Kết hôn là việc trọng đại, quyết định đến hạnh phúc cả cuộc đời mỗi con người. Không chỉ đơn giản là hai người sẽ sống chung với nhau mà còn có rất nhiều vấn đề liên quan khác. Vì thế trước khi quyết định tiến tới hôn nhân, bạn cần phải chắn chắn là mình đã sẵn sàng.
1. Bạn kết hôn vì điều gì?
Bạn quyết định kết hôn vì tình yêu mãnh liệt, muốn cùng người ấy xây dựng, chăm lo một gia đình hạnh phúc hay chỉ đơn giản là muốn có một đám cưới, muốn một sự thay đổi mới lạ trong cuộc sống của mình. Hoặc thậm chí là vì những người xung quanh bạn đều đã có gia đình khiến bạn cảm thấy sốt ruột và nhanh chóng kết hôn ngay cả khi bản thân chưa sẵn sàng. Và khi những sự mong muốn đó qua đi, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy tẻ nhạt và hối hận với quyết định của mình.
Gia đình là nhà, là tổ ấm, là nơi mà mọi người có thể trở về, tránh xa cuộc sống xô bồ, hối hả, nhộn nhịp đầy toan tính, bon chen để có thể tìm được sự bình yên, niềm tin và động lực trong cuộc sống. Với ý nghĩa thiêng liêng đó, mỗi người trong gia đình cần phải thực hiện những trách nhiệm của riêng mình và nó cần được duy trì bằng một trái tim yêu thương chân thành.
2. Bạn đã có đủ thời gian để tìm hiểu về đối phương?
Trước khi kết hôn, bạn cần thẳng thắn nhìn lại xem mình đã thực sự hiểu đối phương là người như thế nào chưa? Bạn biết bao nhiêu về gia đình, công việc, quá khứ của người đó? Thậm chí là cả về những mối tình trước đây và người yêu cũ... Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hôn nhân sau này của bạn nên nếu câu trả lời của bạn là chưa thì bạn nên dành thêm thời gian để tìm hiểu kỹ càng về người đó.
3. Bạn có hoàn toàn tin tưởng người này không?
Hãy tự hỏi bản thân rằng mình có sẵn sàng dành tất cả phần đời còn lại để chung sống với người này không? Bạn sẽ trao hạnh phúc cuộc đời mình cho người ấy, vì thế phải thật chắc chắn với tình cảm cũng như quyết định của mình.
4. Bạn có sẵn sàng hy sinh vì người này không?
Dù hai người có yêu nhau, tâm đầu ý hợp đến mấy thì cũng sẽ có những sự khác biệt nhất định trong tính cách, thói quen, nhu cầu hàng ngày. Nếu cả hai đều cương quyết không chịu thay đổi để hòa hợp với người còn lại thì chắc chắn sẽ có sự cãi vã. Vì thế mỗi người đều phải học cách hy sinh, nhường nhịn để có một cuộc hôn nhân bền chặt.
5. Bạn đã sẵn sàng từ bỏ cuộc sống độc thân?
Cuộc sống độc thân và cuộc sống gia đình có rất nhiều điểm khác nhau. Kết hôn nghĩa là sẽ có một người khác xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của bạn và bạn phải có trách nhiệm với điều đó.
Những cuộc đi chơi với bạn bè đều phải giữ một chừng mực về thời gian cũng như việc bạn phải dành thời gian cho gia đình và sắp xếp lại những thói quen, sở thích của mình, bạn phải san sẻ chiếc giường, chiếc tivi... với một người nữa và đặc biệt phải giữ một khoảng cách nhất định với những người khác giới.
6. Bạn đã sẵn sàng làm vợ, làm mẹ hay làm chồng, làm cha?
Khi bạn đã kết hôn, cuộc sống sẽ không còn đơn giản như trước. Bạn sẽ phải đảm đương thêm nhiều công việc và trách nhiệm để thực hiện vai trò của một người vợ, một người chồng. Một gia đình cần người trụ cột về tài chính và tinh thần, cần người xử lý những việc trọng đại cũng như chăm lo, vun vén để xây dựng tổ ấm hạnh phúc.
Khi có con cái, bạn sẽ làm cha, làm mẹ, phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của những đứa trẻ từ khi còn trong bụng mẹ, đến khi sinh ra, nuôi dưỡng và giáo dục. Vì thế bạn phải chắc chắn mình đã sẵn sàng cho mọi thứ trước khi quyết định tiến tới hôn nhân.
7. Bạn có chấp nhận cách sống của đối phương?
Mỗi người đều có những cách sống riêng và thói quen khác nhau. Việc kết hôn nghĩa là hai bạn sẽ chung sống với nhau trong suốt cả cuộc đời. Vì vậy, bạn cần phải chấp nhận và tôn trọng cách sống của đối phương để có thể sống hòa hợp trong một gia đình.
Nếu bạn là người ưa sạch sẽ nhưng đối phương lại là một người luộm thuộm, bạn có sẵn sàng chấp nhận điều đó? Nếu bạn là một người cẩn thận nhưng người đó lại thường xuyên bất cẩn và lơ đãng, bạn có thể dung hòa được không?
Ngoài ra, trong gia đình còn có rất nhiều các công việc như: nấu cơm, rửa bát, quét dọn, giặt quần áo... Hai bạn có san sẻ với nhau công việc nhà hay chỉ một người đảm nhận tất cả.
Hãy thống nhất thật kỹ trước khi quyết định kết hôn để không xảy ra những bất đồng không đáng có, ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân hạnh phúc của mình.
8. Hai bạn có chung quan điểm về gia đình?
Về vấn đề con cái, hai bạn có chung suy nghĩ với nhau về giới tính, sinh bao nhiêu con và thời điểm sinh con không? Không những cần thống nhất với đối phương về những vấn đề này mà bạn còn cần phải xem quan điểm của gia đình người ấy có phù hợp với cách nghĩ của mình không.
Ai sẽ là người nắm giữ nguồn tài chính trong gia đình, phụ trách chi tiêu mọi việc? Số tiền hai người kiếm được sẽ được chi tiêu như thế nào cho việc: sinh hoạt, đi chơi, mua sắm, biếu bố mẹ hai bên, gửi tiết kiệm...
Hai bạn quan niệm như thế nào về vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Liệu sau khi kết hôn người vợ sẽ tiếp tục đi làm hay trở về là một người nội trợ? Đây là một trong những vấn đề các bạn cần xem xét kỹ lưỡng, nhất là các bạn gái, để có thể được là chính mình sau khi kết hôn.
9. Bạn đã có đủ tài chính cho cuộc sống gia đình sau này?
Đây là vấn đề rất quan trọng mà các cặp đôi cần xem xét trước khi quyết định kết hôn. Để duy trì các hoạt động trong gia đình cần phải có một khoản tiền nhất định. Đặc biệt là so với cuộc sống độc thân, bạn sẽ phải chi trả thêm rất nhiều khoản khác như: tiền ăn, tiền sinh hoạt hàng tháng, tiền thăm hỏi họ hàng hai bên gia đình, tiền chăm lo cho con cái (nếu có), tiền để dành cho những việc bất ngờ cần giải quyết...
Việc khó khăn về tài chính không chỉ khiến bạn có một cuộc sống không đầy đủ mà sự mệt mỏi, áp lực về tiền bạc còn có thể khiến các bạn cãi vã dẫn đến xung đột trong hôn nhân.
Nếu đã quyết định kết hôn thì hãy đảm bảo về mặt tài chính từ trước để có thể xây dựng được một cuộc sống gia đình hạnh phúc và tốt đẹp hơn.