Chuyện gì đang xảy ra với Apple và Steve Jobs?

Sau một thời gian dài "lặn mất tăm" và im hơi lặng tiếng khá khó hiểu, ngày hôm qua, Steve Jobs đã xác nhận mình bị rối loạn hormone nhưng căn bệnh này "điều trị không khó", và rằng ông vẫn đủ sức để điều hành Apple.

Rối loạn hormone

Sự vắng mặt của Jobs suốt thời gian qua, cộng với việc ông sẽ không thuyết trình trên sân khấu Macworld 2009 như thông lệ hàng năm, đã làm dấy lên tin đồn rằng tình trạng sức khỏe của Jobs đang rất xấu.

Người ta có lý để mà hoài nghi, bởi lẽ Jobs từng mắc phải một căn bệnh ung thư hiếm gặp. Dù đã điều trị thành công, song có thể nói Jobs chưa bao giờ là một người thực sự khỏe mạnh.

Sau xác nhận của Jobs, giá cổ phiếu Apple đã tăng hơn 4%, bất chấp đà giảm giá chung của toàn thị trường.

Mặc dù vậy, theo giới phân tích, tình hình sức khỏe của Jobs sẽ không còn là vấn đề của riêng ông nữa. Cả làng công nghệ và cả phố Wall sẽ theo dõi sít sao từng động tĩnh của "ông thầy phù thủy" này.

Có thể nói, sức khỏe của Giám đốc điều hành luôn là vấn đề lớn của bất cứ doanh nghiệp nào. Nhưng với Apple, nơi Jobs đã chèo lái suốt một thập kỷ qua và gặt hái vô số thành công khổng lồ, vấn đề ấy lại càng trọng đại.

Công thức "Thiết kế sành điệu" + "tính thời thượng" + "sự bí ẩn" đã làm nên một thương hiệu Apple lẫy lừng, với những sản phẩm bom tấn như máy tính Mac mới, máy nghe nhạc iPod và điện thoại di động iPhone.

Trong một bức thư ngỏ gửi đi, Jobs, 53 tuổi, cho biết ngay chính bản thân ông và các bác sĩ cũng không hiểu vì sao ông ngày càng gầy đi.

Mãi tới vài tuần trước, sau khi kiểm tra máu kỹ lưỡng, bác sĩ mới phát hiện ông bị "mất cân bằng hormone khiến cho protein bị "đánh cắp" khỏi cơ thể.

"Phương pháp điều trị căn bệnh dinh dưỡng này tương đối đơn giản và dễ thực hiện. Tôi đã bắt đầu quá trình điều trị rồi. Các bác sĩ dự đoán đến cuối mùa xuân này, tôi mới có thể lấy lại trọng lượng đã mất".

Tiền sử "bệnh tật"

Cùng với Steve Wozniak, Steve Jobs đã sáng lập ra Apple vào năm 1976 - thời điểm "bình minh" của cuộc cách mạng máy tính cá nhân.

Tuy nhiên, đến năm 1985, ông bị ban giám đốc "hất cẳng" ra khỏi Apple do bất đồng quan điểm.

Đến năm 1997, khi Apple đang đứng chênh vênh bên bờ diệt vong, Steve Jobs đã được mời trở lại và giao cho trọng trách Giám đốc điều hành.

Hết sức mạnh tay, ông đã hủy bỏ mọi dòng sản phẩm không mang lại lợi nhuận, đồng thời cứu vớt Apple ra khỏi cơn khủng hoảng tài chính.

Năm 2004, Jobs thông báo ông vừa trải qua một cuộc phẫu thuật thành công để điều trị một chứng bệnh ung thư hiếm gặp. Chứng bệnh này, mặc dù vậy, lại chữa trị được dứt điểm nếu phát hiện sớm.

Mặc dù vậy, nỗi lo sợ rằng Apple sẽ "đánh mất" vị lãnh đạo tài ba của mình đã lan rộng trong cả năm 2008, khi Jobs ngày càng xanh xao, mệt mỏi và gương mặt hốc hác một cách dễ thấy.

Đại diện Apple khẳng định Jobs chỉ bị ốm vặt, song tờ NYTimes trích dẫn một nguồn tin giấu tên cho hay Jobs đang phải "điều trị đặc biệt" sau khi bị giảm cân bất thường.

Mối quan ngại lại càng trở nên căng thẳng sau khi Apple thông báo Jobs sẽ không đến dự Macworld 2009, dự kiến khai màn ngày mai tại San Francisco.

Đây là một dấu hiệu lạ lùng, bởi thương hiệu Apple và Macworld đã gắn bó với nhau từ cả chục năm nay.

Sắp nghỉ hưu?

Chính tại Macworld 2007 mà Jobs đã công bố iPhone, còn năm ngoái, ông đã khiến cả làng công nghệ phải xuýt xoa với chiếc máy tính xách tay siêu mỏng Macbook Air.

Lý do mà Apple đưa ra cho sự vắng mặt của Jobs lại chẳng mấy thuyết phục. Theo Apple, vì năm nay là lần cuối cùng Apple xuất hiện tại Macworld nên Jobs không thuyết trình nữa.

Thay thế Jobs sẽ là Phil Schiller, một quan chức phụ trách marketing.

Nhận thức rõ dư luận "xấu" về tình trạng sức khỏe của mình, Jobs đã phải gửi thư ngỏ để "trấn an mọi người".

"Các bạn đều có thể thở phào và tận hưởng Macworld kể từ ngày mai", ông viết.

Với giới đầu tư, lời nói của Jobs dường như đã thuyết phục được họ. Giá cổ phiếu Apple đã tăng 3,83 USD, tương đương 4,2% để đóng cửa ở mức 94,58 USD trong phiên giao dịch sáng nay.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Brian Marshall của hãng AmTech Research, những lời đồn và phán đoán về tình hình sức khỏe của Jobs khó lòng mà chấm dứt hẳn tại đây cho được.

Marshall dự đoán Jobs sẽ từ nhiệm vào cuối năm nay và chỉ đảm đương cương vị cố vấn cho Apple mà thôi.

Cũng theo Marshall, sự kiện này có thể sẽ khiến giá cổ phiếu Apple mất từ 10-15 USD.

Về phần mình, các chuyên gia y học nói rằng thông tin tiết lộ trong thư "quá ít" để có thể xác định chính xác căn nguyên đứng sau việc Jobs bị sụt cân.

Cuộc trình diễn vẫn tiếp tục

Bất chấp quyết định gây sốc của Apple, Triển lãm Macworld 2009 vẫn cứ phải diễn ra theo đúng kế hoạch.

Và Apple cũng không phải là không có sản phẩm mới để trình làng. Rất có thể Phó Chủ tịch Marketing Phil Schiller sẽ quảng cáo về một iPhone Nano, một phiên bản MacBook Pro 17 inch cải tiến hoặc một hệ điều hành mới có tên Báo tuyết.

Chẳng ai rõ chuyện gì sẽ xảy đến với Macworld sau sự ra đi của Apple. Ban tổ chức khẳng định sẽ vẫn có Macworld 2010, dù họ sẽ phải bàn luận cụ tỉ về tương lai của triển lãm này ngay trong tuần.

Theo CNET, khó mà tưởng tượng ra một số phận nào cho Macworld khác hơn là cái kết bi đát của Triển lãm East Coast sau khi Apple "quay lưng bỏ đi" trước đây.

Kể từ khi quay lại điều hành Apple, Jobs luôn là tiếng nói chính của Apple.

Dù Macworld có được tổ chức ở Boston, New York hay San Francisco, Jobs vẫn luôn là ngôi sao của Triển lãm, hơn bất cứ một sản phẩm công nghệ nào khác.

Suy cho cùng, người đàn ông này là một huyền thoại. Nhiều người đánh giá ông là một trong những doanh nhân có sức ảnh hưởng nhất thế giới của 30 năm trở lại đây.

Ông đã làm thay đổi cách mọi người nhìn Apple: luôn lịch thiệp, tao nhã, thời trang nhưng đầy sức "bó buộc", đủ để giữ chân người dùng trong cả một thời gian dài.

Mặc dù vậy, đã có những dấu hiệu cho thấy Apple đang bước vào một kỷ nguyên mới.

Rất hiếm khi Steve Jobs xuất hiện bên cạnh người khác trong các bài diễn thuyết của mình.

Nhưng tháng 10 vừa qua, trong sự kiện ra mắt MacBook mới, hãng đã đưa lên sân khấu cả một êkip quan chức hùng hậu như Giám đốc quản lý Tim Cook, Phó Chủ tịch phụ trách Thiết kế Jonny Ive hay Phó chủ tịch Thiết kế Sản phẩm Dan Riccio.

Kỷ nguyên mới?

Ngoài ra, việc MacBook mới được trình làng vào tháng 10 cũng là một dấu hiệu lạ.

Nếu như đại đa số các hãng điện tử luôn trình làng những sản phẩm lớn vào thời điểm cuối năm (để đón lõng mùa mua sắm Giáng sinh) thì Apple lại luôn làm ngược lại.

Các sản phẩm "bom tấn" gần đây của Apple luôn được giới thiệu ngay đầu năm mới, nhân dịp Triển lãm Macworld.

Thế nên cột mốc tháng 10 kia tiềm ẩn khá nhiều sự thay đổi về tư tưởng và chiến lược trong nó.

Thêm nữa, Apple sẽ gặp rắc rối lớn nếu như dân tình mãi xem Jobs là người duy nhất có khả năng điều hành được hãng.

Apple của ngày hôm nay rất khác so với cái tập đoàn chao đảo, khủng hoảng mà Jobs tiếp quản hồi năm 1997.

Hãng hiện có tới 32.000 nhân viên, 3 sản phẩm bom tấn tạo ra lợi nhuận kếch xù và sở hữu một quầy nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới.

Một ngày nào đó, cũng như Bill Gates, Steve Jobs sẽ cảm thấy sẵn sàng để bước sang trang mới của cuộc đời.

Khi ấy, Apple sẽ cần có một người thay thế. Nhiều chuyên gia đã chỉ trích Apple trong suốt cả năm qua về việc không có kế hoạch "kế nhiệm Steve Jobs cho ra hồn".

Nhưng xin nhớ rằng: không thảo luận công khai một kế hoạch như vậy và không thảo luận trong nội bộ một kế hoạch như vậy là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Ngày mai chính là bước đi đầu tiên của kế hoạch đó. Có thể Phil Schiller không phải là người sẽ lãnh đạo Apple một khi Jobs ra đi, nhưng ông ta là người lý tưởng để chứng minh: Apple vẫn còn đó những người có kỹ năng thuyết trình bậc thầy.

Thứ Năm, 08/01/2009 10:20
31 👨 491
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp