Bất kỳ thiết bị phần cứng nào gắn vào hệ thống Windows đều yêu cầu người dùng phải cài đặt driver phần cứng đúng cách. Driver phần cứng có quyền truy cập cấp thấp trên hệ thống Windows để làm việc khi bạn cần. Kể từ khi driver có được quyền truy cập vào kernel, Windows đòi hỏi driver phải được signed . Bất kỳ driver nào mà không được signed từ Microsoft sẽ không được phép cài đặt trên Windows.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp bạn sẽ phải cài đặt driver không chính thức, driver chưa được signed hoặc driver cũ không có chữ ký số (digital signature). Trong trường hợp này bạn sẽ phải cài đặt driver chưa được signed trên Windows. Trong bài viết dưới đây Quản trị mạng sẽ hướng dẫn bạn 3 cách cài đặt driver chưa được signed trên Windows 10.
Lưu ý:
Chỉ cài đặt driver chưa được signed từ những nguồn đáng tin cậy.
1. Cài đặt driver chưa được signed trên Windows 10 từ Menu Advanced Boot
Cách đơn giản nhất để cài đặt driver chưa được signed trên Windows 10 là thông qua menu Advanced Boot.
Để làm được điều này, bạn nhấn tổ hợp phím Windows + X để mở Power User Menu, tai đây bạn điều hướng đến mục Shutdown, sau đó sử dụng "Shift + kích chuột trái" trên tùy chọn Restart để khởi động lại hệ thống và hiển thị Menu Advanced Boot.
Tại Menu Advanced Boot, bạn click chọn tùy chọn “Troubleshooting”.
Trên cửa sổ Troubleshoot, chọn tùy chọn "Advanced Options".
Tiếp theo chọn "Start-up Settings".
Lúc này trên màn hình hiển thị cửa sổ Startup Settings, cho phép bạn khởi động hệ thống Windows ở nhiều chế độ khác nhau. Nhiệm vụ của bạn chỉ cần click chọn nút Restart để tiếp tục.
Mục đích của bạn là cài đặt driver chưa được signed (driver unsigned), do đó nhấn phím F7 để lựa chọn tùy chọn có tên "Disable driver signature enforcement".
Ngay sau khi bạn nhấn phím, hệ thống sẽ khởi động vào Windows. Bây giờ bạn có thể cài đặt bất cứ driver unsigned nào mà bạn muốn. Sau khi cài đặt xong, khởi động lại hệ thống và Driver Signature Enforcement sẽ tự động được kích hoạt trong lần khởi động tiếp theo.
Nếu muốn cài đặt các driver unsigned khác bạn thực hiện theo các bước tương tự.
2. Cài đặt Driver Unsigned bằng cách kích hoạt Test Mode
Ngoài cách trên bạn có thể cài đặt driver unsigned bằng cách kích hoạt Test Mode trên Windows 10. Để làm được điều này:
Đầu tiên nhấn tổ hợp phím Windows + X để mở Power User Menu, sau đó bạn click chọn Command Prompt (Admin).
Sau đó trên cửa sổ Command Prompt bạn nhập câu lệnh dưới đây vào:
bcdedit /set testsigning on
Lúc này bạn sẽ nhìn thấy câu lệnh đã được thực thi thành công. Chỉ cần khởi động lại hệ thống và bạn sẽ được khởi động vào chế độ Test Mode.
Khi ở chế độ Test Mode bạn có thể cài đặt driver chưa được signed. Ngoài ra bạn sẽ nhìn thấy biểu tượng watermark giống như hình dưới đây để bạn có thể nhận biết hệ thống Windows đang ở chế độ Test Mode.
Sau khi cài đặt xong driver, bước tiếp theo bạn cần làm là tắt chế độ Test Mode đi. Để làm được điều này bạn nhập câu lệnh dưới đây vào cửa sổ Command Prompt và khởi động lại hệ thống:
bcdedit /set testsigning off
3. Cài đặt Drivers Unsigned bằng cách vô hiệu hóa Integrity Checks
Ngoài ra bạn có thể áp dụng giải pháp là vô hiệu hóa Integrity Checks để cài đặt driver chưa được signed.
Để vô hiệu hóa Integrity Checks, bạn mở Command Prompt dưới quyền Admin rồi nhập lệnh dưới đây vào:
bcdedit /set nointegritychecks on
Sau khi câu lệnh thực thi xong, chỉ cần khởi động lại hệ thống và bạn có thể cài đặt driver chưa được signed trên Windows 10:
Cũng giống như Test Mode, sau khi đã cài đặt xong driver chưa được signed, bước tiếp theo bạn cần kích hoạt lại integrity checks. Để kích hoạt lại integrity checks, bạn nhập câu lệnh dưới đây vào cửa sổ Command Prompt:
bcdedit /set nointegritychecks off
Cuối cùng khởi động lại hệ thống của bạn là xong.
Tham khảo thêm một số bài viết dưới đây:
- Tổng hợp một số cách sửa lỗi USB Device Not Recognized trên Windows 7, 8 và 10
- Làm thế nào để xóa bỏ tận gốc các Driver cũ trên Windows 10?
- Đây là cách reset lại thiết lập mạng trên windows 10 chỉ với 1 cú click chuột
Chúc các bạn thành công!