"CIO sẽ đóng vai trò nhà chiến lược kinh doanh"

Ứng dụng sâu rộng CNTT trong kinh doanh đòi hỏi người Giám đốc CNTT (CIO) dần vượt qua những công việc kỹ thuật thuần túy. Thay vào đó là 3 vai trò mới: quản lý nghiệp vụ, đổi mới quy trình kinh doanh và tham gia hoạch định chiến lược.

Đánh giá trên được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị và Giải thưởng lãnh đạo CNTT tiêu biểu 2008 (CIO Conference and Awards 2008) diễn ra sáng 17/9 tại Hà Nội. Đây là hội nghị thường niên lần thứ 4 được tổ chức bởi Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ CEO&CIO và bảo trợ bởi Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT, Bộ TT-TT.

Hội nghị lãnh đạo CNTT năm 2008 là diễn đàn cấp cao, nơi qui tụ các nhà lãnh đạo CNTT hàng đầu trong nước và quốc tế tham dự để cùng gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm cũng như các ý tưởng kinh doanh sáng tạo giúp đổi mới hoạt động kinh doanh.

Hội nghị lãnh đạo CNTT năm 2008 qui tụ các nhà lãnh đạo CNTT hàng đầu trong nước và quốc tế gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm cũng như các ý tưởng kinh doanh. Ảnh: Hải Phương.

Chủ đề của Hội nghị năm nay là: “Sáng tạo công nghệ - Đổi mới kinh doanh” được xây dựng dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn của bản thân diễn giả và những số liệu xác thực từ những nghiên cứu của những tổ chức hàng đầu thế giới như CIO Annual Survey do CIO Magazine tiến hành và CEO Global Research do IBM tiến hành, sẽ mang đến những thông tin hữu ích, có tính thực tiễn và ứng dụng cao đối với những hoạt động điều hành CNTT của doanh nghiệp.

Từ sự vận động thay đổi toàn cầu

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự vận động liên tục của thế giới và mức độ ứng dụng ngày càng sâu của CNTT vào kinh doanh khiến vai trò của người CIO càng trở nên quan trọng. Thống kê của hãng EMC châu Á - TBD cho thấy tổng lượng thông tin điện tử được sản sinh trên toàn cầu đã tăng gần 2,5 lần trong vòng 2 năm qua. Năm 2006, “nền kinh tế thông tin toàn cầu” sản sinh ra khoảng 173 exabyte thông tin dạng số (1 exabyte = 1 tỷ gigabyte). Con số này đã tăng lên 440 exabyte trong năm 2008, dự kiến sẽ lớn gấp 10 lần vào năm 2011.

Vượt qua những công việc về IT đơn thuần, khoảng cách giữa người Giám đốc CNTT (CIO) với người Giám đốc Điều hành (CEO) ngày càng rút hẹp. Các CEO hình dung về một doanh nghiệp tương lai thể hiện qua những yếu tố tăng trưởng: tốc độ, bành trướng và không ngừng biến đổi. CIO phải bám sát những yêu cầu, mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, là đầu tàu đổi mới quy trình, nhìn thấy trước những thay đổi và tham gia vào việc hoạch định chiến lược nhằm tối ưu hóa nguồn lực.

Có 5 yếu tố thúc đẩy một doanh nghiệp thay đổi, đó là khát vọng đổi mới của doanh nghiệp để phù hợp với thế giới luôn vận động, khát vọng về sự sáng tạo trong chính tổ chức của họ, do yêu cầu về tích hợp toàn cầu và cuối cùng là yếu tố lợi ích xã hội”, ông Norman Scott, lãnh đạo cấp cao về phát triển thị trường và khách hàng của IBM, chia sẻ.

Theo ông Scott, những nhu cầu trên khiến người CIO phải tìm ra các biện pháp để vận dụng tối ưu sức mạnh của hệ thống. Việc sáng tạo luôn luôn cần thiết, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT. Khi mô hình thay đổi, CIO cũng phải nhận thức được việc đó và đề xuất được phương án liên kết các phòng ban khi thay đổi hệ thống kinh doanh. Hệ thống CNTT cũng phải làm sao để đảm bảo được trách nhiệm xã hội như tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Đó cũng là một cách thể hiện trách nhiệm xã hội mà doanh nghiệp có thể đem lại.

Hai điểm đặc biệt trong nghiên cứu của IBM về lãnh đạo CNTT trong kỷ nguyên mới là vấn đề “tích hợp toàn cầu” và yếu tố lợi ích xã hội.

Trước đây các công ty đa quốc gia đều có chung mô hình: Công ty tại các nước đều có đầy đủ hết các bộ phận. Nhiều khi vì thế mà công ty không tận dụng được hết lợi thế của khu vực đó bởi bộ máy cồng kềnh. Tích hợp toàn cầu cho phép điều chỉnh để đặt những bộ phận có lợi thế nhất vào đúng nơi cần thiết, không cần thiết phải xây dựng tất cả tại mọi nơi. Và điều đó chỉ có thể làm được khi CNTT được ứng dụng mạnh mẽ”, người đại diện IBM giải thích.

Một nghiên cứu thú vị của chúng tôi cho thấy doanh nghiệp hiện nay phải có trách nhiệm xã hội nhiều hơn nữa. Họ không chỉ đơn thuần về kinh doanh mà còn cả tiếp thị xã hội. Sản phẩm khi đưa ra sẽ phải được cân nhắc xem có yếu tố ích lợi xã hội không”.

Và những vấn đề tại Việt Nam

Khái niệm CIO đã trở nên quen thuộc tại Việt Nam thời gian qua. Nhưng đối với thị trường đang phát triển như Việt Nam, việc thu hút và giữ được người CIO thực sự có tầm nhìn chiến lược theo yêu cầu mới thì hoàn toàn không dễ.

Ở thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đều có những nhận thức đúng đắn về vai trò của CIO. Tuy nhiên, về kinh nghiệm, tầm nhìn và cả cách xử lý bài bản thì chúng ta đều thiếu”, ông Duy Quang, CIO Công ty Net-Com, chia sẻ.

CIO là cánh tay phải đắc lực của Tổng giám đốc, vì thế người ta mới hiểu được đường hướng của doanh nghiệp hiện nay là gì, các ưu tiên của doanh nghiệp trong việc cải tạo hệ thống và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Bản thân người CIO cũng phải làm sao rất linh hoạt để đáp ứng những thay đổi liên tục của thế giới bên ngoài. Bản thân họ phải có được tầm nhìn, lường trước những thay đổi có thể diễn ra chứ không phải đợi đến lúc nhu cầu đó xuất hiện mới bắt tay vào việc.

Trong thế giới CNTT của mình, người CIO cũng phải luôn khuyến khích mọi người đổi mới. Vì thế việc thu hút và giữ được người tài rất cần thiết. Điều này đặc biệt quan trọng đối với thị trường đang phát triển như Việt Nam. Việc tìm được một người vừa có kỹ năng, vừa có kinh nghiệm không phải dễ dàng.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Normal Scott đưa ra 3 “gợi ý” cho những doanh nghiệp và các đồng nghiệp tại Việt Nam:

Thứ nhất, những CIO Việt Nam có thể chuyển từ 1 đơn vị chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ kỹ thuật (là CNTT) trở thành cung cấp và tư vấn cả về chiến lược cho cả công ty và các quy trình kinh doanh trong doanh nghiệp. Điều này rất quan trọng bởi đôi khi nói về riêng CNTT thôi sẽ trở nên xa rời với nhu cầu kinh doanh và như thế sẽ không tốt cho cả 2 bên. Vì thế CNTT phải gắn với nhu cầu kinh doanh và phải rất linh hoạt.

Thứ hai, tại những thị trường đang phát triển như Việt Nam, tài năng có tầm nhìn chiến lược về CNTT nói chung hay CIO nói riêng chưa phải là nhiều. Vì thế, tôi nghĩ rằng song song với việc thu hút người tài là việc giữ được người tài. Điều này phụ thuộc vào điều kiện và khả năng của từng giám đốc doanh nghiệp.

Yếu tố cuối cùng là CIO hiện nay đã có thể đứng lên làm tác giả của những thay đổi căn bản trong doanh nghiệp. Không phải khi có đề nghị từ các bộ phận khác thì CIO mới đưa ra giải pháp mà chính họ là người chủ động dẫn dắt những thay đổi nhằm tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí.

Những CIO là cánh tay phải đắc lực của Tổng giám đốc doanh nghiệp và phải bám sát chiến lược kinh doanh của Tổng giám đốc đưa ra. Nói chung, CIO ngày càng đóng vai trò quan trọng trong doanh nghiệp và có tác động trực tiếp đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ Bảy, 20/09/2008 10:53
31 👨 243
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp