Chọn mua 3G USB như thế nào?

Sắm hẳn laptop có khe cắm SIM 3G chắc chắn phải đầu tư nhiều triệu đồng, vì thế USB 3G là sự lựa chọn của nhiều người có nhu cầu truy cập Internet mọi lúc mọi nơi.

Từ khi các mạng di động tung ra dịch vụ 3G, thị trường USB 3G càng trở nên sôi động.

Mua hàng nhà mạng hay hàng ngoài?

USB 3G là thiết bị truy cập Internet không dây tốc độ cao trên máy tính, sử dụng mạng 3G của các hãng di động như Viettel, VinaPhone, MobiFone. Thiết bị nhỏ gọn như một chiếc USB vì thế rất tiện lợi. Với sản phẩm này, sau khi đăng ký gói cước truy cập Internet di động của nhà mạng, người dùng có thể truy cập Internet từ laptop tại bất kỳ đâu có sóng điện thoại. Theo quảng cáo, hầu hết các loại USB 3G Modem có tốc độ truy cập Internet lên tới 7.2Mbps. Ngoài tiện ích nhỏ gọn, truy cập Internet trên laptop bằng USB 3G Modem còn hơn hẳn việc truy cập Internet trên laptop bằng Wifi vì với 3G USB Modem, người dùng có thể “nối mạng” ngay cả khi đang đi trên ô tô, tàu thuyền, một điều Wifi đang “gặp khó”.

Từ khi các mạng di động Việt Nam tung ra dịch vụ 3G, thị trường USB 3G ngày càng sôi động. Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ, các mạng cũng giới thiệu thiết bị này với mức giá từ 1,2 triệu đến 1,8 triệu đồng, hầu hết do hai hãng ZTE và Huawei sản xuất. Cùng với dịch vụ Fast Connect, đại diện hãng MobiFone cho biết MobiFone có cung cấp thiết bị USB 3G Modem. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn nên mua thiết bị này của chính mạng di động (có thể bị khóa mạng) hay mua ngoài và sau đó lựa chọn dịch vụ mạng. Trên các trang mua sắm, rao vặt… xuất hiện rất nhiều gian hàng, người bán USB 3G , có mức giá từ trên 1 triệu đến 1,8 triệu đồng và cam kết bảo hành 12 tháng.

Thiết bị USB 3G bán trên thị trường chủ yếu của các nhãn hiệu ZTE, JVJ, Shenzhen hay Huawei, được quảng cáo có giao diện kết nối USB 2.0, hỗ trợ các hệ điều hành Windows XP/2000/Vista/7/MacOS, có các chức năng như chuyển vùng (Roaming) và kết nối toàn cầu, tốc độ truy cập Internet lên đến 7.2Mbps, hỗ trợ nhắn tin, nhận tin SMS qua phần mềm cài đặt trên máy tính, tự cài đặt phần mềm, không cần CD kèm theo…. Một số người cho biết đã test (kiểm tra) thử sản phẩm với 3 mạng đã tung ra dịch vụ 3G là VinaPhone, MobiFone và Viettel. Những sản phẩm này được khá nhiều người chọn mua, tuy nhiên mua hàng ngoài người mua có thể phải chịu rủi ro về chế độ bảo hành hoặc chất lượng truy cập bởi hiện nay không nhiều công ty, đại lý có thương hiệu, tên tuổi bán thiết bị này.

3G USB ở “thiên đường Made in Tung Của”

Túi tiền không phù hợp để mua những loại “cấp trung” và “cấp cao” nhưng “kết” tính năng kết nối Internet tốc độ cao của mạng 3G, nhiều người đã đi săn USB 3G giá rẻ. Tại “thiên đường mua sắm hàng Made in “Tung Của” (Trung Quốc) như chợ Đông Kinh, chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn), người dùng có thể chọn được các sản phẩm cùng loại như tại Hà Nội nhưng giá thấp hơn tới vài trăm nghìn đồng. Như loại USB 3G Huawei E630 bán ở Hà Nội từ 550.000 - 600.000 đồng nhưng giá tại chợ Đông Kinh chỉ “đủng đỉnh” 300.000 đồng. Còn loại mang thương hiệu Shenzhen W065 chỉ 600.000 đồng trong khi tại Hà Nội nó bị đẩy “vọt” tới trên 1 triệu. Thậm chí, có cả loại không rõ thương hiệu, chỉ in dòng chữ “HSDPA” lên vỏ thiết bị và bán với giá 450.000 - 500.000 đồng (trong khi tại Hà Nội, giá rẻ nhất cũng là 900.000 đồng). Đa phần các loại USB 3G giá rẻ như trên đều được giới thiệu là đạt tốc độ băng thông download tối đa 7.2 Mbps, băng thông upload tối đa 384 Kbps - tức là tương tự như các dòng đời đắt tiền hơn. Tất nhiên, chất lượng thực tế có đúng như vậy hay không thì thật khó biết!

Theo một người chuyên kinh doanh mặt hàng điện tử, nhiều loại USB trên thị trường dù tốc độ băng thông download tối đa chỉ đạt 3.6 Mbps nhưng nơi sản xuất vẫn in thành 7.2 Mbps và cộng với giá thành rẻ sẽ dễ dàng “câu nhử” người dùng. Đáng chú ý, so với những sản phẩm được phân phối bởi các nhà mạng trong nước thì những sản phẩm này tuy được bán với giá rẻ hơn nhưng lại không có chế độ bảo hành (hoặc chỉ bảo hành 3 - 6 tháng tại… Lạng Sơn) và cũng không được tặng kèm SIM. Bên cạnh đó, do mạng 3G mới được các nhà cung cấp dịch vụ khai trương (VinaPhone, MobiFone) hoặc đang thử nghiệm (Viettel) nên chất lượng sóng chưa ổn định. Đây là cơ hội để những thiết bị chất lượng “có vấn đề” vẫn được bán trên thị trường bởi nếu thiết bị gặp trục trặc thì người bán liền đẩy ngay lỗi cho nhà mạng!?

Thứ Năm, 25/03/2010 07:51
2,73 👨 29.253
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản