Hôn nhân là chuyện đại sự, ảnh hưởng đến hạnh phúc cả đời của cô dâu, chú rể vì thế mọi công việc trong lễ cưới đều cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh những điều sai sót có thể ảnh hưởng xấu đến cuộc sống gia đình sau này của đôi vợ chồng trẻ.
Để có một đám cưới hoàn hảo, bạn cần tránh tuyệt đối những điều kiêng kị sau đây.
1. Tránh ngày, giờ xấu
Ngày, giờ tổ chức hôn lễ là điều cực kỳ quan trọng trong đám cưới. Theo quan niệm của người phương Đông, mỗi ngày, giờ đều mang những ý nghĩa nhất định và mỗi năm tuổi của cô dâu, chú rể lại hợp với những ngày, giờ khác nhau. Nếu bạn cử hành hôn lễ vào thời gian xấu sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân sau này như: cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, ảnh hưởng đến sức khỏe của hai người hay vấn đề con cái...
Vì thế, trước khi tổ chức lễ cưới, gia đình hai bên thường xem xét và bàn bạc kỹ lượng để chọn ngày giờ tốt nhất.
2. Tránh nhà có tang
Ở Việt Nam cũng như các quốc gia châu Á khác, chữ "hiếu" luôn chiếm một vị trí quan trọng và đặc biệt linh thiêng. Vì thế, nếu trong gia đình có người mất thì bắt buộc phải qua thời gian chịu tang mới được tổ chức hôn lễ để thể hiện sự tiếc thương với người đã khuất. Với bố mẹ thì phải để tang 3 năm, với ông bà thì phải để tang 1 năm.
Điều này cũng giúp tránh sự đen đủi, những điểm xấu của đám tang ảnh hưởng đến hạnh phúc của cô dâu, chú rể.
Tuy nhiên, ngày nay, thời gian chịu tang cũng đã được rút ngắn xuống, nhiều gia đình coi việc tang lễ là những chuyện mất mát đã qua và không muốn điều đó ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của con cháu. Có thể tổ chức đám tang sau ngày bố hoặc mẹ mất 1 năm, đối với ông bà có thể để qua 100 ngày mất.
3. Tránh cúng lễ sơ sài
Người Việt Nam rất coi trọng việc cúng bái tổ tiên. Vì thế, đối với việc hôn nhân đại sự cũng tuyệt đối không được chuẩn bị sơ sài. Trong ngày cưới cũng như ngày ăn hỏi, dạm ngõ, bàn thờ tổ tiên lúc nào cũng phải được chuẩn bị cẩn thận, lau dọn sạch sẽ, bày biện đầy đủ đồ mặn và đồ chay như: xôi gấc, gà luộc, bánh kẹo, hoa quả, trầu cau, rượu, thuốc lá, vàng mã...
Mỗi khi thực hiện các nghi lễ trong đám cưới thì ông bà, bố mẹ, cô dâu, chú rể đều phải thắp hương để báo cáo với ông bà, tổ tiên và cầu mong cô dâu, chú rể sẽ được những người đã khuất trong gia đình phù hộ, độ trì, ban phước lành để có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, viên mãn.
4. Tránh mẹ cô dâu đi đưa dâu
Thông thường bố cô dâu sẽ là người đưa con gái về nhà chồng. Người ta kiêng mẹ không được tiễn con gái cũng như đi đưa dâu vì tình cảm mẹ con quyến luyến, bịn rịn có thể làm cô dâu lưu luyến, không muốn rời xa gia đình và không toàn tâm toàn ý lo toan công việc nhà chồng sau này.
5. Tránh mẹ chú rể đi đón dâu
Trước thời gian diễn ra lễ đón dâu, mẹ chú rể sẽ đến nhà cô dâu để dâng trầu cau làm lễ xin dâu rồi tránh mặt về trước. Người ta quan niệm, mẹ chồng không được đi đón dâu cũng không được đứng ở cửa đón cô dâu sẽ làm cho mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu sau này không được tốt đẹp.
6. Cô dâu chỉ được ra ngoài khi chú rể vào phòng đón
Trong thời gian diễn ra lễ đón dâu cũng như lễ ăn hỏi trước đó, cô dâu phải ngồi yên trong phòng và chỉ được bước chân ra ngoài khi người lớn trong nhà đã thực hiện xong mọi nghi thức, chú rể vào phòng trao hoa cưới và đón cô dâu ra để chào hỏi mọi người. Như vậy cô dâu mới giữ được nét duyên dáng, chính thức được coi là con dâu trong gia đình nhà chồng.
7. Tránh hai đám cưới gặp nhau
Theo quan niệm của người Việt thì hai đám cưới đi ngược chiều nhau giống như việc đối đầu, giao tranh sẽ đem đến những điều không may mắn, êm ả cho cuộc sống sau này vì vậy nếu có hai đám cưới gần nhà nhau, những người lớn trong gia đình sẽ gặp và thương lượng trước để tránh đón dâu cùng giờ.
8. Tránh đổ vỡ
Trong đám cưới, đổ vỡ là điều kiêng kị, đặc biệt cần tránh vì nó được cho là mang đến những điều không may mắn đối với cuộc hôn nhân của cô dâu, chú rể. Có thể cuộc sống của họ sẽ vì thế mà không được hạnh phúc trọn vẹn, thậm chí là có kết cục đổ vỡ tương tự.
9. Những người không nên đi đưa dâu
Những người nhà có tang hoặc có cuộc sống gia đình không hạnh phúc thì không nên đến đám cưới hoặc đi đưa dâu để tránh mang đến những điều xui xẻo, không may mắn.
10. Tránh những đồ vật có màu tối
Mọi thứ trong đám cưới đều phải có màu tươi sáng như: màu đỏ, màu hồng, màu tím... tượng trưng cho những điều may mắn, tốt lành. Đặc biệt là các lễ vật để dâng lên bàn thờ tổ tiên và mâm cỗ cưới đều phải được trang trí với những màu sắc hài hòa, bắt mắt. Những người đến tham dự lễ cưới cũng không nên mặc những trang phục tối màu như màu đen, màu nâu... để tránh những điều không may mắn.