Như đã biết, Microsoft đưa ra các yêu cầu khá nghiêm ngặt về phần cứng cho các hệ thống PC muốn nâng cấp lên Windows 11, đặc biệt là đối với chip TPM 2.0. Điều đó có nghĩa là không phải tất cả các bo mạch chủ trên thị trường hiện nay đều tương thích với hệ điều hành mới.
Tiếp bước các nhà sản xuất bo mạch chủ lớn khác, ASRock vừa chính thức công bố danh sách các mẫu bo mạch chủ sở hữu phần cứng hỗ trợ khả năng tương thích cũng như nâng cấp lên Windows 11 . Đây là thông tin hữu ích với những người đang muốn biết liệu thiết lập phần cứng của mình có tương thích với hệ điều hành mới hay không.
Dưới đây là danh sách các mẫu bo mạch chủ ASRock tương thích Windows 11 (tính đến hết tháng 6/2021).
Bo mạch chủ ASRock AMD series:
- *AM4 300 series X399, X370, B350, A320
- *AM4 400 series X470, B450
- AM4 500 series X570, B550, A520
- TRX40 series TRX40
Để kích hoạt chip TPM trên các bo mạch chủ này, bạn thực hiện:
(a) Đi tới trang “Advanced” \ “CPU Configuration” để tìm [AMD fTPM switch].
(b) Điều chỉnh tùy chọn “AMD fTPM switch” thành [AMD CPU fTPM].
Bo mạch chủ ASRock Intel series:
- *Intel 100 series Z170, H170, B150, H110
- *Intel 200 series Z270, H270, B250
- Intel 300 series Z390, Z370, H370, B360, B365, H310, H310C
- Intel 400 series Z490, H470, B460, H410
- Intel 500 series Z590, B560, H510, H570
- Intel X299 series X299
Để kích hoạt chip TPM trên các bo mạch chủ này, bạn thực hiện:
(a) Truy cập “Security page” để tìm tùy chọn “Intel® Platform Trust Technology”.
(b) Kích hoạt tùy chọn “Intel® Platform Trust Technology” trong UEFI BIOS.
Nếu bạn chưa biết thì TPM (Trusted Platform Module) là một bộ xử lý mật mã an toàn, giúp bạn thực hiện các hành động như tạo, lưu trữ và hạn chế việc sử dụng các khóa mật mã. Một số chipset TPM còn bao gồm những cơ chế bảo mật vật lý để ngăn phần mềm độc hại không thể giả mạo các chức năng bảo mật của TPM. Thông thường, chip TPM sẽ được hàn trực tiếp vào bo mạch chủ. TPM hiện đang trở thành yêu cầu đối với mọi mẫu laptop và máy tính để bàn để đảm bảo an toàn cho tất cả người dùng.