Công nghệ flash ngày càng tinh vi hơn

Với công nghệ mới của đèn máy ảnh, việc thiết lập một studio cơ động gồm nhiều đèn flash ngày càng trở nên dễ dàng hơn.

Các đèn flash dùng để gắn vào máy ảnh đã có lịch sử phát triển 50 năm nay, và cùng với sự phát triển của máy ảnh DSLR, công nghệ flash ngày càng trở nên phức tạp và tinh vi. Để có thể tận dụng được hết công dụng của đèn flash, cần phải hiểu rõ các chế độ và chức năng khác nhau của nó cũng như phải hiểu những yếu tố như tỷ lệ sáng hay cân bằng ánh sáng thì mới có được bức hình trông chuyên nghiệp. Khái niệm về flash trong những khóa học cơ bản về ánh sáng studio không chỉ chỉ áp dụng cho thiết bị ánh sáng kềnh càng của studio và còn thích hợp cả với những hệ thống chỉ đơn giản, gồm nhiều đèn flash gọn nhẹ hơn. Tiến bộ công nghệ flash đối với một số người lại dễ làm việc và dễ điều khiển hơn, và hơn hết, giá cả đầu tư cũng dễ chịu.

Hầu hết các nhà sản xuất máy ảnh đều có những phiên bản đèn flash cho thân máy DSLR của riêng mình, cộng thêm với việc hàng loạt hãng thứ ba cũng tung ra sản phẩm tương thích nữa. Nhóm các hãng thứ ba này thường có những sản phẩm mức giá rẻ tiền hơn đèn có cùng tính năng từ chính hãng, và đôi khi có thêm nhiều tính năng hữu ích. Thực tế là trước đây chính các hãng thứ ba mới là những người đầu tiên tung ra tấm hay hộp tản sáng cho đèn flash, giúp thao tác điều khiển độ sáng hiệu quả hơn. Sau này, nhà sản xuất chính hãng, để cạnh tranh lại, cũng bắt đầu gắn các thành phần tản sáng tương tự.

Bài này chủ yếu đề cập đến tính năng điều khiển không dây trong một hệ thống nhiều đèn flash kết hợp dựa trên chính những phiên bản đèn flash ra mắt cùng với thân DSLR của từng hãng.

Điểm mặt đèn flash mới từ các hãng máy ảnh

Nikon mới ra mắt phiên bản SB-900 Speedlight vốn là một phần trong hệ thống Creative Lighting System (CLS) có hỗ trợ chức năng TTL thông minh (i-TTL). Đèn này hoạt động độc lập hay lắp trên máy ảnh như một bộ điều khiển không dây hay một bộ nhận từ xa. Cấu hình thông thường là đèn chính được gắn vào thân máy, còn các đèn khác (có thể 1, 2 hoặc 3) được đặt ở vị trí khác nhau, trên bàn hay trên chân đế của đèn.


Nikon SB-900. Ảnh: Shutterbug.

Mỗi đèn SB-900 có thể điều khiển các đèn khác theo 3 nhóm riêng nhau, trong đó, mỗi nhóm gồm nhiều đèn. Công suất đèn và tỷ lệ sáng có thể được điều chỉnh trực tiếp từ vòng điều khiển trên thân đèn chính. 4 kênh giao tiếp khác nhau cho phép các nhóm đèn có thể cùng hoạt động trong một môi trường chụp ảnh. Ngoài ra phiên bản flash này cũng tự nhận diện đang được cắm trên thân FX hay DX của Nikon.

Dòng Speedlite cao cấp của Canon cũng có nhiều tính năng tương tự. Một trong những phiên bản mới nhất trong dòng này là 430EX II, được thiết kế nhỏ hơn mẫu 550EX nhưng có cùng tính năng điều chỉnh cấu hình thiết lập đèn. Mỗi đèn có thể được sử dụng là đèn chính hoặc đèn phụ với giao tiếp 3 kênh độc lập và khả năng điều khiển E-TTL II của Canon. Thiết lập cấu hình này có thể được điều chỉnh trên bất kỳ thân máy tương thích nào (thường là các thân EOS).

Ngoài ra, phiên bản 430EX có thời gian hồi pin nhanh hơn bản flash trước đây của hãng, chỉ khoảng dưới 3,7 giây tùy thuộc vào lượng pin còn lại. Thời lượng chụp ảnh cũng khá dài, với một bộ pin AA đèn có thể chụp tới 1.400 kiểu.


Canon 430EX II. Ảnh: Shutterbug.

Các phiên bản flash từ các hãng khác như Olympus FL-50R, Pentax AF540FGZ, và Sony HVL-F58AM cũng đều hỗ trợ các tính năng hoạt động không dây. Olympus có chức năng cài đặt không dây Remote Control (RC) trên đèn chính có thể điều chỉnh 3 nhóm đèn khác trên 4 kênh. Được thiết kế kèm bộ với thân E-3, đèn FL-50R còn có thể đồng bộ ở tốc độ 1/4000 giây, có khả năng dừng hình bất kỳ chuyển động tốc độ cao nào kể cả khi phải chụp trong môi trường tối.


Olympus FL-50R. Ảnh: Shutterbug.

