Laptop rất tuyệt vời về tính linh hoạt và tính di động. Tuy nhiên, bạn không thể nâng cấp chúng và bị mắc kẹt với các thông số kỹ thuật mà nhà sản xuất cung cấp. Nếu đang tìm mua một chiếc máy tính mới, rất có thể bạn sẽ bắt gặp Framework Laptop. Đây là lý do tại sao bạn nên cân nhắc lựa chọn laptop này.
1. Bạn có thể chọn thông số kỹ thuật mà mình muốn
Khi mua một mẫu laptop cụ thể, người dùng thường bị giới hạn ở các thông số kỹ thuật mà nhà sản xuất cung cấp. Không chỉ ở cấu hình bộ xử lý và bộ nhớ, mà còn với những tùy chọn GPU rời, bàn phím và bàn phím macro, quan trọng nhất là các tùy chọn cổng.
Ví dụ, bạn có một máy trạm 3 màn hình ở nhà, nhưng thỉnh thoảng dành một tuần làm việc ở một nơi khác. Vì vậy, khi ở nhà, bạn muốn một chiếc laptop có GPU rời, hai cổng Thunderbolt 4, hai cổng USB-A, một cổng âm thanh và một cổng Ethernet.
Nhưng khi ra ngoài, bạn sẽ muốn đổi GPU rời lấy Expansion Bay Shell vì hiếm khi chơi game khi tới một nơi khác. Cũng không cần cổng âm thanh và Ethernet, vì vậy hãy đổi chúng lấy card mở rộng microSD và cổng HDMI cho màn hình di động. Những cổng có thể hoán đổi này có nghĩa là bạn không còn cần phải mang theo một USB hub riêng nữa.
2. Framework Laptop dễ sửa chữa
Hầu hết các laptop mỏng và nhẹ đều không dễ sửa chữa, vì nhiều nhà sản xuất hàn và sử dụng keo để giữ chặt mọi thứ. Tuy nhiên, Framework đã có thể giữ nguyên kiểu dáng mỏng như vậy trong khi vẫn duy trì mọi thứ theo dạng mô-đun. Điều này khiến nó trở thành sản phẩm được yêu thích và cho mọi người thấy cách chế tạo một chiếc laptop.
Vì vậy, nếu gặp sự cố với pin, màn hình hoặc bất kỳ bộ phận hoặc thiết bị ngoại vi nào khác, bạn chỉ cần mở nắp, sử dụng tua vít nhỏ thông thường là có thể dễ dàng thay thế các bộ phận. Bạn không cần phải mang laptop đến một chuyên gia hoặc phải trả phí dịch vụ đắt đỏ để sửa chữa Framework Laptop.
Điều này thậm chí còn áp dụng cho dịch vụ bảo hành. Ví dụ, giả sử một trong những thẻ nhớ trên Framework Laptop bị hỏng. Sau đó, bạn có thể tháo rời, lấy bộ phận bị hỏng ra và vẫn sử dụng laptop trong khi chờ thay thế; theo cách đó, bạn sẽ không phải ngừng sử dụng laptop vì Framework sẽ gửi cho bạn một thanh RAM mới.
3. Không phải mua laptop mới để nâng cấp
Một lý do khiến bạn xem xét mua một chiếc PC mới là vì chiếc PC hiện tại đã có tuổi. Vì nhiều người sử dụng máy tính chủ yếu để làm việc nên họ thường tuân thủ chu kỳ nâng cấp 5 năm một lần để đảm bảo độ tin cậy. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là phải mua một chiếc laptop mới sau mỗi 5 năm để theo kịp công nghệ vì không thể nâng cấp từng bộ phận.
Với Framework Laptop, chỉ cần chọn các bộ phận muốn nâng cấp khi cần. Ví dụ, giả sử hôm nay bạn mua một Framework Laptop 16 với Ryzen 9 7940HS, Radeon RX 7700S, RAM 64GB và dung lượng lưu trữ 4TB. Nếu muốn nâng cấp lên GPU rời mới vào năm sau, chỉ cần mua một GPU từ Framework và gắn nó vào Framework 16 thay vì mua hẳn một laptop mới.
Điều này cũng áp dụng cho tất cả các bộ phận khác, như bộ xử lý, RAM, dung lượng lưu trữ và thậm chí cả màn hình. Framework đã chứng minh được khả năng hỗ trợ nhiều thế hệ CPU khi bắt đầu với CPU Intel thế hệ thứ 11. Framework 13 hiện hỗ trợ chip Intel Core Ultra Series 1 và AMD Ryzen 7040 series, và bạn không cần phải mua một laptop hoàn toàn mới chỉ để nâng cấp lên các bộ xử lý mới nhất này.
4. Giảm thiểu rác thải điện tử với Framework Laptop
Một tác dụng phụ của tính mô-đun này là giảm đáng kể rác thải điện tử. Vì vậy, nếu tôi gặp sự cố với Framework Laptop sau khi hết hạn bảo hành, việc thay thế các bộ phận có vấn đề sẽ dễ dàng và rẻ hơn nhiều so với laptop truyền thống, khiến người dùng ít có động lực mua laptop mới và vứt bỏ máy cũ.
Điều này cũng đúng với các bản nâng cấp. Vì chỉ cần mua và lắp các bộ phận mới, nên không phải mua laptop mới thường xuyên và có thể giữ Framework Laptop hoạt động trong nhiều năm. Vì vậy, mua một Framework Laptop là một trong những cách có thể giảm rác thải điện tử.
5. Có thể dễ dàng thay đổi diện mạo của laptop và làm cho nó trở nên độc đáo
Ngoài phần cứng dễ dàng hoán đổi, Framework Laptop cũng có thể tùy chỉnh khá nhiều. Công ty cung cấp rất nhiều bàn phím, bao gồm bố cục ANSI, ISO và bàn phím cho nhiều ngôn ngữ khác nhau, chẳng hạn như tiếng Trung phồn thể, tiếng Hàn, tiếng Đan Mạch, tiếng Thụy Điển, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Anh quốc tế, tiếng Anh Mỹ, tiếng Anh Anh, tiếng Pháp, v.v...
Bạn cũng nhận được Mô-đun Numpad và tùy chọn Bàn phím Macro RGB cho những người làm việc nhiều với các con số và những người cần thêm các phím có thể gán. Bên cạnh đó, Framework còn cung cấp 3 màu viền màn hình khác nhau, 5 màu spacer (nếu không muốn cài đặt bàn phím số hoặc bàn phím macro) và thậm chí cả LED Matrix có thể lập trình.
Framework cũng hợp tác với Cooler Master và bắt đầu cung cấp case cho bo mạch chủ Intel thế hệ thứ 11 đến thế hệ thứ 13, cho phép người dùng nâng cấp lên chip hiện đại hơn sử dụng những chip cũ như một PC độc lập. Và, nếu bạn là người thích tự xây dựng các bộ phận tùy chỉnh của riêng mình, thì còn có Framework Community. Đây là nơi bạn có thể tìm thấy các dự án và ý tưởng giúp Framework Laptop thực sự trở thành của riêng bạn.