Với giao thức FAST, tốc độ Internet có thể tăng đột phá, tuy chỉ giành cho giới nghiên cứu khoa học.
Không phải khi nào tên của một vật thể cũng mô tả khái quát được các đặc điểm, đặc tính hoặc bản chất của vật thể đó. Tuy nhiên, trong số không nhiều ngoại lệ có thể kể tới, giao thức Internet FAST là một điển hình. Vậy FAST có thực sự nhanh đúng như tên gọi của nó?
FAST là thuật ngữ viết tắt của Fast Active queue management Scalable Transmission Control Protocol. Với giao thức này, bạn có thể truyền nguyên vẹn nội[/i] dung của một đĩa DVD trên mạng Internet. Trong cuộc thử nghiệm và giới thiệu FAST hồi năm ngoái, với đồng thời 10 gói dữ liệu được gửi đi, các nhà khoa học ước tính đạt được tốc độ truyền tải lên tới 8,609 Gbit/s (khoảng 1 GByte/s), một tốc độ kỷ lục! (Bạn có thể đánh giá được ý nghĩa của con số này khi so sánh rằng một chiếc đĩa DVD thương mại thông thường có thể chứa khoảng 4,7 GByte dữ liệu).
Mặc dù giao thức FAST có thể sẽ không làm thay đổi bộ mặt Internet và cách thức mà bạn truy nhập Internet trong thời gian tới (trừ khi bạn là một nhà khoa học hoặc một nhà nghiên cứu), khả năng của nó có thể làm thay đổi một số lĩnh vực công nghiệp mà bạn thường xuyên tiếp xúc, chẳng hạn công nghiệp giải trí.
Nghiên cứu
Các nhà nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm về mạng của Đại học Caltech của Mỹ đã phát triển giao thức FAST, dựa trên ý tưởng tạo ra một nền tảng lý thuyết cho Internet. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, công việc này tiếp tục được phát triển tại một số phòng thí nghiệm danh tiếng như tại Đại học Cambridge, Đại học Melbourne, Caltech, UCLA, Đại học Illinois và Đại học Massachusetts. Mục tiêu chính của những nỗ lực này là tạo ra các phương cách sử dụng Internet trong các hoạt động cộng tác, từ đó giúp các nhà nghiên cứu và khoa học có được khả năng chia sẻ thông tin nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn.
Các nhà nghiên cứu mô tả giao thức FAST là “một thuật toán điều khiển việc truyền dữ liệu trong TCP”. Về cơ bản, FAST đẩy các gói dữ liệu truyền trên Internet với tốc độ xấp xỉ giới hạn của đường truyền tín hiệu. Giao thức TCP truyền thống hầu như không thể đạt được tốc độ tối đa này bởi chính nguyên lý hoạt động của nó là giảm đáng kể tốc độ truyền dữ liệu khi một gói dữ liệu bị mất.
Giao thức FAST, còn được gọi là “TCP nhanh”, hoạt động tốt nhất khi truyền một lượng lớn dữ liệu trên đường truyền tốc độ cao ở một khoảng cách lớn. Các nhà nghiên cứu FAST hi vọng tốc độ truyền tải sẽ đạt 1.000 Gbps trong tương lai.
Khả năng ứng dụng
Các nhà khoa học và ngành công nghiệp giải trí - hai đối tượng chủ thể hiếm khi chia sẻ các lợi ích - giờ đây lại đang có một mối quan tâm chung trong việc phát triển giao thức FAST.
Các nhà nghiên cứu đang hi vọng vào khả năng truyền tải một lượng cực lớn dữ liệu trên Internet trong một khoảng thời gian hợp lý. Một vài dự án nghiên cứu có lượng dữ liệu khổng lồ, 1 TB (khoảng 1.000 GByte) hoặc thậm chí lớn hơn, và sẽ không hề đơn giản nếu muốn truyền lượng dữ liệu đó sử dụng các công nghệ hiện tại. Các nhà nghiên cứu về các bộ môn khoa học đòi hỏi sử dụng lượng cơ sở dữ liệu cực lớn, chẳng hạn vật lý năng lượng cao, vật lý hạt nhân, thiên văn học, dự báo khí tượng thuỷ văn toàn cầu, y học, v.v…sẽ là những người hưởng lợi ích nhiều nhất từ việc nâng cao tốc độ truyền dữ liệu.
Giao thức FAST cũng mang tới cơ hội mới đối với lĩnh vực giải trí và làm cho các công ty truyền thông cũng phải hồi hộp và hi vọng. FAST có thể cải thiện rõ nét ý tưởng phát triển các dịch vụ như video-on-demand (video theo yêu cầu) và pay-per-view (trả tiền theo số trang được xem). Các tập đoàn lớn như Disney, Microsoft đã yêu cầu tư vấn từ Caltech về việc tích hợp giao thức FAST vào dịch vụ video-on-demand. Tuy nhiên, một giao thức tốc độ cao cũng có thể sẽ là con dao hai lưỡi khi làm nổi lên vấn đề bản quyền âm nhạc và phim ảnh. Người sử dụng có thể tải nhiều tệp đa phương tiện chỉ trong thời gian tương đương việc sao chép một tệp ở thời điểm hiện nay.
Internet2
Tuy nhiên, hiện tại, ngành công nghiệp giải trí vẫn phải chấp nhận xếp hàng chờ đợi. Các nhà nghiên cứu hiện đang tập trung nỗ lực vào việc ứng dụng FAST trong Internet2, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, các viên nghiên cứu-đào tạo và chính phủ được thảo ra nhằm xây dựng một Internet thế hệ mới. Internet2 sẽ là một môi trường siêu tốc độ, đem lại cho giới nghiên cứu khả năng truy nhập các ứng dụng tiên tiến và phức tạp.
Mặc dù giao thức FAST có thể tương thích ngược với TCP và có thể sử dụng chung phần cứng, các nhà nghiên cứu không hi vọng giao thức tốc độ cao này sẽ gây ra cú đột phá đối với hạ tầng Internet dành cho người dùng, chẳng hạn thông qua dial-up, cable hoặc DSL bởi vì TCP truyền thống đã gần đạt được tốc độ tối đa trên các đường truyền Internet dành cho các kết nối đó. Các nhà nghiên cứu đang tập trung phát triển và ứng dụng FAST tại các khu vực có khả năng cải thiện đáng kể tốc độ truyền dẫn trên TCP.
Do vậy, trừ phi bạn đã sử dụng đường truyền T3 và tham gia một nhóm nghiên cứu lớn nào đó, nhiều khả năng bạn sẽ không thu được lợi ích trực tiếp từ FAST trong thời gian tới. Nhưng một khi nào đó, bạn yêu cầu một bộ phim và nội dung được tải hoàn toàn xuống trước khi tách cà phê của bạn chưa bị nguội, hãy nghĩ tới FAST.