5 thương vụ hấp dẫn bị bỏ lỡ trong làng công nghệ

Yahoo không chỉ bị tước ngôi vương trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến mà còn để vuột mất mạng xã hội phổ biến nhất thế giới Facebook trong khi ý tưởng về máy nghe nhạc iPod cũng từng bị hắt hủi.

Một số thương vụ công nghệ đã không thể diễn ra bởi những bên liên quan không nhìn thấy được tiềm năng và tương lai của sản phẩm.

Yahoo bỏ lỡ Facebook

Năm 2006, Facebook mới ra đời được 2 năm và có vỏn vẹn 8 triệu người dùng trong khi MySpace đang làm mưa làm gió với 100 triệu thành viên. Khi đó, Yahoo vẫn đề nghị mua mạng xã hội này với mức giá hấp dẫn 1 tỷ USD, gần gấp đôi số tiền Rupert Murdoch đầu tư cho MySpace năm 2005.

Tuy nhiên, Yahoo gặp một số khó khăn tài chính, cổ phiếu nhanh chóng giảm 22% nên CEO Terry Semel của hãng này hạ giá Facebook xuống còn 800 triệu USD, Nhà sáng lập 23 tuổi Mark Zuckerberg quyết định thoái lui. Hai tháng sau, Yahoo lặp lại lời đề nghị ban đầu nhưng đã quá muộn. Hiện Facebook là mạng xã hội số một thế giới với 250 triệu thành viên, đạt giá trị ước tính 5-10 tỷ USD. Còn Yahoo sau 3 năm với 2 đời CEO vẫn đang tiếp tục tìm hướng đi cho các dịch vụ của họ.

Real Networks chê iPod

Giám đốc điều hành Steve Jobs của Apple không phát minh ra iPod nhưng ông đã chấp thuận phát triển mẫu concept của Tony Fadell sau khi ý tưởng của kỹ sư này bị cả Philips và Real Networks từ chối vào mùa thu năm 2000.

Lúc đó, nhiều mẫu máy nghe nhạc đã xuất hiện trên thị trường nhưng thiết bị của Fadell nhỏ, mỏng hơn và tập trung vào phát triển nội dung. Kho nội dung đó chính là iTunes và Apple hiện kiểm soát 80% thị trường nhạc trực tuyến. Real Networks cũng đang tham gia thị trường này nhưng doanh thu quá nhỏ bé so với Apple.

Sony và Toshiba bất đồng về chuẩn HD

Giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, thế giới cũng chứng kiến một cuộc chiến công nghệ đĩa quang và các bên liên quan đã ngồi lại với nhau để thống nhất cho ra đời định dạng Digital Versatile Disc (DVD).

Cuộc đua tiếp theo để xác định chuẩn đĩa quang thế hệ mới lại không diễn ra suôn sẻ như vậy. Từ 2002, Sony và Toshiba mỗi bên hình thành một liên minh nhằm hỗ trợ định dạng của mình (Blu-ray và HD DVD không tương thích với nhau). Năm 2008, Sony thực hiện nước cờ hiểm khi trả cho Warner Brothers số tiền được cho là 400 triệu USD để hãng phim này từ bỏ HD DVD và chuyển sang sản xuất phim trên đĩa Blu-ray.

Toshiba thua lỗ cùng HD DVD và Sony cũng tốn không ít công sức và tiền bạc để giành chiến thắng nhưng hiện nay, doanh số đĩa Blu-ray vẫn chỉ bằng 1/10 so với DVD. Chưa kể trong tương lai, người dùng sẽ có xu hướng tải nội dung trên mạng và xem video theo yêu cầu (VoD) thay vì mua đĩa.

Cơ hội cho Microsoft

Năm 1980, khi IBM muốn tìm đối tác xây dựng hệ điều hành cho máy tính IBM PC, Microsoft không phải lựa chọn đầu tiên. Big Blue đã đến gặp Gary Kildall thuộc công ty Digital Research, tác giả hệ điều hành CP/M. Tuy nhiên, do bận gặp một khách hàng khác, Kildall để vợ đàm phán với IBM và bà Dorothy Kildall không thích một số phần trong thỏa thuận của hãng này.

"Big Blue" quay lại với Bill Gates và ông cùng Paul Allen triển khai MS-DOS. IBM quyết định bán máy tính cài MS-DOS (60 USD) hoặc CP/M (240 USD) và phiên bản rẻ hơn đã chiến thắng.

Tìm kiếm trực tuyến trước thời Google

Khoảng giữa những năm 90, công nghệ tìm kiếm nổi nhất không phải của Yahoo, Alta Vista, Lycos hay Hot Wired mà là Open Text Web Index. Tương tự Google hiện nay, Open Text được tán dương nhờ tốc độ, sự chính xác và toàn diện.

Yahoo đã đưa công nghệ tìm kiếm của Open Text vào dịch vụ của họ. Nhưng sau 2 năm, Open Text từ bỏ để chuyển sang quản lý nội dung doanh nghiệp mà không biết rằng tìm kiếm trực tuyến sẽ nở rộ như thế nào. Một năm sau Google xuất hiện và bị "các ông lớn" nhìn bằng nửa con mắt nhưng giờ hãng này gần như thống trị mọi nội dung trên Internet.

Thứ Tư, 19/08/2009 09:33
31 👨 405
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp