Trong vài năm trở lại đây, trên thị trường đã bắt đầu xuất hiện những smartphone, loa Bluetooth di động …được giới thiệu về khả năng chống bụi và nước đạt các tiêu chuẩn như IP52, IP57, IP68,... Nếu muốn tìm một sản phẩm siêu bền, có khả năng chống bụi chống nước - bạn cần phải tìm chỉ số gì? Bài viết sau xin được gửi đến các bạn thông tin về thông số trên và ý nghĩa của nó. Hãy cùng tham khảo nhé.
Xếp hạng IP là gì?
Chỉ số chống nước, chống bụi IP là tiêu chuẩn quốc tế công bố bởi IETC để đo mức chống bụi và chống nước của một thiết bị, thường có dạng IPXY, X có các giá trị từ 0 đến 6, Y là từ 0 đến 8. Trong đó, X cho biết mức độ bảo vệ chống lại các vật rắn bao gồm bụi, Y cho biết mức độ chống nước của một thiết bị. Để đạt được xếp hạng IP, điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc phụ kiện của bạn phải trải qua kiểm tra độc lập và được chứng nhận.
Ý nghĩa các con số của chuẩn IP
Chống các vật rắn và bụi:
- IP0Y: Không bảo vệ đặc biệt
- IP1Y: Được bảo vệ chống vật rắn đường kính > 50 mm
- IP2Y: Được bảo vệ chống vật rắn đường kính > 12,5mm
- IP3Y: Được bảo vệ chống vật rắn đường kính >2,5 mm.
- IP4Y: Được bảo vệ chống vật rắn đường kính >1 mm.
- IP5Y: Được bảo vệ chống bụi, hạn chế xâm nhập (Không có chất bám gây hại)
- IP6Y: Chống bụi
Bảng tiêu chuẩn chống nước
- IPX0: Không bảo vệ đặc biệt
- IPX1: Được bảo vệ chống nước nhỏ giọt
- IPX2: Được bảo vệ chống nước nhỏ giọt khi nghiêng tối đa 15 độ từ vị trí bình thường
- IPX3: Được bảo vệ chống nước xịt
- IPX4: Được bảo vệ chống nước bắn tung toé
- IPX5: Được bảo vệ chống lại tia nước áp suất thấp, trong ít nhất 3 phút
- IPX6: Được bảo vệ chống lại tia nước mạnh, trong ít nhất 3 phút
- IPX7: Được bảo vệ khỏi tác động của việc ngâm trong nước lên tới 1 mét, trong thời gian 30 phút
- IPX8: Được bảo vệ khỏi tác động của việc ngâm liên tục trong nước ở độ sâu hơn 1 mét. Các điều kiện chính xác được nhà sản xuất quy định cho từng thiết bị.
Ví dụ như: Sony Xperia M2 Aqua có chỉ số IP 68. Tức là điện thoại này có mức chống bụi là 6 (Chống bụi - Bảo vệ máy hoàn toàn khỏi sự xâm nhập của bụi). Và mức chống nước là 8 (Bảo vệ máy khi ngâm ở mực nước có độ sâu là 1m, thời gian còn tùy thuộc vào nhà sản xuất máy).
Ưu nhược điểm của điện thoại chống nước
Ưu điểm
- Bảo vệ dế yêu của bạn khỏi bụi và nước.
- Có thể chụp ảnh dưới nước được
- Sử dụng thiết bị trong điều kiện thời tiết xấu: mưa, gió, bụi, cát
Nhược điểm:
- Đa số dòng sản phẩm tích hợp công nghệ này đều cao cấp và có giá khá đắt.
- Thiết kế chống bụi và nước nên rất khó tháo và sửa chữa, chi phí sửa chữa cao, khi mở máy sẽ mất khả năng chống nước.
Một số smartphone có tiêu chuẩn IP
Dòng Xperia Z của Sony từ lâu đã được biết đến là những smartphone được trang bị tính năng chống nước cao cấp, ngoài ra một số thương hiệu khác như Motorola, HTC… cũng có những model điện thoại chống nước của riêng mình.
Một số smartphone tầm trung có khả năng chống nước: Sony Xperia M5 (đạt tiêu chuẩn IP68), Motorola Moto X Play (IP52), HTC Butterfly 3 (IP57)…
Một số smartphone cao cấp có khả năng chống nước: Sony Xperia Z3 (IP68), Sony Xperia Z5 (IP68)…
Các cách để sử dụng cũng như bảo vệ thiết bị của bạn
Tất cả các bài kiểm tra chống bụi, chống nước của các thiết bị di động, loa Bluetooth di động … đều được thực hiện nghiêm ngặt trong các điều kiện:
- Nước được sử dụng để thử nghiệm là nước sạch, nếu thử nghiệm với nước mặn (vd: nước biển…) sẽ không đảm bảo khả năng chống chịu của thiết bị.
- Nhiệt độ trong các thử nghiệm được thực hiện ở mức 15-35 độ C. Nhiệt độ cao hơn hoặc thấp hơn có thể dẫn đến hư hại cho thiết bị.
- Các thiết bị phải được đóng kín các cổng tiếp xúc với bên ngoài trước khi thử nghiệm.
- Các tiêu chí trên chỉ đúng với thiết bị mới, các sản phẩm cũ, đã qua sử dụng các tiêu chí trên không đảm bảo.
Có thể bạn quan tâm: