5 bước chọn mua laptop cũ

Cần tìm hiểu về bên ngoài, màn hình cũng như xem thời gian bảo hành, cấu hình, tình trạng các cổng kết nối của laptop cũ khi chọn mua.

Rất nhiều câu hỏi đặt ra khi người dùng muốn mua một chiếc laptop cũ như liệu cấu hình máy có "chuẩn" như người bán quảng cáo hay các cổng kết nối có làm việc tốt không?

Nhiều người nghĩ, việc chọn mua chiếc laptop "second-hand" này cần trợ giúp của một chuyên gia phẩn cứng, song trên thực tế thì việc này không khó khăn như tưởng tượng.

Sau đây là 5 bước rất đơn giản để lựa chọn thành công một chiếc laptop cũ giá trị theo hướng dẫn của tạp chí công nghệ Cnet.

Bước 1: Kiểm tra thật kỹ nhưng hư hỏng bên ngoài


Cần kiểm tra tình trạng bên ngoài của laptop. Ảnh: Cnet.

Người dùng không thể đặt ra yêu cầu cao về "ngoại hình" cho những chiếc laptop đã qua sử dụng, bởi chúng sẽ không tránh khỏi những vết trầy xước nhưng sẽ cần phải đặc biệt chú ý đến những điểm sau:

- Các chân cắm lỏng lẻo (USB, VGA, ...)

- Các vết gãy, nứt trên vỏ máy làm lộ các linh kiện bên trong.

- Các con ốc phía đáy máy đã bị mất hay rỉ hoen.

- Tem bảo hành của máy bị bóc đi hoặc bị rách nát.

Ngay cả trong trường hợp các điều kiện trên đã đạt yêu cầu thì cũng chưa có gì đảm bảo chắc chắn chiếc laptop đó đã bị hỏng nặng và rồi được "dựng" lại như mới. Vì vậy người dùng sẽ cần tiếp tục các bước kiểm tra tiếp theo.

Bước 2: Kiểm tra tình trạng bảo hành máy


Xem thời gian bảo hành các laptop cũ đầy đủ. Ảnh: Cnet.

Sẽ rất lý tưởng, nếu chiếc laptop cũ đó còn hạn bảo hành chính hãng, và điều người dùng cần làm là yêu cầu thẻ bảo hành đi kèm hay hóa đơn mua máy lần đầu. Không nên tin ngay những lời cam kết từ phía người bán hàng như máy đã được đăng kí bảo hành trực tuyến, ngoại trừ trường hợp của những chiếc laptop doanh nhân Lenovo ThinkPad.

Nếu như chiếc laptop cũ đó không có một chút thông tin gì thì người mua cần yêu cầu người bán thời gian bảo hành tối tiểu là một tuần sử dụng để xác thực chất lượng máy và nên có cam kết bảo hành bằng văn bản rõ ràng với đầy đủ thông tin chứng thực từ phía người bán. Còn nếu không hãy tìm tới một cửa hàng khác.

Bước 3: Kiểm tra cấu hình máy


Xem cấu hình của máy cũng rất cần thiết. Ảnh: Cnet.

Nếu đã tìm hiểu kĩ và có đầy đủ thông tin về cấu hình máy, người mua nên in ra một bản để trực tiếp kiểm tra khi đi mua máy.

- Nhấn chuột phải vào biểu tượng "My Computer" trên màn hình làm việc rồi chọn "Properties", sẽ hiện ra một bảng thông báo đầy đủ thông tin về hệ điều hành, vi xử lý, và dung lượng RAM của máy.

- Nhấn chuột trái vào "My Computer" rồi kiểm tra dung lượng ổ đĩa cứng.

- Click vào "Control Panel" phía bảng thoại ô cửa sổ, trỏ đến mục "System", tab "Hardware" và chọn "Device Manager". Hoặc bạn có thể truy cập nhanh bằng cách nhấn chuột phải vào "My Computer" và chọn ngay "Device Manager". Trong mục này bạn sẽ có được thông tin chi tiết về các linh kiện phần cứng bao gồm cả card Wi-Fi hay Bluetooth.

- Trong mục "Accessories" phía bảng thoại ô cửa sổ, mở chương trình "Command Prompt" và gõ lệnh "dxdiag" để xem thông tin đồ họa của máy.

Bước 4: Kiểm tra tình trạng làm việc của bộ sạc và các cổng giao tiếp


Xem các cổng giao tiếp trên máy có còn hoạt động không. Ảnh: Cnet.

Cổng USB sẽ được sử dụng thường xuyên nhất và cũng là bộ phận dễ gặp sự cố nhất. Nên nhớ mang theo một chiếc USB để kiểm tra xem các cổng này có làm việc hay không. Cẩn thận hơn bạn nên lắc nhẹ USB khi cắm để xem chân cắm còn chắc không.

Cẩn trọng hơn khách hàng nên mang theo thêm một số thiết bị ngoại vi để kiểm tra các cổng còn lại. Và cũng rất quan trọng nên cắm sạc để kiểm tra xem thiết bị này làm việc ổn định không.

Bên cạnh đó, cũng cần biết rằng bộ pin đi kèm máy sẽ bị "thoái hóa" sau thời gian dài dùng máy vì vậy không quá coi trọng tình trạng làm việc của pin trừ phi người bán cam kết đấy là pin mới. Trong trường hợp này, người mua có thể dùng phần mềm BatteryCare chạy trên hệ điều hành Windows để kiểm tra dung lượng và thời gian sạc của Pin. Còn với máy Mac, người dùng có thể chọn "Applications > Utilities > Systems Profiler" để biết chi tiết thông tin về pin của máy.

Bước 5: Kiểm tra các điểm chết trên màn LCD (dead pixel)


Tìm các "điểm chết" trên màn hình. Ảnh: Cnet.

Vấn đề phổ biến với màn máy cũ là những điểm chết - dead/stuck pixel. Dead pixel - "điểm chết đen" là những điểm giữ nguyên màu đen trong mọi trường hợp. Stuck pixel - "điểm chết sáng" là những đốm sáng không mất đi cho tới khi tắt máy.

Pixel Tester, một phần mềm miễn phí giúp kiểm tra và phát hiện các điểm "dead pixel" và "stuck pixel" có trên màn laptop. Nhưng có một cách đơn giản và thuận tiện hơn, sau khi đã bỏ hết các biểu tượng trên màn hình làm việc, người dùng chỉ cần nhấn chuột trái vào giữa màn và chọn "Properties", rồi đặt chế độ "background" là màu đen để kiểm tra "stuck pixel", sau đó chuyển sang màu trắng để phát hiện "dead pixel". Thông thường việc bảo hành không áp dụng cho laptop cũ có màn bị lỗi pixel, người mua phải tự "đấu tranh" để quyết định "sống chung" với tình trạng đó hay không.

Thứ Tư, 02/09/2009 13:14
51 👨 6.350
0 Bình luận
Sắp xếp theo