Đèn Pentax AF540FGZ cũng hỗ trợ các thiết lập không dây qua 4 kênh riêng biệt. Từng đèn flash đều có thể được đặt thành đèn chính, đèn điều khiển hay đèn phụ. Bên cạnh khả năng không dây, đèn của Pentax có thêm tấm chắn sáng gắn sẵn bên cạnh tấm tản sáng.


Pentax AF540FGZ. Ảnh: Shutterbug.

Đèn flash của Sony, tương tự, cũng hỗ trợ chức năng không dây với 3 nhóm dèn độc lập nhau với các tính năng kiểm soát và điều chỉnh mức sáng dễ dàng. Phiên bản HVL-F58AM mới được trang bị tính năng tạo ánh sáng mẫu vốn ngày càng thấy nhiều trên các đèn flash tiên tiến. Tuy nhiên, ánh sáng mẫu này không phát liên tục như trong các hệ thống đèn studio. Thay vào đó, đèn flash sẽ chớp sáng liên tục một thời gian ngắn để giả lập nguồn sáng liên tục. Mặc dù cách tiếp cận này không giải quyết triệt để vấn đề nhưng nó cũng có khả năng chỉ ra vị trí vùng tối sẽ xuất hiện khi chụp thực tế.

Đèn của Sony còn có thêm một số cải tiến mới khá thú vị, đó là khả năng điều chỉnh ánh sáng chớp liên tục trong một lần chụp ảnh. Tính năng này cho phép bắt liên tục chuyển động trong một khung hình, tất nhiên là với điều kiện môi trường sáng đủ.


Sony HVL-F58AM. Ảnh: Shutterbug.

Những điều lưu ý khi mua đèn flash

Thời gian hồi pin

Đối với một số cảnh cần chụp liên tiếp, thời gian hồi pin trở nên rất quan trọng. Dù không đạt được tốc độ như các đèn trong studio, nhưng một số đèn flash của các hãng lớn có khả năng hồi pin khá nhanh chóng, thường chỉ mất từ 2 đến 4 giây. Tuy nhiên, thời gian hồi pin có thể giảm đi khi dung lượng pin yếu dần. Một số đèn dù khả năng hồi pin có thể chỉ trong vòng một vài giây khi pin đầy nhưng thời gian này nhanh chóng sụt xuống tới 4, 5 giây hoặc lâu hơn khi pin bắt đầu yếu đi.

Nếu muốn thử nghiệm thời gian hồi pin đèn flash của mình có ổn định không, hãy lắp một bộ pin đầy và bấm nút chớp sáng (trên đèn) khoảng 100 lần liên tiếp nhau (nhưng không nên nhanh quá để tránh làm đèn bị nóng), sau đó xem xem mất bao lâu đèn sẽ hồi. Tiếp tục đo sau khi đèn chớp 100 cái nữa. Phương pháp này sẽ giúp bạn dễ hình dung đèn của mình hoạt động trên thực tế thế nào khi chụp hình thông thường.

Sự linh hoạt

Các đèn flash lắp trên máy phải có khả năng ngẩng và xoay để có thể điều chỉnh luồng sáng theo ý người chụp. Một số đèn flash còn hỗ trợ thao tác zoom của ống kính thông qua việc tự động thu thập tiêu cự đang được dùng của ống kính gắn trên thân máy để tập trung lượng ánh sáng phù hợp với tiêu cự đó. Một ống kính tele sẽ chỉ cần một lượng sáng hẹp, trong khi ống góc rộng thì lại cần một khoảng sáng rộng hơn.

Giá đỡ đèn

Thông thường, cách thông dụng nhất để gắn đèn lên máy ảnh là thông qua khe cắm đèn (hot-shoe). Tuy nhiên, đây chưa hẳn là cách duy nhất. Có thể sử dụng cách gắn đèn thông qua giá đỡ gắn vào máy để cho đèn có thể hoặc cao hơn ngay phía trên ống kính hay được gắn ở cạnh bên.

Các đèn flash cao cấp hơn thường hỗ trợ khả năng giao tiếp Through-The-Lens (TTL) (tính toán lượng ánh sáng thông qua các thông số được đo qua ống kính thay vì đo trực tiếp).

Khả năng hoạt động nhóm

Càng ngày, đèn flash càng có khả năng đặt các cấu hình khác nhau trong một hệ thống gồm nhiều đèn flash kết hợp, để chụp các bức ảnh chuyên nghiệp. Mặc dù gần như bất kỳ đèn nào cũng đều có thể chuyển thành mẫu nhại không dây chỉ bằng việc sử dụng thêm bộ nhại rẻ tiền, nhưng những model tích hợp sẵn tính năng này sẽ cho phép điều chỉnh ánh sáng dễ dàng hơn.

Với công nghệ giao tiếp không dây và các tính năng kích hoạt chụp đa kênh của đèn flash rời, việc điều chỉnh nhiều đèn từ một máy ảnh sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều. Theo tạp chí Shutterbug, chính nhờ công nghệ mới với khả năng điều khiển nhiều đèn flash mà không cần dùng đến đống dây lằng nhằng phức tạp hay tận dụng những tính năng nhại từ xa, không những làm cho việc thiết lập một studio cơ động có thể thực hiện được tại mọi địa điểm, mà còn làm cho việc thiết lập này trở nên đơn giản và dễ dàng hơn.

Thứ Sáu, 25/09/2009 11:25
31 👨 342
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp