Dongle là một thiết bị nhỏ, thường có dạng như USB thông thường, cắm vào một thiết bị khác để cung cấp thêm chức năng. Một dongle không dây, còn được gọi là WiFi adapter, cung cấp khả năng WiFi cho một thiết bị không có khả năng WiFi, chẳng hạn như PC để bàn không có card mạng không dây.
Dongle rất hữu ích vì bạn có thể dễ dàng di chuyển chúng giữa các thiết bị, chúng không chiếm nhiều không gian và mang lại chức năng bổ sung rất tiện lợi. Nhưng khi sử dụng WiFi dongle, bạn có thể gặp một số vấn đề, đặc biệt là tốc độ không dây kém, không đáp ứng được những gì bạn cần có trên các thiết bị khác trong nhà.
Dưới đây là một số lý do khiến USB WiFi adapter chậm và bạn có thể làm gì để khắc phục.
WiFi dongle bị chậm? Đâu là nguyên nhân?
1. Hạn chế băng tần không dây
Các thiết bị WiFi có thể giao tiếp bằng hai băng tần khác nhau. Băng tần 2.4GHz cũ hơn và được hầu hết các thiết bị hỗ trợ, nhưng chậm hơn. Trong khi đó, băng tần 5GHz mới và đáng tin cậy hơn, nhưng có phạm vi ngắn hơn và không hoạt động với các thiết bị cũ.
Trong khi các thiết bị dongle không dây hiện đại có xu hướng hỗ trợ cả hai băng tần, bạn chỉ có thể sử dụng băng tần 5GHz, nếu router cũng truyền trên băng tần 5GHz. Nếu router của bạn không phải là băng tần kép, thì bạn sẽ buộc phải sử dụng băng tần 2.4GHz. Rất may, hầu hết các router hiện đại đều có băng tần kép, vì vậy bạn có thể xem xét việc mua một router mới.
Vấn đề với băng tần 2.4GHz là nó cực kỳ hẹp. Ở Mỹ, chỉ có 11 kênh để lựa chọn và thậm chí con số này còn không chuẩn vì tần số của mỗi kênh trùng lặp với tần số của các kênh lân cận. Do đó, chỉ có các kênh 1, 6 và 11 là những kênh duy nhất không chồng chéo.
Các kênh chồng chéo là không tốt vì sóng dữ liệu không dây có thể giao thoa với nhau, gây ra hiện tượng các gói dữ liệu bị mất và phải gửi lại. Việc gửi lại các gói dữ liệu mất nhiều thời gian, điều này có thể làm giảm tốc độ mạng không dây.
Điều đó trở nên tồi tệ hơn nếu bạn sống trong một tòa nhà đông dân cư, chẳng hạn như khu chung cư ở một thành phố lớn. Trong những trường hợp này, có hàng trăm thiết bị xung quanh bạn đang cố gắng truyền dữ liệu WiFi. Ngay cả khi bạn đang sử dụng một kênh không chồng chéo, việc truyền trên cùng một kênh có thể gây nhiễu. Do đó, một dongle không dây trên băng tần 2.4GHz có rất nhiều rào cản để có được hiệu suất tốt.
Nếu bạn phải sử dụng 2.4GHz, hãy đảm bảo rằng bạn đã thiết lập router sử dụng các chuẩn WiFi mới nhất thay vì chế độ "legacy" hoặc "mixed", bị hạn chế về khả năng tương thích ngược.
Tuy nhiên, nếu có thể, bạn nên sử dụng băng tần 5GHz với WiFi dongle. Miễn là router và dongle đều hỗ trợ 5GHz, thực hiện điều này rất đơn giản. Băng tần 5GHz có 23 kênh không chồng chéo và không dễ bị nhiễu từ các thiết bị khác như lò vi sóng.
2. Dongle được đặt ở một vị trí không phù hợp
Tùy thuộc vào vị trí dongle, hiện tượng nhiễu có thể bắt đầu trước khi sóng tín hiệu đến được router. Nếu dongle của bạn nhỏ về mặt vật lý, nó sẽ nằm ngay bên cạnh desktop, có thể có vỏ kim loại. Điều này có thể làm giảm đáng kể độ tin cậy của sóng tín hiệu.
Không chỉ máy tính để bàn, nếu dongle được cắm ngay cạnh bàn có chân kim loại, bạn có thể gặp phải vấn đề tương tự.
Để giải quyết một phần vấn đề này, bạn có thể mua một USB extender, cắm vào cổng USB và cung cấp cho bạn nhiều không gian hơn để cắm dongle thực tế tránh nhiễu. Nhiều dongle không dây bao gồm một giá đỡ USB trong hộp, vì vậy hãy thử xem nó có hữu ích không.
Nói về điều này, đừng quên rằng vị trí máy tính cũng rất quan trọng. Nếu máy tính để bàn bạn đang sử dụng dongle ở tầng dưới và router ở tầng trên, thì các bức tường bê tông sẽ ảnh hưởng đến cường độ tín hiệu.
3. Ăng-ten bên trong có chất lượng tệ
Dongle không dây có hai dạng chính: Loại nhỏ gọn (có ăng-ten bên trong) và loại cồng kềnh hơn (có ăng-ten bên ngoài). Các dongle không dây nhỏ gọn, đôi khi được gọi là nano dongle, là thứ mà hầu hết mọi người hướng tới vì chúng nhỏ gọn, di động và thẩm mỹ hơn.
Không ai muốn một ăng-ten khổng lồ nhô ra khỏi thiết bị của mình. Thêm vào đó, ăng-ten bên trong có thể sản xuất với chi phí rẻ hơn, vì vậy các thiết bị bảo mật nhỏ gọn có giá cả phải chăng hơn. Ví dụ điển hình cho loại này là N150 USB WiFi Adapter của TP-Link.
Mặc dù ăng-ten trong đã đi một chặng đường dài và không quá tệ, nhưng ăng-ten ngoài thường cung cấp hiệu suất tốt hơn. Điều này là do ăng-ten bên ngoài thường có độ lợi cao hơn, dẫn đến việc thu tín hiệu tốt hơn.
Bạn có thể hướng chúng về phía router để thu sóng tốt hơn. Một ví dụ về dongle loại này là USB WiFi Adapter của Techkey.
Nếu đang sử dụng nano dongle cũ, bạn nên nâng cấp lên một dongle có ăng-ten ngoài. Chúng không đẹp, nhưng nếu bạn dựa vào WiFi để hoàn thành công việc trên máy tính để bàn của mình, chúng đáng để đầu tư.
4. Hạn chế về phần cứng
Khi xem xét WiFi dongle tốt nhất cho nhu cầu của mình, có một số chi tiết bạn nên chú ý.
Đầu tiên là các thông số kỹ thuật của dongle. Một dongle được gắn nhãn là hỗ trợ 600Mbps có thể không hỗ trợ nhiều thông lượng trên mỗi băng tần. Thay vào đó, nó có thể là 150Mbps trên 2.4GHz và 450Mbps trên 5GHz, cho "tổng" 600Mbps.
Hãy đảm bảo nhận được một dongle có tốc độ tối đa của gói Internet trên băng tần bạn định sử dụng. Nếu bạn không chắc chắn, hãy xem cách kiểm tra tốc độ mạng gia đình. Không phải là một ý tưởng tồi nếu bạn có được một dongle nhanh hơn một chút so với tốc độ mạng hiện tại, phòng trường hợp bạn thực hiện nâng cấp trong tương lai.
Tiếp theo là cổng USB bạn cắm dongle vào. Cổng USB 2.0 có tốc độ tối đa theo lý thuyết là 480Mbps, nhưng do protocol overhead (thông tin phải được gửi cùng với dữ liệu được định tuyến qua mạng tới đích) và sự kém hiệu quả của phần cứng, bạn sẽ không bao giờ đạt được giá trị đó. Để có kết quả tốt nhất, bạn nên lấy một dongle USB 3.0 và cắm nó vào cổng USB 3.0, có tốc độ tối đa lý thuyết là 5Gbps.
Cuối cùng, hãy xem xét tốc độ Internet tối đa của bạn. Nếu bạn đang trả tiền cho tốc độ 25Mbps down và 5Mbps up, thì không có sự kết hợp nào giữa router và dongle không dây giúp bạn có tốc độ nhanh hơn. Vì ISP có thể không cung cấp tốc độ tối đa cho gói của bạn, nên bạn có thể cần phải nâng cấp lên gói nhanh hơn.
5. Các vấn đề về driver hoặc cổng USB
Một khía cạnh cuối cùng cần kiểm tra khi WiFi dongle chậm hoặc không đáng tin cậy là cổng USB mà nó được cắm vào. Ngoài các vấn đề về USB 2/3 đã thảo luận ở trên, bạn cũng nên đảm bảo rằng cổng USB đang hoạt động bình thường.
Hãy thử di chuyển dongle sang một cổng USB khác và xem điều đó có mang lại hiệu suất tốt hơn không. Nếu bạn đã cắm nó vào USB hub, hãy tháo nó ra và cắm trực tiếp vào cổng USB.
Ngoài ra, bạn cũng nên xem liệu bạn đã cài đặt đúng driver cho dongle của mình chưa. Trên Windows, nhấn Win + X và nhấp vào Device Manager, sau đó tìm Network adapters và tên WiFi dongle của bạn. Nhấp chuột phải và chọn Update driver > Search automatically for drivers để xem có bản cập nhật hay không.
Nếu cách này không hiệu quả, bạn nên kiểm tra xem nhà sản xuất dongle có cung cấp bất kỳ driver cụ thể nào cho model của bạn hay không. Google tên model để tìm trang tải xuống chính thức, sau đó cài đặt mọi bản cập nhật driver có sẵn và khởi động lại PC.
6. Có lẽ dongle không phải là vấn đề
Nếu bạn đã thực hiện tất cả các bước trên mà vẫn có hiệu suất WiFi dongle kém, vấn đề có thể không thực sự nằm ở dongle. Tương tự như các giới hạn từ tốc độ ISP như đã đề cập ở trên, tốc độ WiFi có thể đang chậm lại do bạn sử dụng quá nhiều băng thông cùng một lúc.
Trong các tình huống mà bạn có nhiều người cùng phát video 4K, tải xuống các file lớn và thực hiện các hoạt động mạng khác, hiệu suất mạng sẽ bị ảnh hưởng, nếu bạn không có đủ băng thông để xử lý tất cả chúng. Bạn sẽ có xu hướng thấy những vấn đề này nghiêm trọng hơn khi bạn sử dụng một WiFi dongle kém chất lượng.
Nếu bạn đã nâng cấp dongle của mình, tối ưu hóa vị trí, kênh và đảm bảo rằng bạn không gặp sự cố phần cứng, bạn nên phân tích việc sử dụng băng thông của mình để xem liệu đó có phải là thủ phạm thực sự hay không.