6 Cách chưng yến ngon, bổ dưỡng cho người già, người bệnh

Tổ yến (yến sào) là một loại thực phẩm quý giá, có nguồn gốc từ thiên nhiên chứa nhiều chất dinh dưỡng, khoáng chất cần thiết để bồi dưỡng cho sức khỏe con người, đặc biệt là với người già, khi khả năng miễn dịch của họ bị ảnh hưởng, các bộ phận trên cơ thể cũng dần yếu đi. Trong bài viết dưới đây, Quản Trị Mạng xin giới thiệu đến bạn 6 cách chưng yến ngon, bổ dưỡng cho người già, người bệnh. Cùng theo dõi nhé!

Tác dụng của yến và các nguyên liệu khác đối với người già, người bệnh

Tác dụng của yến và các nguyên liệu khác đối với người già, người bệnh

Các công thức chưng yến dưới đây đều có sử dụng một số loại nguyên liệu chế biến khác ngoài tổ yến. Trước hết, bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu công dụng của yến sào nhé.

Tổ yến: Công dụng chính của yến sào là: Bồi bổ sức khỏe, tăng cường khả năng tiêu hóa và trao đổi chất trong cơ thể để hấp thu dinh dưỡng tốt.

Đông trùng hạ thảo: Đông trùng hạ thảo là loại dược liệu có đặc điểm sinh trưởng rất đặc biệt với nửa thân ấu trùng, nửa thân thảo. Chúng đem lại những lợi ích tuyệt vời giúp tăng cường sức khỏe cho người già nói riêng và con người nói chung. Xem thêm: Tác dụng của đông trùng hạ thảo ngâm mật ong? Cách ngâm như thế nào?

Táo đỏ: Táo đỏ có công dụng là: tốt cho huyết áp thấp, tăng cường khí huyết, tốt cho não bộ...

Hạt sen: Không chỉ là một món ăn vui miệng, hạt sen còn có tác dụng với giấc ngủ, tốt cho phụ nữ sau sinh và làm đẹp da...

Câu kỷ tử: Nguyên liệu này thường được dùng trong nhiều món ăn ngon, ngoài việc tăng hương vị cho món ăn nó cũng có tác dụng tốt cho mắt, khớp, phổi, huyết áp, làm đẹp da.

Mật ong: Mật ong từ lâu đã được xem như thần dược giúp chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho tất cả mọi người. Mật ong rất tốt cho dạ dày, đại tràng, họng, sát khuẩn vết thương tốt, tốt cho mắt và làm đẹp da...

Saffron: Nhụy hoa nghệ tây (Saffron) là loại thảo dược quý, đặc biệt tốt cho giấc ngủ và một số vấn đề của phụ nữ. Nó cũng có ảnh hưởng tốt đến tim mạch, mắt, cải thiện thâm nám và độ ẩm cho da.

Hạt chia: Hạt chia là loại hạt dinh dưỡng khá phổ biến, nó rất giàu chất xơ, chứa axit béo Omega 3, chứa chất chống oxy hóa, tốt cho răng, xương.

Lá dứa (Lá nếp): Lá dứa thường được biết đến với công dụng làm tăng độ thơm ngon cho món ăn, nhưng ít ai để ý rằng nó còn có những công dụng tuyệt vời cho thần kinh, huyết áp, khớp; loại bỏ cảm giác căng thẳng, lo lắng...

Nhãn nhục: Nhãn nhục chính là long nhãn - sản phẩm của quá trình sơ chế, sấy khô cùi nhãn. Nhãn nhục có tác dụng: Bồi bổ sức khỏe; tốt cho tim mạch; giấc ngủ và cảm giác ngon miệng...

Bạch quả: Bạch quả (Ginkgo biloba, hay trong Đông y gọi là quả ngân hạnh) là một loại dược liệu quý thường được dùng trong một số món ăn bồi bổ sức khỏe. Bạch quả có tác dụng tốt với ho, tuần hoàn máu não, giảm căng thẳng...

Bạn cũng lưu ý rằng, tùy thuộc vào cơ thể riêng của từng người mà những thành phần kể trên có thể nằm trong danh sách chống chỉ định, không nên sử dụng. Vì vậy, trước khi chưng yến với một thành phần nguyên liệu nào, bạn nên tìm hiểu kỹ các nguyên liệu, thực phẩm không phù hợp với tình trạng sức khỏe của người dùng nhé!

6 cách chưng yến ngon, bổ sung dưỡng chất cho người già, người bệnh

Một số lưu ý khi sơ chế và chưng yến

Một số lưu ý khi sơ chế và chưng yến

Bởi vì chuẩn bị yến sào cho đúng cách là công đoạn quan trọng nhất trong quá trình chưng yến, chúng tôi sẽ dành riêng phần này để cung cấp các thông tin liên quan cho bạn, cùng theo dõi nhé!

Về việc làm sạch yến: Nếu bạn sử dụng yến đã tinh chế thì có thể bỏ qua công đoạn sơ chế. Thế nhưng, nếu bạn dùng yến tươi (yến thô) thì nhất định phải thực hiện đầy đủ quy trình này nhé.

Trước hết, bạn ngâm yến với nước trong khoảng 1 - 2 tiếng (thời gian điều chỉnh tùy vào độ dày của yến) cho đến khi thấy sợi yến dần tơi thì vớt ra để ráo nước. Tiếp đó, bạn dùng nhíp gắp hết lông cùng các tạp chất trong tổ yến rồi tách hẳn ra thành từng sợi và đặt chúng vào rây.

Tiếp đó, bạn cho rây vào chậu nước, dùng thìa khuấy nhẹ và nâng rây lên xuống để những sợi lông tơ còn sót lại theo nước ra ngoài. Quá trình này có thể lặp lại vài lần nếu tổ yến vẫn chưa được làm sạch hoàn toàn, tuy nhiên, bạn phải nhớ thay nước liên tục thì mới có hiệu quả. Cuối cùng, bạn để cho yến ráo nước hoàn toàn là có thể đem đi chưng ngay hoặc bảo quản trong tủ lạnh.

Về việc ngâm yến: Đối với yến tươi trước đó đã trải qua quá trình ngâm và làm sạch, bạn sẽ không cần phải thực hiện thêm công đoạn này. Với yến tinh chế, bạn ngâm vào nước cho yến nở mềm và tơi thêm, lưu ý không sử dụng nước nóng vì sẽ làm tan yến, mất chất dinh dưỡng, chỉ nên sử dụng nước ở nhiệt độ thường hoặc nước có một chút độ ấm nhỏ.

Thời gian ngâm yến đã tinh chế thường là khoảng 20 - 30 phút. Đây không phải là mức thời gian bắt buộc, bạn cần chú ý tới loại yến mình sử dụng để điều chỉnh thời gian ngâm và chưng cách thủy sau đó (như ảnh) cho đúng, kết hợp theo dõi thêm quá trình làm, thấy khi nào yến mềm, sợi tơi ra là đã đủ điều kiện.

Bảng thời gian ngâm yến nở và chưng cách thủy, chưng với nồi điện

Bảng thời gian ngâm yến nở và chưng cách thủy, chưng với nồi điện

Về việc khử mùi tanh cho yến: Tổ yến thô sẽ có mùi tanh đặc trưng, gần giống mùi lòng trắng trứng gà. Để khử hết mùi tanh của yến, trong lúc chưng yến bạn nên cho thêm một vài lát gừng vào. Gừng còn có thể làm tăng hương vị hấp dẫn cho món ăn cũng như trung hòa tính hàn của tổ yến nữa đó. Nếu không muốn dùng thêm gừng, tốn thêm thời gian, công sức, bạn có thể sử dụng trực tiếp loại yến sào đã được tinh chế nhé.

Cách chưng yến với đông trùng hạ thảo

Cách chưng yến với đông trùng hạ thảo

Chuẩn bị

  • Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
  • Đông trùng hạ thảo: 1 - 2 con
  • Đường phèn: 1 - 2 thìa nhỏ (tùy khẩu vị)

Cách làm

  • Bước 1: Công đoạn đầu tiên phải làm là sơ chế yến (nếu dùng yến tươi), ngâm để yến mềm và nở ra rồi tách thành sợi, vớt ra để khô nước. Đông trùng hạ thảo bạn cũng rửa sạch và để ráo nước.
  • Bước 2: Bạn cho khoảng 200ml nước vào nồi, cho đường phèn vào đun sôi đến khi đường tan chảy hoàn toàn, sau đó thêm tiếp đông trùng hạ thảo vào đun cùng đường phèn cho chín thì tắt bếp.
  • Bước 3: Giai đoạn này, bạn chưng cách thủy yến sào đã sơ chế trước đó trong khoảng 20 - 30 phút, sau đó mở nắp đổ nốt hỗn hợp nước đường, đông trùng hạ thảo vào khuấy đều, chưng tiếp trong 5 phút là đã xong.

Cách chưng yến sào với táo đỏ, hạt sen, nhãn nhục, bạch quả và đường phèn (yến chưng tứ bảo)

Cách chưng yến sào với táo đỏ, hạt sen, nhãn nhục, bạch quả và đường phèn (yến chưng tứ bảo)

Chuẩn bị

  • Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
  • Hạt sen: 30gr
  • Táo đỏ khô (táo tàu): 5 - 8 quả
  • Nhãn nhục: 2 thìa nhỏ (khoảng 4 - 5 miếng cùi)
  • Bạch quả: 5gr
  • Đường phèn: 1 - 2 thìa nhỏ (tùy theo khẩu vị của mỗi người)

Cách làm

  • Bước 1: Đầu tiên, bạn thực hiện quy trình sơ chế, ngâm yến như đã miêu tả ở phần đầu bài, sau đó tiếp tục chuẩn bị các nguyên liệu khác. Đối với nhãn nhục khô, bạn ngâm vào nước ấm để chúng nở đều, mềm, sau đó rửa sạch lại cùng các nguyên liệu khác.
  • Bước 2: Tiếp đến sẽ là công đoạn chế biến hạt sen. Nếu bạn chuẩn bị hạt sen khô thì phải ngâm trước với nước ấm trong 45 phút, sau đó rửa lại rồi cho vào nồi đun cùng một chút nước để hạt sen chín mềm. Với hạt sen tươi, bạn tách vỏ, loại bỏ tim sen bằng tăm (để không có vị đắng), rửa thật sạch rồi cho vào nồi đun với lượng nước vừa đủ. Hạt sen tươi sẽ nhanh mềm hơn nên bạn chú ý điều chỉnh thời gian đun phù hợp, không để hạt sen bị nhũn.
  • Bước 3: Theo dõi thấy hạt sen đã có dấu hiệu mềm, bạn cho táo đỏ, nhãn nhục, bạch quả và một ít đường phèn (độ ngọt tùy chỉnh) vào đun tiếp, lưu ý khi đun bạn nên để lửa nhỏ để các loại hạt chín đều. Bạn theo dõi cho đến khi nào cảm thấy phần hạt chín, phần nước tiết ra từ hạt trong quá trình đun cũng hòa quyện với nhau thì tắt bếp.
  • Bước 4: Lúc này, bạn cho yến sào vào riêng một chén sứ có nắp, thố chưng hoặc dùng bát và đĩa đậy, chưng cách thủy trong vòng khoảng 30 phút. Lưu ý, lượng nước trong nồi chỉ nên ngập khoảng 80% chén/bát/thố để đảm bảo nước không tràn vào yến trong quá trình sôi.
  • Bước 5: Công đoạn cuối cùng, bạn cho yến sào đã chưng vào hỗn hợp hạt sen, táo đỏ, nhãn nhục, bạch quả và đun tiếp thêm khoảng dưới 5 phút, thế là bạn đã có ngay một chén yến chưng tứ bảo thơm ngon dùng để bồi bổ cho người già, người bệnh rồi đó.

Cách chưng yến với táo đỏ, hạt sen, câu kỷ tử, đường phèn

Cách chưng yến với táo đỏ, hạt sen, câu kỷ tử, đường phèn

Chuẩn bị

  • Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
  • Hạt sen: 30gr
  • Táo đỏ khô (táo tàu): 5 - 8 quả
  • Câu kỷ tử: 10gr
  • Đường phèn: 1 - 2 thìa nhỏ (tùy theo khẩu vị của mỗi người)

Cách làm

Về cơ bản, cách chưng yến với táo đỏ, hạt sen, câu kỷ tử và đường phèn giống với công thức làm yến chưng tứ bảo phía trên, chỉ thay nguyên liệu nhãn nhục, bạch quả bằng hạt câu kỷ tử. Bạn có thể tham khảo cách chế biến ở phần công thức phía trên nhé.

Cách chưng yến với hạt sen, lá dứa

Cách chưng yến với hạt sen, lá dứa

Chuẩn bị

  • Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
  • Hạt sen: 30gr
  • Lá dứa: 5 lá
  • Đường phèn: 1 - 2 thìa nhỏ (tùy theo khẩu vị của mỗi người)

Cách làm

  • Bước 1: Bước đầu tiên, bạn sơ chế và ngâm yến, loại bỏ tạp chất rồi để cho ráo nước.
  • Bước 2: Hạt sen khô bạn ngâm với nước ấm trong 45 phút, sau đó rửa sạch và lại cho vào nồi nấu cùng nước đến khi chín mềm. Nếu dùng hạt sen tươi thì bạn bóc vỏ, bỏ tim sen, rửa sạch rồi cho nước vào đun chín. Lá dứa lúc này bạn cũng rửa sạch, cắt thành từng khúc rồi cho vào đun chung với hạt sen để phần nước tiết ra từ lá tạo độ thơm ngon, thanh mát cho hỗn hợp.
  • Bước 3: Yến sào đã rửa khô, bạn chưng cách thủy trong 20 - 30 phút thì đổ hỗn hợp hạt sen lá dứa vừa làm vào trộn đều, đun tiếp trong 5 phút là có thể tắt bếp và sử dụng luôn.

Cách chưng yến với táo đỏ, hạt chia và đường phèn

Cách chưng yến với táo đỏ, hạt chia và đường phèn

Chuẩn bị

  • Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
  • Táo đỏ khô: 5 - 8 quả
  • Hạt chia: 1 thìa nhỏ
  • Đường phèn: 1 - 2 thìa nhỏ (tùy khẩu vị)

Cách làm

  • Bước 1: Bạn sơ chế yến, ngâm yến rồi tách thành sợi, để khô ráo nước.
  • Bước 2: Tiếp theo, bạn cho khoảng 300ml nước và 1 - 2 thìa đường phèn vào đun sôi cho đường tan ra, sau đó cho tiếp táo đỏ khô vào và để bếp nhỏ lửa. Công đoạn này sẽ giúp chất ngọt trong táo tiết ra và táo được mềm hơn khi dùng.
  • Bước 3: Phần yến vừa được sơ chế, bạn cho vào trong thố chưng hoặc chén sứ có nắp để chưng cách thủy trong khoảng 30 phút, sau đó mở ra cho thêm hỗn hợp táo đường vừa làm, hạt chia vào chung và khuấy đều. Cuối cùng, bạn chưng tiếp 5 - 10 phút cho đến khi thấy hạt chia nở ra thì tắt bếp, bắc ra ngoài là có thể sử dụng luôn.

Cách chưng yến với saffron và mật ong

Cách chưng yến với saffron và mật ong

Chuẩn bị

  • Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
  • Mật ong: 2 thìa
  • Saffron: 8 - 10 sợi

Cách làm

  • Bước 1: Đầu tiên, bạn phải sơ chế và ngâm tổ yến theo quy trình trước đó chúng tôi đã đề cập, để khô ráo nước.
  • Bước 2: Bạn cho tổ yến vào chén sứ hoặc thố chưng yến có nắp đậy, chưng cách thủy trong vòng 30 phút, sau khi nước chưng sôi nhớ chỉnh nhỏ lửa để yến mềm đều mọi chỗ.
  • Bước 3: Cùng lúc này, bạn hòa mật ong với nước ấm (khoảng 500ml), sau đó cho phần nước mật ong và Saffron vào cùng với yến, chưng thêm khoảng 5 phút nữa thì tắt bếp, bắc ra ngoài và cho người già, người bệnh thưởng thức.

Ngoài 6 công thức mà chúng tôi đề cập đến trên đây, bạn có thể tham khảo cách chưng yến đường phèn đơn giản, thơm ngon mà không tốn nhiều thời gian và không phải chuẩn bị nhiều nguyên liệu tại đây.

>> Có thể bạn quan tâm: Cách ngâm và bảo quản sâm với mật ong chuẩn tại nhà

Giới thiệu sản phẩm nồi chưng cách thủy tốt

Nồi chưng đôi cách thủy Dasin DGD32 - 32CG

Ngoài phương pháp chưng cách thủy truyền thống cùng các loại nồi thông thường, hiện nay trên thị trường đã xuất hiện thêm loại nồi chưng bằng điện rất tiện ích, ví dụ như chiếc nồi chưng đôi cách thủy Dasin DGD32 - 32CG dưới đây.

Sản phẩm bao gồm 4 nồi sứ có nắp tiện lợi (1 nồi sứ to dung tích 3,2 lít và 3 nồi sứ nhỏ dung tích 650ml/nồi)

Sản phẩm bao gồm 4 nồi sứ có nắp tiện lợi (1 nồi sứ to dung tích 3,2 lít và 3 nồi sứ nhỏ dung tích 650ml/nồi), được làm bằng chất liệu gốm sứ tự nhiên, an toàn, không độc hại, giúp bạn có thể chưng một hoặc nhiều món cùng lúc để tiết kiệm thời gian, công sức và đáp ứng được mọi sở thích của các thành viên trong gia đình.

Dasin DGD32 - 32CG là nồi tự động thế nên bạn chỉ cần cài đặt nhiệt độ, thời gian rồi để cho máy hoạt động, không cần theo dõi thường xuyên. Đặc biệt, nồi còn có sẵn chế độ chưng, nấu một số loại thực phẩm vô cùng tiện ích như chưng yến, hầm xương, làm sữa chua... với bảng điều khiển được chú thích rõ ràng, đầy đủ.

Hiện nay trên thị trường, chiếc nồi này đang được bán với giá khoảng 2 triệu đồng.

  • Công suất: 600W
  • Thương hiệu: Đài Loan
  • Sản xuất tại: Trung Quốc
  • Bảo hành: 24 tháng

Hy vọng rằng, những chia sẻ trên đây của chúng tôi đã cho bạn thêm gợi ý hay trong việc lên thực đơn bổ dưỡng để chăm sóc sức khỏe cho người già, người bệnh.

Ghé thăm Quản Trị Mạng thường xuyên để tìm hiểu những mẹo hay cuộc sống, bí kíp chọn quà tặng bổ ích nhé!

>> Có thể bạn quan tâm: Trẻ em có nên uống hồng sâm không? Hồng sâm cho bé loại nào tốt?

Thứ Tư, 02/12/2020 10:02
54 👨 115.289
0 Bình luận
Sắp xếp theo