CIO Việt: Không chỉ là một chức danh mới

Trong khi các CIO đã thực sự có chỗ đứng trong hệ thống các chức danh của công ty, doanh nghiệp hoặc tập đoàn trên thế giới thì tại Việt Nam, đây vẫn là một chức danh mới. Những hiểu biết về vai trò của các CIO vẫn chỉ trong “vùng phủ sóng” của những người trong nghề và thậm chí không có trong từ điển của nhiều lãnh đạo. Nhưng dù có được thừa nhận hay không thì trên thực tế, bóng dáng của các CIO vẫn thể hiện rất rõ trong sự thành công hay thất bại của bất kỳ dự án CNTT nào.

CIO: Tâm và tầm

Đề án 112 đã chính thức bị ngừng lại. Sự thất bại của một đề án ở tầm Quốc gia này có ảnh hưởng đến không chỉ việc triển khai ứng dụng các CNTT trong các cơ quan hành chính Nhà nước mà còn kéo theo nhiều hệ lụy. Đó là điều không ai mong muốn.

Những kỳ vọng vào một bức tranh tin học hóa sáng hơn là câu chuyện được nhắc đi nhắc lại trong những ngày đầu triển khai đề án. Tuy nhiên, với những phân tích cặn kẽ và với tầm nhìn xa hơn, không ít người đã thấy trước cái chết của đề án này.

Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở BCVT TP.HCM cho biết: “Tôi đảm nhận vị trí Giám đốc Sở Bưu chính viễn thông TP.HCM từ cuối năm 2004 và thực sự bắt đầu công việc đầu năm 2005. Ngay những ngày đầu, chúng tôi đã phát hiện ra những điều không làm được, những cái bất cập của đề án này”.

Không choáng ngợp trước một đề án quá lớn, không vội vã triển khai để sớm có thành tích, thấy được những bất cập của dự án, vị Giám đốc Sở Bưu chính viễn thông TP.HCM, cùng với các cộng sự của mình đã cố gắng để tìm ra những cách thức triển khai mới, đảm bảo tính an toàn và hiệu quả.

Chậm nhưng chắc, triển khai theo nguyên tắc vết dầu loang… là những kinh nghiệm đúc kết trong quá trình triển khai các dự án CNTT lớn tại TP.HCM. Với những thành tựu không thể phủ nhận, TP.HCM đã trở thành một điểm sáng trong lĩnh vực hoạch định và thi hành chính sách CNTT, là một địa phương đi đầu cả nước trong triển khai chính phủ điện tử.

Tuy nhiên, thất bại của Đề án 112 là câu chuyện đã rồi. Nguyên nhân của sự thất bại đang được mổ xẻ để rút kinh nghiệm. Những người cố tình làm sai hay trục lợi từ dự án đang được xử lý. Đó là chuyện đương nhiên. Điều mà khiến không ít người lo lắng là liệu sau thất bại của Đề án này liệu có nảy sinh những sự thận trọng thái quá, hay nói cách khác, liệu những CIO có dám đứng ra lãnh trách nhiệm triển khai các đề án tương tự.

Theo ông Lê Mạnh Hà: “Đây là thời điểm giao thời của một đề án sai phạm, thậm chí có thể gọi là một đề án đã chết. Nó chỉ nói lên là chúng ta phải thận trọng hơn, phải rút ra bài học để tiến lên. Chúng ta phải chấp nhận thất bại, rút kinh nghiệm để đi tiếp chứ không có nghĩa chúng ta sợ không làm nữa”.

Thứ trưởng Bộ TT – TT Vũ Đức Đam thì cho rằng: “Phải có tâm huyết, niềm tin và sự say mê nghề nghiệp vì làm công nghệ thông tin không phải lúc nào cũng thành công. Trên trên thế giới thường chỉ có 30% dự án về công nghệ thông tin trong nhà nước là thành công, 70% còn lại là thất bại. Chính khi thất bại hay những bước chững lại, chúng ta biết đúc kết và biết tin tưởng thì tương lai sẽ rất thành công”.

