Netbook khó chen chân vào doanh nghiệp

Cả thế giới CNTT đang cuốn theo vòng xoáy của netbook nhưng dòng sản phẩm này không dễ nhảy vào thị trường doanh nghiệp.

Đã hơn một năm nay, những chiếc laptop mini (netbook) với giá thành rẻ, kích thước nhỏ gọn và tiêu thụ ít điện năng đã được các phương tiện truyền thông hết lời ca ngợi. Không chỉ tạo thành một “cơn sốt” hay “hiện tượng của năm”, những tháng vừa qua của năm 2009, netbook đã trở thành một vị cứu tinh cho thị trường máy tính đang “vật vã” vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đó hoàn toàn là những sự thật không thể phủ nhận nhưng với nhóm khách hàng doanh nghiệp, những chiếc netbook vẫn chỉ là một thứ đồ chơi và không thể (hoặc chưa thể) đủ sức để thay thế những cỗ máy tính cồng kềnh, đắt tiền của họ.

Không giống như những ngày đầu ra mắt, những chiếc netbook giờ đây đã có CPU mạnh mẽ hơn rất nhiều, dung lượng lưu trữ thoải mái hơn, các chuẩn kết nối được trang bị đầy đủ hơn và giá thành cũng ngày một rẻ hơn. Cùng với xu thế ảo hóa và sự phát triển của công nghệ điện toán đám mây, có những chuyên gia CNTT đã cho rằng netbook sẽ là động lực chính dẫn đến cuộc cách mạng IT trong khối doanh nghiệp. Điều này đã không thể xảy ra và theo các chuyên gia có 3 nguyên nhân chính.

Microsoft và Intel “cản mũi”

Dù đã có cải tiến tính năng, netbook vẫn chi là laptop thứ hai với doanh nhân.
Nếu đứng trên góc nhìn của các nhà sản xuất, những người hưởng lợi nhiều nhất từ cơn sốt netbook là 2 đại gia đứng đầu ngành CNTT thế giới: Microsoft và Intel. Mới đây, hãng phần mềm Microsoft cho biết, hơn 90% số netbook trên toàn thế giới hiện đang sử dụng hệ điều hành Windows XP của họ còn hãng sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới là Intel cũng không giấu diếm thực tế rằng doanh thu của sản phẩm chip Atom (chuyên dùng cho netbook) đã cứu vớt cho một năm kinh doanh đầy khó khăn. Mặc dù vậy, 2 đại gia này lại là những kẻ cản trở mạnh mẽ nhất sự “tiến hóa” của netbook.

Trong khi cả thế giới mong chờ những chiếc netbook có CPU mạnh mẽ hơn, đủ sức thực hiện những khối lượng công việc đồ sộ mà những chiếc máy tính bàn hay laptop đang thực hiện nhằm tiến tới việc thay thế hoàn toàn các sản phẩm cồng kềnh, nặng nề và tiêu tốn nhiều năng lượng thì Intel vẫn chỉ trung thành với sản phẩm chip Atom giá rẻ và yếu ớt. Intel hoàn toàn có thể cho ra đời những bộ vi xử lý mạnh hơn và nhanh hơn Atom rất nhiều để sử dụng trong netbook nhưng họ đã không làm thế. Vì sao ư? Đơn giản là Intel không muốn có một thế giới “toàn netbook” và khiến cho những dòng sản phẩm khác của họ biến mất. Cả Microsoft và Intel cùng “ngầm” thỏa thuận rằng sẽ chỉ để netbook mãi mãi tồn tại với những khái niệm: Nhỏ và rẻ để tiếp tục duy trì thị phần của những mảng sản phẩm màu mỡ, nhiều lợi nhuận khác.

Yếu ớt và không an toàn

Hệ quả từ sự khống chế của Microsoft và Intel là những chiếc netbook vẫn “hơi thiếu” so với yêu cầu của một người dùng coi netbook là công cụ làm việc chủ yếu và quá yếu ớt so với yêu cầu của nhóm khách hàng doanh nghiệp.

Netbook đã hấp dẫn không ít khách hàng bằng chính kích thước nhỏ gọn của mình nhưng với các nhà quản lý IT trong các doanh nghiệp, đây không hẳn là một ưu điểm. Nhiều vị giám đốc thông tin đã cho rằng, netbook có kích thước nhỏ và tiện lợi cho những doanh nhân hay di chuyển nhưng chúng lại thiếu đi khả năng mã hóa, bảo vệ dữ liệu và sự nhỏ gọn lại vô tình trở thành nhược điểm. Càng nhỏ, netbook càng có nguy cơ bị đánh cắp hoặc thất lạc rất cao và ai cũng có thể tưởng tượng được một doanh nghiệp sẽ thiệt hại nặng thế nào nếu những dữ liệu quan trọng của họ lọt ra ngoài. Chính vì thế, mặc dù đã có rất nhiều những doanh nhân “tậu” netbook nhưng họ đều chỉ coi đây là một thiết bị dự phòng cho những chiếc máy tính để bàn hay laptop.

Tôi không dám chắc về tương lai của netbook nhưng hiện tại tôi có thể cam đoan rằng không một doanh nghiệp nào muốn thay thế những gì họ đang có bằng netbook”, Stephen Laughlin, Giám đốc CNTT của Viện Nghệ thuật truyền hình và Khoa học Hoa Kỳ phát biểu, “Chỉ đến khi nào netbook có khả năng mạnh mẽ hơn, CPU nhanh hơn, ổ cứng, bàn phím và màn hình lớn hơn nữa… may ra chúng mới có thể tính đến chuyện bước chân vào doanh nghiệp”.

Chris Rapp, trợ lý giám đốc công nghệ của ngân hàng Sovereign cũng tán đồng quan điểm đó và coi hiệu năng làm việc và khả năng bảo mật là 2 điểm yếu “chết người” khiến netbook không thể tiến xa hơn. “Chúng tôi sẽ vẫn phải tiếp tục bỏ ra hàng ngàn USD để mua những chiếc laptop cao cấp vì 2 lý do này”, Rapp kết luận.

Thứ Hai, 20/04/2009 10:59
31 👨 322
0 Bình luận
Sắp xếp theo