plugin trình duyệt không an toàn
Hầu hết những trường hợp bị nhiễm virus qua trình duyệt là vì plugin không an toàn. Plugin Java của Oracle là thủ phạm nguy hiểm nhất. Mới đây, máy tính nội bộ của Apple và Facebook đã bị tấn công vì họ truy cập những website có ứng dụng Java chứa mã độc. Có thể plugin Java của họ hoàn toàn cập nhật, nhưng ngay cả phiên bản Java mới nhất vẫn chứa những lỗ hổng bảo mật chưa được vá.
Để bảo vệ bản thân, bạn nên gỡ bỏ Java hoàn toàn. Nếu bắt buộc phải dùng ứng dụng Java trên desktop, ít nhất bạn nên tắt plugin Java của trình duyệt.
Những plugin trình duyệt khác, đặc biệt là Flash player và PDF reader, cũng thường xuyên phải vá lỗ hổng bảo mật. So với Oracle, Adobe thường phản hồi và vá lỗ hổng plugin tốt hơn, nhưng thỉnh thoảng lại xuất hiện lỗ hổng Flash mới đang bị hacker lợi dụng.
Plugin là những đối tượng tấn công béo bở. Lỗ hổng plugin có thể bị lợi dụng trên tất cả các trình duyệt và trên nhiều hệ điều hành khác nhau. Một lỗ hổng plugin Flash có thể bị lợi dụng để khai thác trình duyệt Chrome, Firefox hoặc Internet Explorer trên máy tính chạy hệ điều hành Windows, Linux hoặc Mac.
Để bảo vệ mình trước những lỗ hổng bảo mật plugin, thực hiện các bước sau:
Bước 1: Sử dụng website Firefox’s plugin check để kiểm tra xem có plugin trình duyệt nào chưa được cập nhật hay không (Website này do Mozilla tạo ra, nhưng nó hoạt động với cả Chrome và một số trình duyệt khác).
Bước 2: Ngay lập tức cập nhật những plugin cũ và bật chế độ tự động cập nhật cho mỗi plugin bạn đã cài đặt.
Bước 3: Gỡ bỏ những plugin bạn không sử dụng.
Bước 4: Cân nhắc sử dụng tính năng plugin “click-to-play” trong Chrome hoặc Firefox. Tính năng này ngăn không cho plugin tự động chạy trừ khi bạn yêu cầu bật một plugin cụ thể.
Bước 5: Hãy chắc chắn là máy tính của bạn đã được cài phần mềm diệt virus. Đây là vòng phòng thủ cuối cùng để ngăn những kẻ tấn công cài phần mềm gây hại lên máy tính qua một lỗ hổng “zero-day” trong plugin trình duyệt.
Tránh dùng phiên bản trình duyệt đã lỗi thời
Nếu bạn dùng Internet Explorer 6 (phiên bản này đã cũ và chưa được vá lỗ hổng) để truy cập một website không uy tín, website đó có thể khai thác những lỗ hổng trong trình duyệt để cài đặt phần mềm gây hại lên máy tính.
Để bảo vệ mình trước những lỗ hổng bảo mật của trình duyệt, rất đơn giản:
Thứ nhất, hãy giữ trình duyệt web được cập nhật. Hiện tại, tất cả những trình duyệt lớn đều tự động kiểm tra cập nhật. Hãy bật tính năng auto-update (riêng trình duyệt Internet Explorer cập nhật thông qua Windows Update.)
Thứ hai, hãy đảm bảo là máy tính đã được cài phẩn mềm diệt virus. Giống như với plugin, đây là hàng phòng thủ cuối cùng để ngăn chặn phần mềm độc hại xâm nhập máy tính qua lỗ hổng zero-day trong trình duyệt.
Tấn công kiểu “social engineering”
Những trang web độc hại có thể dùng hình thức tấn công “social engineering” để lừa bạn tải về và khởi chạy phần mềm chứa virus. Tấn công “social engineering” có thể xảy ra trong các trường hợp sau:
1. Lừa người dùng tải về ActiveX Control
Internet Explorer sử dụng ActiveX Control cho plugin trình duyệt. Bất cứ website nào cũng có thể nhắc bạn tải về một ActiveX Control và đôi khi điều này không hề gây hại.
Ví dụ, bạn có thể cần tải về ActiveX control Flash player trong lần đầu tiên mở một video Flash trên trình duyệt. Tuy nhiên, ActiveX control cũng giống như những phần mềm khác, chúng được phép vượt ra khỏi trình duyệt và truy cập phần còn lại của hệ thống máy tính. Chính vì thế, ActiveX Control từ website chứa mã độc sẽ gây nguy hiểm cho máy tính của bạn. Nếu nghi ngờ, đừng chấp nhận chạy bất kỳ ActiveX Control nào.
2. Các file tự động download
Một website độc hại có thể tìm cách tự động tải về một file EXE hoặc những file chứa mã độc khác lên máy tính. Nếu người dùng mở file này ra, máy tính của họ sẽ bị nhiễm virus. Trừ khi có ý định tải về một phần mềm cụ thể, đừng chấp nhận những file tự động xuất hiện và yêu cầu bạn lưu về máy.
3. Các link downdload giả
Trên những website chứa nội dung vi phạm bản quyền, bạn thường thấy nhiều phần quảng cáo bắt chước nút download. Những mẩu quảng cáo đó tìm cách lừa người dùng tải về những nội dung họ không mong muốn. Có nguy cơ rất cao là những đường link dạng này chứa mã độc.
4. “You Need a Plugin to Watch This Video”
Nếu một website hiện thông báo “You Need a Plugin to Watch This Video” (tạm dịch: Bạn cần cài đặt plugin trình duyệt mới để xem video này), hãy cẩn thận. Đôi khi, điều này có thể cần thiết, ví dụ như bạn cần plugin Silverlight của Microsoft để xem video trên Netflix. Nhưng nếu một website không có uy tín yêu cầu bạn mở file EXE để xem video đó, rất có thể chúng đang tìm cách lây virus cho máy tính của bạn.
5. “Your Computer is Infected”
Bạn có thể thấy những đoạn thông báo nói là máy tính đã bị nhiễm virus và khuyên bạn tải về một file EXE để làm sạch virus. Nếu tải về file EXE đó và khởi chạy nó, máy tính của bạn sẽ bị tấn công.