Những vụ việc liên quan đến Đề án 112 trong những ngày qua đã và đang gây những tác động chưa thể lường hết với cơ chế quản lý các dự án CNTT và bản thân các dự án đó. Nhưng một thực tế đáng buồn khó có thể phủ nhận là niềm tin mà xã hội dành cho CNTT đang bị lung lay mạnh mẽ. Chính trong lúc này, các CIO cần thể hiện là những người có tâm và tầm, dám đứng ra nhận những bài toán khó và dám đương đầu với mạo hiểm để lấy lại niềm tin của xã hội vào CNTT và quan trọng nhất là đưa được những ứng dụng CNTT vào đời sống đúng với vai trò của nó.

CIO Việt: Chức danh mới, vị thế cũ?

Ảnh: Vnmedia Theo TS. Hoàng Quốc Lập, Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông: “Ứng dụng CNTT và các chuyển biến kinh tế nó đã đan xen với nhau, và nó đòi hỏi cho chúng ta mỗi tổ chức dù là cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp cần phải có những cấu trúc lại cái tổ chức của mình, để cho nó theo kịp với lại cái tình hình mới. Trên cơ sở đó chúng ta thấy vấn đề cấp bách và vai trò ngày càng tăng của những nhà quản lý, khai thác và tổ chức thông tin cũng như ứng dụng CNTT. Sự có mặt của họ trong vai trò lãnh đạo của mỗi tổ chức trở thành một xu thế không thể đảo ngược”.

Không chỉ tại các cường quốc công nghệ lớn trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ mà tại các nước láng giêng của Việt Nam như Thái Lan, Trung Quốc, chức danh CIO đã được công nhận và nhìn nhận là những người nắm bắt mọi tiến bộ và khả năng ứng dụng công nghệ vào quản lý, trên cơ sở đó phát huy vai trò của công nghệ thông tin như một ưu thế trong cạnh tranh.

Trong khi đó tại Việt Nam, CIO vẫn hiện diện đâu đó với cái tên Giám đốc thông tin, Quản lý thông tin, Trưởng nhóm thông tin hoặc Phụ trách thông tin... Không nhiều tấm danh thiếp có chức danh CIO, bởi có đặt vào, có lẽ cũng không nhiều người hiểu chức danh này.

Theo ông Lê Mạnh Hà: “Quan niệm về CIO Việt Nam chưa được như mong muốn của những người làm CNTT. Ở những địa phương mà CNTT và những ứng dụng CNTT chưa phổ biến thì rất ít người biết về chức danh này. Đấy là một thách thức rất lớn đối với những người làm CNTT. Trước đây chúng ta nghĩ đây là công việc của những người làm thuần túy CNTT, nhưng cần hiểu đây là công việc của người quản lý CNTT thì đúng hơn”.

Không được nhìn nhận như một chức danh lãnh đạo, không được đánh giá đúng vai trò là một hiện tượng dễ lý giải đối với một nền CNTT đi sau và tất cả còn mới ở giai đoạn ban đầu như tại nước ta. Ngay bản thân những người đàu tàu trong việc triển khai các ứng dụng CNTT tại các tổ chức, doanh nghiệp có lẽ cũng còn e ngại với vị trí CIO của mình.

Thực tế này được phản ánh tại Chương trình bình chọn lãnh đạo CNTT xuất sắc tại Việt Nam. Đã qua 3 lần tố chức, nhưng có vẻ như các CIO Việt vẫn không mấy mặn mà, hay nói đúng hơn, không biết mình có được gọi là CIO không để mạnh dạn gửi hồ sơ tham gia bình chọn.

Theo TS. Hoàng Quốc Lập, Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông: “Năm đầu và năm thứ hai Chương trình bình chọn lãnh đạo CNTT xuất sắc được tổ chức chưa được các lãnh đạo CNTT hưởng ứng. Thậm chí đến năm thứ 3 số lượng tham gia bình chọn cũng không đông lắm, thay vì chọn ra 10 CIO xuất sắc 2007, chúng tôi chỉ chọn được 9. Điều đó đặt ra cho chúng ta suy nghĩ, chúng ta phải làm tốt hơn nữa cái công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ lãnh đạo CNTT cho đất nước”.

Danh phận của CIO Việt Nam đã phải đợi đến khi Bộ Thông tin - Truyền thông chính thức triển khai Nghị định 64/2007/NĐ-CP thì mới chính thức được công nhận. Chặng đường để đi đến ngày có được cái tên chính thức là một câu chuyện dài, nhưng có lẽ, chặng đường để vị thế của các CIO chính thức được công nhận thì có lẽ còn cần nhiều thời gian hơn gấp nhiều lần.

CIO Việt: Thách thức ở nhận thức?

Theo ông Ray Smith - cựu Giám đốc CNTT Public Company Accounting Oversight Board: “CIO cần có năng lực xây dựng đội ngũ. Họ cần hiểu rõ về tổ chức của mình, cần hiểu rõ yêu cầu đặt ra để có một tổ chức tốt, phải thể hiện được khả năng lãnh đạo tổ chức. Họ cần thể hiện được khả năng tương tác và định hướng tổ chức với những quyết định dứt khoát. CIO cũng cần chú ý đến giáo dục và phát triển khả năng cho các thành viên trong tổ chức, phải giúp họ hiểu về công nghệ, những điều công nghệ có thể giúp ích gì cho sự phát triển. Họ dám đương đầu với thách thức, đón đầu công nghệ và quyết đoán để đưa doanh nghiệp tiến lên”.

Lẽ đương nhiên, ai cũng hiểu, không thể đòi hỏi các CIO của Việt Nam ngay lập tức phải đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn của 1 CIO tầm quốc tế, đặc biệt là khi phần lớn các CIO Việt Nam đều đi lên từ vị trí của những người làm kỹ thuật thuần túy. Thế nhưng, là những người đi sau và chức danh chậm được công nhận không phải là lý do để các CIO Việt mãi vin vào đó để bao biện cho những hạn chế của mình.

Đối mặt với thách thức, nhìn thẳng vào yếu kém có lẽ là điều các CIO nên làm để từng bước khẳng định mình đúng với một chức danh đã được công nhận.

Theo ông Nguyễn Việt Thế, Cục trưởng Cục Công nghệ tin học nghiệp vụ - Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Công an: “Về mặt kiến thức chuyên môn thì tôi thấy đại đa số các CIO của VN đều đáp ứng được. Ngoài ra tiêu chuẩn về năng lực quản lý có lẽ phải có chương trình đào tạo về năng lực quản lý điều hành của các CIO”.

Còn theo ông Lê Mạnh Hà: “Bộ máy của chúng ta cực kỳ cồng kềnh, cực kỳ khó chịu. Một CIO cần mềm dẻo hơn trong các mối quan hệ nữa và phải hiểu rất rõ bộ máy, phải hiểu quy hoạch của từng đơn vị”.

Thứ trưởng Vũ Đức Đam thì đưa ra nhận định: “Nếu nói một cách thẳng thắn, CIO trong các cơ quan Nhà nước chưa phải chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu của 1 CIO nếu mà so trên tầm khu vực và quốc tế. Anh em phần lớn xuất phát từ người làm kỹ thuật, trong khi người lãnh đạo CNTT đòi hỏi phải có tầm nhìn rất rộng”. “Tôi nghĩ một trong những thách thức lớn nhất cho các CIO ở Việt Nam và đó cũng là thách thức trong một thế giới toàn cầu là có đủ những người có tiêu chuẩn tốt trong công việc. Ở nhiều doanh nghiệp trên thế giới, cạnh tranh nằm ở chính yếu tố con người với khả năng làm chủ công nghệ. Hơn thua nằm ở chính việc bạn có khả năng thu hút được những người giỏi hay không. Tôi nghĩ đó chính là thách thức lớn với CIO”, ông Ray Smith chia sẻ.

Việt Nam đang nằm trong guồng quay của cuộc cách mạng công nghệ và như một điều hiển nhiên, các CIO có mặt, đóng vai trò lãnh đạo mang tính năng động và đầy thách thức…Ra đời sau, tuy nhiên định nghĩa và vai trò của các CIO Việt Nam không vì thế mà thay đổi. Đó không đơn thuần là một chức danh mới được bổ sung vào đội ngũ quản lý cao cấp, các CIO phải thể hiện được vai trò tiên phong và có sự nhạy cảm đúng mực, đúng thời điểm. Và tất nhiên, để hoàn thành được trọng trách của mình, các CIO Việt ngoài việc hoàn thiện kiến thức và kinh nghiệm bản thân, còn phải đối mặt với những thách thức đến từ nền CNTT đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ.

Nguyễn Bích

Thứ Hai, 15/10/2007 10:00
31 👨 142
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp