Cơ hội từ việc gia công phần mềm nhúng

Trình diễn giải pháp in ấn trên Android Printer Manager tại cuộc hội thảo về phát triển ngành phần mềm nhúng. Theo các chuyên gia công nghệ, đây là giai đoạn của môi trường thông minh, trong đó hệ thống nhúng là cốt lõi và đang làm nên làn sóng đổi mới trong sự phát triển của công nghệ thông tin.

Các hệ thống nhúng là những hệ kết hợp phần cứng và phần mềm một cách tối ưu. Một số đặc trưng cơ bản của hệ thống nhúng là ngoài tính chuyên dụng nó còn bị ràng buộc về hoạt động trong chế độ thời gian thực, hạn chế về bộ nhớ, năng lượng và giá thành mà lại đòi hỏi hoạt động có tính tin cậy và tiêu tốn ít năng lượng.

Hiện nay, phần lớn các phần mềm nhúng nằm trong các sản phẩm truyền thông và điện tử tiêu dùng, tiếp đến là trong các sản phẩm ô-tô và phương tiện vận chuyển khác, máy móc thiết bị y tế, các thiết bị năng lượng, các thiết bị cảnh báo bảo vệ và các sản phẩm đo đạc, điều khiển.

Theo một bản báo cáo của tổ chức OESF (Open Embedded Software Foundation), là tổ chức chuyên chuẩn hóa, hợp tác và mở rộng thị trường thiết bị nhúng trên nền tảng Android, thị trường hệ thống nhúng toàn cầu ước tính đạt 112,5 tỉ đô-la Mỹ, trong đó bao gồm phần mềm nhúng.

Hiện Nhật Bản đang là thị trường phần mềm nhúng hàng đầu thế giới. Do đó, các doanh nghiệp trong nước đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển hoạt động gia công phần mềm nhúng cho Nhật Bản, khi Việt Nam đang là đối tác lớn thứ ba của thị trường này trong lĩnh vực gia công phần mềm.


Trình diễn giải pháp in ấn trên Android Printer Manager tại cuộc hội thảo
về phát triển ngành phần mềm nhúng.

Khuyến khích sáng tạo trên Android

Khác với máy tính thường chạy trên nền hệ điều hành Windows hoặc UNIX, các hệ thống nhúng và phần mềm nhúng có các hệ điều hành nhúng riêng của mình. Các hệ điều hành dùng trong các hệ nhúng nổi trội hiện nay bao gồm Embedded Linux, VxWorks, Win CE, Lynyos, BSD, Green Hills, QNX, DOS và mới đây hệ thống nhúng và phần mềm nhúng đang được kêu gọi phát triển trên hệ điều hành Android.

Theo một báo cáo của Nielsen, hệ điều hành Android của Google đang được xem là một trào lưu mới nổi khi đang chiếm khoảng 30% thị phần thị trường hệ điều hành trên toàn thế giới.

Tại cuộc hội thảo Android Blast Off 2011 về phát triển ngành phần mềm nhúng tại TP.HCM hôm 4-3, ông Tân Quang Sang, trưởng bộ phận OESF Lab tại Việt Nam, cho biết trong vài năm trở lại đây, nền tảng Android đã là nền tảng di động phổ biến trên thế giới với sự hậu thuẫn của Google. Một điểm thuận lợi của nền tảng Android là các phiên bản của nó xuất hiện liên tục trong thời gian ngắn nên giúp rất nhiều cho các nhà phát triển hoàn thiện hơn gói sản phẩm.

Bên cạnh đó, đặc điểm của Android là bản quyền mã nguồn mở của nó rất thông thoáng và được ủng hộ bởi nhiều nhà sản xuất như Motorola, Qualcomm, HTC...

Ông Masataka Muira, Chủ tịch của Tổ chức phần mềm nhúng nguồn mở Nhật Bản (OESF), chia sẻ rằng phần mềm nhúng có mặt trên các sản phẩm khá rộng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng nhiều. Ví dụ các thiết bị VoIP, điện thoại di động, ti-vi kỹ thuật số, máy chụp hình, hệ thống định vị xe hơi, máy nghe nhạc, thiết bị ngoại vị, các thiết bị trong y tế…

"Hiện các hãng công nghệ của Nhật Bản đang phát triển nhiều sản phẩm ứng dụng phần mềm nhúng chạy trên Android. Lý do, Android được lựa chọn là tính tương thích cao, phát triển bởi nguồn mở nên sẽ không bị hạn chế trong thời gian vá lỗi, có kết nối với dịch vụ điện toán đám mây như Google Apps và không phụ thuộc vào một nhà sản xuất phần cứng duy nhất", ông Masataka nói.

Theo ông Masataka, Android có tiềm năng phát triển rất lớn và nó không chỉ được dùng cho điện thoại di động mà còn được các nhà sản xuất điện tử trên thế giới sử dụng như là một nền tảng tiên tiến cho sản phẩm nhúng. "Việt Nam không nên đứng ngoài xu thế này nếu muốn phát triển công nghệ nhúng", ông nói.

Ông nói thêm rằng hiện Nhật Bản có nhu cầu rất lớn về gia công phần mềm nhúng và đã đến Việt Nam tìm kiếm đối tác gia công phần mềm nhúng. Do đó, Việt Nam cần chuẩn bị nguồn lực để tham gia vào thị trường gia công phần mềm nhúng.

Để tham gia sâu rộng vào thị trường phần mềm nhúng trên nền tảng Android, Công ty phần mềm FPT Software (FSoft) đã ký kết biên bản hợp tác với OESF nhằm phát triển các phần mềm nhúng trên Android. Đây được xem là một cơ hội cho FSoft tham gia sâu rộng vào phần mềm nhúng và thương mại hóa các sản phẩm của mình. Hiện FSoft đã xây dựng đội ngũ chuyên phát triển phần mềm nhúng trên Androi trong bộ phận nghiên cứu và phát triển của mình.

Bắt đầu từ đào tạo

Nhu cầu về gia công phần mềm nhúng trên thế giới là rất lớn, song số công ty tham gia như FSoft chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đến nay, vẫn chưa có con số thống kê đầy đủ doanh nghiệp có tham gia vào lĩnh vực.

Ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, cho biết doanh thu phần mềm nhúng tại Việt Nam còn quá nhỏ nên chưa có con số thống kê cụ thể. Một số doanh nghiệp cũng đã đạt được những thành công nhất định nhưng vẫn mang tính đơn lẻ.

Trên thực tế, chỉ có FPT Software gia công phần mềm nhúng cho Nhật Bản khoảng năm năm trước. Và, công ty có xây dựng một bộ phận nghiên cứu và phát triển phần mềm nhúng. Mới đây, công ty này cũng nghiên cứu một số sản phẩm phần mềm nhúng dựa trên hệ điều hành Android như phần mềm ứng dụng cho di động, theo dõi định vị xe hơi…

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang gặp phải thách thức lớn là nguồn nhân lực (kỹ sư) cho phát triển phần mềm nhúng. Ỡ lĩnh vực gia công phần mềm đơn thuần, một kỹ sư mới vào nghề cần từ ba đến sáu tháng để làm tốt công việc được giao. Còn thời gian để một kỹ sư mới làm được phần mềm nhúng phải mất từ sáu tháng đến hơn một năm. Thêm vào đó, kỹ sư phần mềm nhúng luôn phải làm việc chặt chẽ với khách hàng nước ngoài và giao tiếp nhiều hơn với các nhóm làm việc nước ngoài khác. Cho nên, phải trang bị nhiều kỹ năng mềm và cần phải có thời gian được đào tạo kỹ năng ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, khả năng thuyết trình và quản lý thời gian… Thông thường các công ty khi tuyển nhân sự cho phần mềm nhúng sẽ phải tốn thêm chi phí đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng mềm khác cho nhân viên.

Ông Tuấn cho rằng hiện các doanh nghiệp gia công phần mềm nhúng đang làm theo kiểu tự phát, dựa vào nhu cầu cụ thể của đối tác. Trong khi đó, nhà nước cũng chưa có những quyết sách cụ thể cho đào tạo nhân lực phần mềm nhúng và đến nay phần mếm nhúng vẫn chưa được giảng dạy sâu rộng trong các trường đại học và cao đẳng. "Cho nên, Việt Nam cần phải đẩy mạnh hơn nữa những định hướng đào tạo cho ngành hệ thống nhúng, bao gồm phần mềm nhúng, để chuẩn bị nguồn lực lâu dài", ông Tuấn nói.

Đồng quan điểm với ông Tuấn, nhiều chuyên gia cho rằng muốn phát triển ngành phần mềm nhúng lên tầm cao mới, như có thể tự sản xuất sản phẩm "made in Vietnam" thì điều kiện tiên quyết là đầu tư tập trung cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Đẩy mạnh định hướng nghiên cứu cho ngành ngay từ hệ thống đào tạo. Trong tương lai, nếu Việt Nam muốn cạnh tranh với Trung Quốc, Ấn Độ cần phải tập trung đầu tư cho con người một cách bài bản và có chiều sâu. Tránh kiểu đào tạo chắp vá và chạy theo phong trào như hiện nay.

Trước khi nhà nước có những bước đi cụ thể thì việc đào tạo vẫn giao phó cho các công ty CNTT và hiệp hội có nhu cầu về nhân lực gia công phần mềm nhúng. Chính vì vậy, mà Hội Tin học TP.HCM đã có cái bắt tay đầu tiên với OESF nhằm đẩy mạnh tuyên truyền thông tin về phần mềm nhúng qua các cuộc hội thảo. Thêm vào đó, OESF đã tổ chức các khóa học về thiết kế phần mềm nhúng trên Android cho các lập trình viên Việt Nam.

Thứ Ba, 12/04/2011 08:50
31 👨 552
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp